Tuy nhiên, làm sao để học thêm trực tuyến hiệu quả, tìm được giáo viên tốt đòi hỏi các bậc phụ huynh tìm hiểu và lựa chọn phù hợp.
Có còn hơn không?
Vào năm học mới gần như ngày nào chị Hà Thị Thoa có con học lớp 5 Trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hoàng Mai – Hà Nội) cũng nhận được điện thoại, tin nhắn giới thiệu, quảng bá các khóa học online với đủ môn học: Tiếng Anh, Toán, Văn… Thậm chí, trung tâm còn tổ chức lớp học trải nghiệm STEM, vẽ, lập trình trực tuyến với nội dung phong phú. Dù muốn cho con học, song gia đình lại phân vân về hiệu quả, chất lượng của dạy học thêm trực tuyến.
Trên mạng xã hội, các nhóm hội làm cha mẹ… những quảng cáo về học trực tuyến của các trung tâm hoặc cá nhân cũng cung cấp thông tin đầy đủ về các khóa học. Thời gian học từ 1 - 3 tháng với mức học phí từ 1,5 - 6 triệu đồng tùy theo tiêu chuẩn giáo viên và sĩ số học sinh/lớp; Khi phụ huynh đăng ký và nộp phí, trung tâm sẽ cấp tài khoản và mật khẩu để các em vào lớp. Để thu hút người học, giáo viên, trung tâm thường miễn phí buổi học đầu tiên để học sinh và gia đình yên tâm và làm quen.
Anh Nguyễn Trung Kiên (Đống Đa – Hà Nội) bày tỏ: Trong bối cảnh dịch kéo dài, học thêm trực tuyến dù không đạt hiệu quả như trực tiếp nhưng “kéo” trẻ vào hoạt đông học tập mỗi ngày 1 – 2 giờ còn tốt hơn để chơi với máy tính, điện thoại. Do đó, anh đã tìm hiểu và đăng ký cho con học lớp Tiếng Anh giao tiếp trực tuyến 3 buổi/tuần với một trung tâm ngoại ngữ.
“Sau buổi học thử miễn phí, nếu không ưng ý trung tâm sẽ giới thiệu giáo viên khác để gia đình lựa chọn. Nhưng khi đã học thử, hầu hết bố mẹ đều đăng ký ít nhất 1 khóa ngắn hạn. Chất lượng chỉ là điều kỳ vọng chứ không nói chắc bởi thực tế giáo viên dạy học ra sao? Bằng cấp tới đâu, kinh nghiệm giảng dạy bao lâu thì trung tâm có giới thiệu nhưng cha mẹ không thể khẳng định đã đúng hay chưa...” - anh Kiên trao đổi.
Chị Lê Thúy Quỳnh (Thanh Xuân – Hà Nội) lại không đặt niềm tin vào các lớp học thêm trực tuyến bởi dịp hè vừa qua đăng ký cho con học lớp Tiếng Anh có hỗ trợ thêm Tin học miễn phí (theo trung tâm quảng bá). Song tìm hiểu kĩ thì khoản học phí đó đã bao hàm cả môn Tin học. Đáng nói “sau thời gian học, con phản ánh thầy cô dạy không hay như ở trường, nhiều buổi học chỉ giao bài làm luôn tại lớp mà không tương tác, giao tiếp với học sinh…”.
Cẩn trọng với học thêm trực tuyến
Cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh) - cho rằng, kết quả học trực tuyến nói chung, học thêm trực tuyến nói riêng phụ thuộc không nhỏ vào tinh thần tự giác của trẻ. Nếu bị bố mẹ “ép” học thêm trực tuyến quá đà, trẻ dễ nảy sinh cảm giác chán nản, áp lực. Một số trường hợp còn lợi dụng thời gian học thêm trực tuyến để chơi game, truy cập trang web độc hại, tán gẫu qua mạng…
Đặc biệt, cô Lê Thị Kim Ngọc – giáo viên Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) - cảnh báo: Những khóa, lớp học thêm online được tổ chức, chào mời nhiều nhưng lại không ít trung tâm thiếu bề dày kinh nghiệm đào tạo, đường truyền lớp học không bảo đảm, nhiều người không đủ tiêu chuẩn giảng dạy, nội dung, chất lượng bài giảng chưa đạt yêu cầu…
Theo cô Ngọc, bố mẹ cần xác định rõ mục tiêu học tập của trẻ khi tham gia học thêm trực tuyến là gì? Những thầy cô dạy có đủ bằng cấp, năng lực sư phạm không? Đường truyền tốc độ cho lớp học trực tuyến ra sao?... Trên cơ sở đó hãy lựa chọn lớp học, thầy cô dạy thêm trực tuyến phù hợp. Nếu chỉ “ép” cho trẻ học để “có hơn không”, tránh thời gian rảnh rỗi thì việc học sẽ thiếu sự chủ động, không phù hợp với mong muốn, yêu cầu của trẻ. Thậm chí “tiền mất, tật mang” với học thêm trực tuyến.
Trước sự nở rộ của dạy học thêm trực tuyến, TS Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - lưu ý cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định để đăng ký cho con học thêm trực tuyến.
Bởi các trung tâm chủ yếu quảng cáo online, đăng ký và nộp phí học tập online, cha mẹ không biết trụ sở trung tâm ở đâu; giáo viên có đủ tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng không? Mặt khác, cần tìm hiểu kỹ nội dung chương trình, thời gian, cách thức… giảng dạy trực tuyến. Đặc biệt phải dựa vào năng lực, sở trường của con để lựa chọn khóa học, môn học, thời gian học phù hợp…
TS Nghiêm Xuân Huy khẳng định: Quan trọng nhất của dạy học trực tiếp hay trực tuyến là yếu tố giáo viên sau đó hạ tầng cơ sở. Như vậy, với hoạt động dạy thêm trực tuyến (dù đã có sự thỏa thuận, đồng ý của cha mẹ), các trung tâm tổ chức, thầy cô dạy thêm phải chuẩn hóa các điều kiện giảng dạy.
Cụ thể, với các trung tâm tổ chức dạy thêm thay vì đến giờ học mở phần mềm Zoom, Teams để giáo viên giảng dạy nhưng không kiểm soát người học (có theo dõi tập trung không? Làm gì?) cần hướng tới mô hình dạy học trực tuyến như: Đưa video bài giảng, bài tập, giao nhiệm vụ học tập cho người học lên hệ thống LMS (video bài giảng đã được biên tập, chỉnh sửa chuẩn; Nhiệm vụ học tập không nhất thiết phải dính tới máy tính).
Như vậy, trẻ có thể học cùng với bố mẹ, học vào thời điểm phù hợp. Học thêm trực tuyến không nhất định phải bắt buộc các em ngồi triền miên với màn hình máy tính, điện thoại, cần giảm thời gian online để tránh hỏng mắt và ảnh hưởng sức khỏe…
Đối với giáo viên tham gia dạy học trực tuyến nói chung có thể giỏi về chuyên môn nhưng chưa chắc đã dạy online hiệu quả. Như vậy, đòi hỏi thầy cô giáo phải nâng cao kĩ năng dạy học trực tuyến. Làm sao phải duy trì được sự chú ý của người học, tạo động lực và khuyến khích việc học diễn ra chủ động thông qua phương pháp khác nhau (tăng cường trò chơi mà học; chấm điểm bằng sao, có phần thưởng…).