Vùng khó, bất cập bởi thiếu hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn. Nơi thuận lợi thường xuyên trong cảnh thiết bị mau xuống cấp, ý thức học sinh chưa tốt, thiếu nhân sự dọn dẹp…
“Nhịn” vì sợ đi vệ sinh
Trước khi chia sẻ câu chuyện của mình, Nguyễn Thị Ngọc Bích, lớp 10A5, Trường THPT Ân Thi (Ân Thi, Hưng Yên) nhắc đến câu nói mà em từng đọc: Một ngôi trường, để biết chất lượng có tốt không, hãy kiểm tra nhà vệ sinh đầu tiên. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhất là các trường học ở vùng nông thôn, đa số nhà vệ sinh chất lượng đều kém khiến học sinh cảm thấy mỗi lần vào đó là một nỗi ám ảnh.
Ngọc Bích nhớ lại trải nghiệm khó quên khi học THCS. Đến kỳ “đèn đỏ”, buộc phải vào nhà vệ sinh, chứng kiến hình ảnh rất bẩn, cống tắc nghẽn chất thải, dù đã đeo khẩu trang, cố nhịn thở, nhưng mùi hôi trong đó đã khiến Ngọc Bích bị nôn mửa rồi chạy ra ngoài. “Cũng từ lần ấy, em không dám vào nhà vệ sinh nữa, thà nhịn một chút về đến nhà còn hơn”, Ngọc Bích chia sẻ.
“Nhà vệ sinh không sạch sẽ có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên chủ yếu do ý thức giữ gìn vệ sinh chung của các bạn học sinh chưa cao. Ngoài ra, nhà trường chưa thực sự chú trọng đến dịch vụ, dẫn đến đến tình trạng nhà vệ sinh bị bẩn, gây ám ảnh...
Chính vì thế, em mong nhà trường chú trọng hơn việc làm sạch nhà vệ sinh, cung cấp đầy đủ đồ cần thiết (khăn giấy, xà phòng rửa tay…), thường xuyên tẩy rửa. Bên cạnh đó, tăng cường ý thức giữ gìn vệ sinh chung qua tuyên truyền, nhắc nhở, giám sát. Có như vậy, nhà vệ sinh trong trường học mới sạch sẽ, khang trang” - Nguyễn Thị Ngọc Bích bày tỏ.
Năm nay lên lớp 10, chất lượng nhà vệ sinh của trường mới, theo Ngọc Bích, cũng không khác nhiều so với nhà vệ sinh ở tiểu học và THCS. Đầu tiên, hệ thống nước từ giếng khoan khiến bồn rửa tay đều bị nhuộm vàng. Thứ nữa, hệ thống xả loại bỏ chất thải kém, việc vệ sinh tẩy rửa bồn cầu không được chú trọng.
Đôi khi bị tắc nghẽn bốc mùi rất khó chịu, đồng thời kéo theo ruồi muỗi, côn trùng. Không chỉ bụi bặm, nhiều muỗi, côn trùng, nhà vệ sinh còn luôn trong tình trạng thiếu giấy, xà phòng rửa tay; thùng rác đầy ứ nên rác thải tràn ra ngoài... Chính vì tình trạng như vậy, nên Bích tiếp tục hành trình “nhịn” đi vệ sinh như thời gian trước.
Em Nguyễn Hoàng Minh, Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) may mắn hơn khi nhà vệ sinh ở trường còn khá mới và sạch sẽ. Tuy nhiên, Minh cho biết không ít lần em phải “nhịn” đi vì có thời điểm nhà vệ sinh chưa kịp được dọn dẹp nên bốc mùi rất khó chịu; hoặc có bạn vào trước ý thức không tốt, không xả nước, vứt giấy bừa bãi, làm nước lênh láng ra sàn...
“Em và các bạn đều mong nhà vệ sinh ở trường học cần được quan tâm dọn dẹp thường xuyên, sạch sẽ hơn nữa. Nhưng nguyên nhân của việc mất vệ sinh cũng phần lớn do ý thức của học sinh, nên các thầy cô cần thường xuyên nhắc nhở để các bạn giữ gìn vệ sinh chung”, Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ.
Học sinh Trường Tiểu học Liên Hòa (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Ảnh: INT |
Thiếu nhân sự dọn dẹp
Con gái bị tiểu rắt nên nhà vệ sinh luôn là mối quan tâm số một của chị Ngân khi cho con đến trường. Năm học này, con lên lớp 6 ở trường mới tại phường Biên Hòa (Đồng Nai), chị Ngân khá yên tâm khi mỗi tầng đều có hai nhà vệ sinh bố trí ở hai đầu hành lang, cho học sinh nữ/nam và khá sạch sẽ. Tuy nhiên, chị chia sẻ, con phản ánh nhà vệ sinh không có xà phòng rửa tay, không có giấy, nên lọ rửa tay khô và giấy vệ sinh là vật dụng nữ sinh này không thể quên mỗi sáng đi học.
Chị Ngân kể: Trước đây gia đình sống ở ngoại thành Hải Phòng. Vì là vùng nông thôn nên nhà vệ sinh không được quan tâm và sạch sẽ như nơi con đang học. Cả trường chỉ có hai nhà vệ sinh (nam riêng, nữ riêng), nhưng được xây theo kiểu cũ, nhìn tường ố vàng đã không muốn bước vào. Bên trong tất nhiên là bẩn, bốc mùi khó chịu; đặc biệt sau giờ ra chơi, nhiều học sinh cùng sử dụng và có một số em ý thức kém, đi vệ sinh xong không dội nước. Con gái mỗi khi vào nhà vệ sinh đều phải dùng khăn quàng bịt mũi, nhịn thở và kiên quyết chỉ “đi nhẹ”, còn lại cố nhịn đến khi về nhà.
Nhà vệ sinh tại Trường Tiểu học và THCS Mường Men, xã Mường Men, huyện Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: Quỹ Hy Vọng (Hope) |
“Trước đây, con thường xuyên kể chuyện có bạn ‘bĩnh’ ra quần vì không dám vào nhà vệ sinh; có bạn thì ra khu đất khuất ngay sau nhà vệ sinh để ‘giải quyết nỗi buồn’… Nên mỗi khi có dịp vào một số trường, tôi luôn chú ý quan sát khu vực này. Điểm chung tôi thấy là nhiều trường thường áp dụng bài toán tiết kiệm kinh phí nên thiết bị mau xuống cấp, hỏng hóc.
Ví dụ, bồn nước rửa tay sử dụng một thời gian là hỏng ống dẫn nước, nên mỗi khi các em rửa tay, nước lại lênh láng ra sàn, rất bẩn. Rồi việc thiếu lao công khiến nhà vệ sinh vốn đã hoạt động quá công suất lại không được dọn dẹp thường xuyên nên chỉ một thời gian trở thành nỗi ám ảnh với bất cứ ai bước vào. Tôi cho rằng, việc quan niệm nhà vệ sinh như ‘công trình phụ’ là sai lầm. Đây phải là công trình chính, cần được quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh”, chị Ngân cho hay.
Cô Nguyễn Ngọc Thuý, giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, khu vệ sinh của trường mặc dù đã được xây dựng khá lâu, nhưng vì luôn có một lao công phụ trách lau dọn thường xuyên nên vẫn bảo đảm cho trò sử dụng. Tuy nhiên, một số trường trong địa bàn, vì lý do như cơ sở vật chất đã cũ (dội, rửa không tự động; men gạch nhà vệ sinh bong tróc…), ý thức một số học sinh chưa tốt, thiếu lao công… nên gây ra tình trạng nhà vệ sinh bốc mùi, lan ra những lớp học gần đó.
Cô Nguyễn Ngọc Thuý cho rằng, nhà vệ sinh là vấn đề cần được quan tâm thỏa đáng; đầu tư cải tạo hoặc xây dựng phù hợp về vị trí… Việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung của học sinh rất quan trọng; có thể thực hiện thông qua nội quy, các buổi tuyên truyền (sinh hoạt lớp, sinh hoạt chuyên đề…).
Dù nhà vệ sinh có hiện đại, lao công làm việc cật lực đến đâu, nhưng nếu ý thức của trẻ không tốt thì mọi thứ đều vô nghĩa. Cùng với đó, việc bố trí nhân sự dọn dẹp nhà vệ sinh cũng cần được quan tâm. Thường một trường có một hoặc hai lao công làm việc cật lực, xoay giữa các khu vệ sinh nên rất vất vả, gần như không nghỉ; đặc biệt sau giờ ra chơi và sau khi học sinh tan học.
Trường khó có giải pháp căn cơ
Mới về làm Hiệu trưởng Trường THPT Mường Chiềng (huyện Đà Bắc, Hòa Bình), vấn đề nhà vệ sinh cho học sinh là một trong những trăn trở lớn của thầy Nguyễn Văn Minh. Do yếu tố lịch sử để lại, nhà vệ sinh xuống cấp, dù đã được sửa chữa nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Ảnh minh họa. Ảnh: ITN |
Quy mô 15 lớp với khoảng 550 học sinh, nhà vệ sinh của trường hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu, nên các em phải sử dụng chung với cán bộ, giáo viên. Về nhân lực, do đã đủ số người theo định biên, lại không có nguồn kinh phí để thuê lao công, nên trường phân công cho một nhân sự hợp đồng ngắn hạn trong tổ văn phòng để phụ trách công tác dọn dẹp công trình này.
“Nhà trường đã cố gắng tìm mọi cách giải quyết, nhưng chỉ là giải pháp tình thế, không phải giải pháp căn cơ, lâu dài. Trước hết là khó về kinh phí. Khi về trường, tôi đã làm việc, đề xuất với lãnh đạo phòng Kế hoạch - Tài chính, nhưng do ngân sách eo hẹp, năm trước lãnh đạo cũ không đề xuất nên không có kinh phí để bố trí. Giải pháp từ xã hội hóa với nhà trường rất khó, vì đa phần là học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở một tỉnh nghèo. Bản thân tôi cũng cố gắng sử dụng quan hệ cá nhân để kêu gọi sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhưng chưa có câu trả lời cuối cùng vì số lượng trường khó khăn rất nhiều, không riêng gì Mường Chiềng.
Tôi cho rằng, vệ sinh cần được coi là công trình chính, không thể là công trình phụ vì đây là vấn đề bức xúc nhất, cần giải quyết dứt điểm. Mong mỏi của nhà trường là khi xây dựng nhà vệ sinh cần đáp ứng được về công năng sử dụng và số lượng học sinh. Bàn ghế có thể cũ một chút cũng được, nhưng khâu vệ sinh cần được quan tâm vì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người học”, thầy Nguyễn Văn Minh trăn trở.
Thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Tháp Mười, Đồng Tháp) cũng chia sẻ thực trạng chung: Nhà vệ sinh phần lớn nhà trường cơ sở vật chất đều cũ, xuống cấp; các trường có đầu tư, sửa chữa, bổ sung, nhưng chậm so với nhu cầu thực tế. Đặc biệt trong giờ cao điểm, nhà vệ sinh thường không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của học sinh.
Ý thức bảo quản thiết bị và giữ gìn vệ sinh chưa tốt cũng góp phần làm nhà vệ sinh vốn đã khó khăn lại càng nhanh hư hỏng. Một vấn đề khác chưa nhiều người nói đến nhưng không thể không quan tâm, đó là nguy cơ mất an toàn trong nhà vệ sinh, đặc biệt ở các trường THPT, khi các thiết bị công nghệ phát triển, học sinh lại ở tuổi đang lớn. Chưa kể nhiều dịch bệnh có thể phát sinh từ nơi này.
Trường THPT Mỹ Quý hiện có hai khu vệ sinh cho học sinh nam và nữ; tuy nhiên số phòng còn thiếu, không thể đáp ứng nhu cầu của trên 600 học sinh, nhất là thời điểm ra chơi. Tuy nhiên, nhà vệ sinh được quan tâm sửa chữa và ý thức giữ gìn của học sinh khá tốt, đặc biệt sau thời gian phòng chống dịch Covid-19.
Nhà vệ sinh trường học hiện là vấn đề được Sở GD&ĐT Đồng Tháp quan tâm, có chuyên đề riêng kiểm tra về nội dung này, nên các trường đã có chuyển động tích cực. Mong rằng, về kinh phí, có thể cho phép xã hội hóa ở mức phù hợp để tăng cường nhân lực dọn dẹp nhà vệ sinh. Như hiện tại, chỉ một nhân lực phụ trách cả nhà vệ sinh giáo viên thì làm không xuể, nhiều khi không đáp ứng được yêu cầu”, thầy Trần Văn Hân chia sẻ mong muốn.
Nhiều giáo viên khi được hỏi về tình trạng nhà vệ sinh trong trường học đều thừa nhận chưa bảo đảm yêu cầu. Số học sinh quá đông, trong khi nhà vệ sinh ít dẫn đến quá tải, mà đã quá tải thì rất khó giữ được vệ sinh sạch sẽ. Chưa kể, ý thức học sinh chưa tốt, nhân lực dọn dẹp thiếu nên dù trường đầu tư tốt cho nhà vệ sinh nhưng tình trạng có mùi hôi, giấy vứt bừa bãi… vẫn xuất hiện.