Hồi còn làm việc ở Bệnh viện đa khoa Singapore, tôi được giao nhiệm vụ chủ trì một cuộc hội thảo về tìm hiểu và xác định tại sao bệnh nhân lại tự vẫn.
Những người tham gia bao gồm các nhà hoạt động xã hội, chuyên gia tâm thần học và chuyên gia tâm lý học. Không cần phải nói, đương nhiên chúng tôi không thể hiểu hoàn toàn tại sao một bệnh nhân lại tự từ bỏ mạng sống của chính mình.
Nghiên cứu gần đây gợi ý rằng bệnh nhân tự vẫn bởi vì họ cảm thấy hoàn cảnh của mình thật vô vọng. Chúng tôi có các câu hỏi khảo sát để giúp đánh giá bệnh nhân và kết quả nhận được là “mức vô vọng”.
Do vậy các nguồn lực sau đó đã được phân bổ cho việc tư vấn và hỗ trợ những người đang cần nhất. Nhưng các câu hỏi khảo sát như vậy thường dài dòng, chán ngắt và không thực tế cho ứng dụng hằng ngày ở bệnh viện quy mô lớn và có cường độ cao như bệnh viện của chúng tôi.
Cái chúng tôi học được từ hoạt động này là khi làm bác sĩ và y tá, chúng ta không bao giờ được quên mang lại hy vọng cho bệnh nhân. Bạn bè và gia đình của bệnh nhân ung thư cũng có vai trò trong việc động viên và an ủi người thân của họ.
Khảo sát được thực hiện cách đây 20 năm nhưng tôi không thể không nghĩ về nó khi nhận được một trong những lá thư làm tôi sợ nhất - thư từ cảnh sát yêu cầu hồ sơ bệnh án. “Hôm nay, người này đã qua đời.
Người thân gần nhất đã thông báo với chúng tôi rằng nạn nhân đã từng điều trị ung thư ở bệnh viện của ông. Xin vui lòng trợ giúp chúng tôi bằng cách gửi toàn bộ chi tiết hồ sơ bệnh án của người đã mất vì chúng tôi sẽ tiến hành điều tra vụ tử vong bất thường này”.
Tôi nhìn chằm chằm vào tên của người đàn ông đã chết. Nó rất quen nhưng tôi đơn giản là không thể nhớ ông là ai. Tôi yêu cầu xem các ghi chép về trường hợp của ông, và kinh hoàng phát hiện ra ông là một bệnh nhân mới mà tôi vừa gặp hai ngày trước khi ông qua đời.
Khi tôi xem lại những ghi chép viết tay của mình, ký ức về lần thăm khám của ông ùa về sống động. Ông là bệnh nhân trên 70 tuổi, trông khá yếu ớt nhưng tinh thần rất tốt.
Ông mắc căn bệnh mà ông nghĩ là đau dạ dày nhưng kiểm tra cho thấy có ung thư tuyến tụy. Chúng tôi đã sắp xếp lịch phẫu thuật để loại bỏ khối u nhưng các kiểm tra sau đó cho thấy khối u không thể được cát bỏ bằng phẫu thuật do nó quấn quanh một mạch máu quan trọng.
Khi được tư vấn cân nhắc liệu pháp hóa trị, ông đã đến hỏi ý kiến của tôi. “Hãy cho tôi biết tình trạng xấu đến mức nào”, ông nói. Gia đình của ông cũng đi cùng để ủng hộ, nhích lại gần ông hơn, đặt tên lên vai ông để trấn an và gật đầu đồng ý rằng ông nên được biết.
Tôi nói với ông về hóa trị duy trì cuộc sống. Cùng lúc, tôi cho ông xem trên màn hình những bệnh nhân ung thư tuyến tụy tôi đã điều trị và lần lượt kể những câu chuyện của họ.
“Mặc dù ung thư tuyến tụy không thể chữa khỏi bằng hóa trị, nhưng đây là những câu chuyện thành công vì hóa trị đã làm thu nhỏ các khối u và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ”, tôi nói.
“Nhưng chỉ một trong nạn nhân đáp ứng tốt và có mặt trong các câu chuyện này. Điều này có nghĩa có rất nhiều người không qua khỏi dù chúng tôi cố gắng hết sức”.
Tôi có thể cảm thấy tinh thần của ông khá lên khi ông tìm sự ủng hộ từ gia đình. Họ mỉm cười và gật đầu trấn an. Ông quyết định sẽ thử.
Ngày hôm sau, ông đến phòng khám với quyết định bắt đầu điều trị và hóa trị được thực hiện luôn cùng ngày. Kế hoạch đưa ra là ông sẽ được hóa trị mỗi tuần một lần trong vòng tám tuần.
Sau đó đánh giá bằng cách chụp PET-CT để quyết định liệu có hiệu quả để tiếp tục không. Ông qua đời ngay ngày hôm sau, sau lần điều trị đầu tiên.
Các câu hỏi chạy điên cuồng trong đầu tôi. Chuyện gì đã xảy ra? Có phải liều hóa trị của tôi đã giết ông ấy? Liệu có phải ông ấy bị lên cơn đau tim? Hay do tôi đã nói gì? Có phải tôi đã quá thẳng thắn khi nói chuyện? Có phải ông ấy quá stress không?
Những câu hỏi khiến tôi vô cùng phiền muộn và không thể tập trung vào công việc. Tôi quyết định chấm dứt sự khốn khổ của mình bằng cách gọi điện cho một người thân của ông.
“Ông rơi xuống từ nhà chung cư bên cạnh. Ông đã tự vẫn. Chúng tôi không chắc vì sao ông lại làm như vậy. Nhưng đó là quyết định của ông và chúng tôi tôn trọng điều đó,” cô nói.
Tôi lẩm bẩm nói lời chia buồn, gác máy và ngồi lặng lẽ một mình. Tôi hoàn toàn kinh ngạc khi nghe tin, giờ đây tôi còn có nhiều câu hỏi hơn là các câu trả lời.
Liệu ông có nên được đánh dấu đỏ trên “mức vô vọng” (trong bảng khảo sát nghiên cứu)? Phải chăng lẽ ra tôi nên bảo gia đình canh chừng ông? Liệu tôi có thể chấp nhận rằng đó là quyết định của ông và coi việc tự vẫn là việc bệnh nhân có thể “lựa chọn”?
Với câu hỏi cuối cùng, tôi quyết định câu trả lời là "Không, tôi không thể". Mặc dù không thể chữa khỏi tất cả bệnh tật cho bệnh nhân, nhưng chúng tôi phải mang lại cho họ hy vọng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Tôi thường nhắc nhở bệnh nhân của mình phải sống hết mình mỗi ngày; bởi vì ở đâu có sự sống, ở đó có hy vọng.
Cuộc sống không kết thúc khi tim ta ngừng đập hay khi ta rơi xuống đất sau khi nhảy khỏi một tòa nhà. Nó kết thúc khi hy vọng bắt đầu lụi tàn.
Bác sĩ Ang Peng Tiam hiện là Giám đốc Trung tâm Ung thư Parkway (Singapore). Ông từng nhận giải thưởng khoa học quốc gia Singapore cho những đóng góp nổi bật trong nghiên cứu y học. Nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều trị ung thư, bác sĩ từng chứng kiến vô vàn khoảnh khắc đặc biệt, đó là sự mong manh của con người khi đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, là nỗi tuyệt vọng của bệnh nhân khi nghe tin bị ung thư, những giọt nước mắt nghẹn ngào khi phải giã từ một phần cơ thể, thậm chí họ tự tử khi cảm thấy không thể chịu đựng nổi cơn sốc tâm lý. Trong đó, câu chuyện vềbệnh nhân ung thư nhảy lầu tự tử đã ám ảnh ký ức bác sĩ Ang cho đến bây giờ. Ông kể lại ký ức buồn ấy trong cuốn sách mang tên Hy vọng và phục hồi. Qua đây ông nhắn gửi đến những người đang mang trong mình bệnh nan y nói chung, ung thư nói riêng một thông điệp về giá trị của niềm hy vọng: "Cuộc sống không kết thúc khi tim ta ngừng đập hay lúc ta rơi xuống đất sau khi nhảy khỏi một tòa nhà. Nó kết thúc khi hy vọng bắt đầu lụi tàn". |