Cần tầm nhìn dài hạn về xây nhà vệ sinh trường học

GD&TĐ -  Để đạt được mục tiêu về xây nhà vệ sinh trường học, ngoài việc đẩy mạnh xã hội hoá, cần những giải pháp căn cơ và tầm nhìn dài hạn.

Nhà vệ sinh trường học của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: TG
Nhà vệ sinh trường học của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: TG

Quyết định 1660 của Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025, 100% trường học có nhà vệ sinh; trong đó 50% có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh. Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc đẩy mạnh xã hội hoá, cần những giải pháp căn cơ và tầm nhìn dài hạn.

Cô Nguyễn Thị Minh Thịnh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Dân, TP Việt Trì, Phú Thọ): Đẩy mạnh xã hội hoá

Theo tôi, để có đủ số lượng và hướng đến mục tiêu nhà vệ sinh đạt chuẩn, cần đẩy mạnh xã hội hoá. Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào tiền ngân sách sẽ rất khó, bởi ngân sách Nhà nước chi cho nhiều hoạt động khác. Vì vậy, cần phát huy tối đa những hạng mục có thể xã hội hoá được.

Cách đây 1 năm, khi làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì, Phú Thọ), để có nhà vệ sinh học đường sạch sẽ, hiện đại, chúng tôi đã huy động từ phụ huynh, các nhà hảo tâm và cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chung tay, góp sức.

Ngày ấy, cách làm của chúng tôi là: Xây dựng bản thiết kế chi tiết, thậm chí xây dựng bản Demo 3D để mọi người dễ hình dung. Từ bản thiết kế này, chúng tôi thuyết phục chính quyền địa phương, phụ huynh và cơ quan đơn vị, doanh nghiệp cùng đồng hành với nhà trường xây dựng nhà vệ sinh theo hướng hiện đại, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan liên quan.

Tới đây, tôi cũng có ý tưởng cải tạo lại nhà vệ sinh học đường của Trường Tiểu học Tân Dân – nơi tôi đang công tác. Tôi quan niệm, nhà vệ sinh là một trong những công trình chính trong trường học. Đó cũng là cách mà chúng ta quan tâm đến học sinh, coi các em là nhân vật trung tâm, để không còn nỗi ám ảnh mỗi khi đi vệ sinh ở trường.

Học sinh Trường Tiểu học Nậm Cắn I (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: TG

Học sinh Trường Tiểu học Nậm Cắn I (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: TG

Ông Đào Đức Tuấn (Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định): Chấm dứt “nỗi ám ảnh”

Năm học 2022 - 2023, sở GD&ĐT sẽ phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng GD&ĐT thực hiện rà soát hiện trạng hệ thống nhà vệ sinh trường học trong các cơ sở giáo dục, nhất là cấp mầm non và tiểu học. Trên cơ sở đó, đánh giá mức độ đảm bảo nhu cầu sử dụng, mức độ hợp vệ sinh. Từ đó tham mưu, đề xuất phương án với chính quyền các cấp ưu tiên bố trí ngân sách địa phương để đầu tư xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh học đường.

Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hóa từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác, nhằm tăng cường đầu tư xây dựng, giải quyết dứt điểm việc thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch, thay thế công trình tạm, không hợp vệ sinh.

Mặt khác, tăng cường các giải pháp đảm bảo nhà vệ sinh trường học, quan tâm chỉ đạo việc tổ chức giáo dục học sinh ý thức vệ sinh chung, thường xuyên dọn dẹp. Đồng thời, tập trung ưu tiên huy động mọi nguồn lực đảm bảo nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Đặc biệt, thường xuyên tăng cường tổ chức kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh tại các khu, nhà vệ sinh trong trường học. Qua đó, chấm dứt tình trạng học sinh không dám đi vệ sinh vì bẩn.

Cùng với việc kêu gọi, vận động tài trợ xây dựng cơ sở vật chất hay xã hội hóa các công trình phụ trợ, việc kêu gọi hỗ trợ từ tổ chức phi chính phủ cũng là giải pháp tối ưu, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và phụ huynh học sinh tại vùng khó khăn, nhất là ở xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần khuyến khích doanh nghiệp tài trợ để nâng cấp, xây dựng mới nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn tại nơi khó khăn. Hiện, trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương đã phá bỏ nhà vệ sinh cũ, tập trung nâng cấp, ưu tiên xây mới nhà vệ sinh ở các nơi chưa có.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Cùng với việc đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh hợp vệ sinh, các cơ sở giáo dục cần giáo dục học sinh về ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Đồng thời, phối kết hợp với ngành y tế trong việc xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn nhà vệ sinh đạt chuẩn. Qua đó, nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh khi học tập ở trường. Các phòng GD&ĐT cũng cần xây dựng tiêu chí thi đua, trong đó có tính đến yếu tố nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Có như vậy, nhà vệ sinh trong các trường học sẽ không còn là “nỗi ám ảnh” của học sinh khi đến trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh): Phải là công trình chính trong trường học

Thực tế cho thấy, điều kiện các nhà vệ sinh trong trường học chưa đáp ứng yêu cầu, kể cả ở thành thị. Đây là vấn đề cần được nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc và bất cập hiện nay.

Lâu nay, chúng ta vẫn coi trường, lớp, phòng thư viện, nhà thể chất, sân thể dục thể thao… là công trình chính trong các cơ sở giáo dục. Còn nhà vệ sinh, nhà bếp là công trình phụ. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi tư duy, nhận thức về vấn đề này. Theo đó, nhà vệ sinh và nhà bếp phải là công trình chính trong trường học. Khi tư duy, nhận thức thay đổi sẽ dẫn đến hành động và việc làm thay đổi. Từ đó sẽ có kết quả thay đổi và mang lại những giá trị thiết thực.

Công tác trong ngành Giáo dục và trực tiếp giảng dạy, tôi nhận thấy: Học sinh có yêu trường, lớp hay không, một phần bởi các công trình vệ sinh có sạch sẽ, thân thiện. Đây là việc rất đáng quan tâm và cần suy tính. Qua đó, cần có giải pháp căn cơ trong triển khai; trước mắt có kế hoạch cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà vệ sinh cũ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Trong quy hoạch trường học, cần dành phần đất để xây dựng nhà vệ sinh theo hướng sạch đẹp, hiện đại.

Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang sức khỏe thể chất. Do đó, một trong những việc cụ thể cần giải quyết sớm là cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học. Đồng thời tăng cường xây dựng, quy hoạch các điểm trường đảm bảo hợp lý, khoa học. Mặt khác, tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh trường học để phục vụ nhu cầu chính đáng của thầy trò; tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn, hạn chế dịch bệnh… - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.