Đồng bộ giải pháp
Theo TS Nguyễn Huy Oanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trưng Vương, năm học 2023 - 2024, nhà trường cam kết ổn định học phí đối với người học và tiếp tục hướng tới mục tiêu chất lượng, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.
Trong bối cảnh không tăng học phí, nhà trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo; trong đó có áp dụng mô hình gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số và đa dạng hóa, đa phương hóa hợp tác quốc tế.
TS Nguyễn Huy Oanh chia sẻ, việc áp dụng mô hình gắn kết đại học - doanh nghiệp tạo bước ngoặt mới trong công tác đào tạo của nhà trường. Không tăng học phí không có nghĩa không thay đổi hay dừng lại với những kiến thức trên sách vở. Sinh viên được xây dựng môi trường rèn luyện thực tế, phát triển kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng mềm.
Việc thực tập đúng chuyên ngành cũng giúp sinh viên đáp ứng đúng nhu cầu, hiểu và hòa nhập văn hóa doanh nghiệp từ khi còn trên ghế nhà trường.
“Từ năm học 2023 - 2024, Trường Đại học Trưng Vương rút ngắn thời gian đào tạo tùy ngành nghề, đào tạo 3 học kỳ/năm học (áp dụng từ sinh viên khóa 14). Sinh viên được học chuyên ngành ngay từ năm thứ nhất, thực tập từ năm thứ hai và ra trường sau khi kết thúc năm học thứ ba.
Cùng với việc triển khai “Chương trình đào tạo nguồn nhân lực” cho sinh viên, nhà trường hướng tới mục tiêu tạo dựng thế hệ nhân sự mới vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm”, TS Nguyễn Huy Oanh chia sẻ.
Với giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, TS Nguyễn Huy Oanh cho biết, Trường Đại học Trưng Vương triển khai chương trình “trường đại học số”, thúc đẩy ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập, số hóa tài liệu nhằm nâng cao trải nghiệm học tập và cá nhân hóa đào tạo. Sinh viên được tiếp cận với giáo trình trực tuyến và học trực tuyến tối thiểu 20% chương trình, tiết kiệm thời gian học tập mà vẫn đảm bảo lượng kiến thức đầy đủ như học trực tiếp tại trường.
“Một giải pháp quan trọng khác được nhà trường chú trọng là đa dạng hóa, đa phương hóa hợp tác quốc tế qua hợp tác với các trường đại học nước ngoài, ký kết biên bản ghi nhớ quan trọng với doanh nghiệp quốc tế. Sinh viên nhà trường có cơ hội tham gia vào các chương trình học tập, nghiên cứu trên toàn cầu.
Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế có thể giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức và phương pháp học tập mới, mở rộng tầm hiểu biết về văn hóa và giao tiếp quốc tế. Điều này tạo ra môi trường học tập sôi động và đa văn hóa, giúp mọi người tiến gần hơn với trở thành công dân toàn cầu”, TS Nguyễn Huy Oanh thông tin thêm.
Giờ thực hành tại Trường Đại học Trưng Vương. Ảnh: NTCC |
Tận dụng nguồn lực công nghệ
Là người có kinh nghiệm nhiều năm với đào tạo đại học, PGS.TS Lê Thị Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thực hành pháp luật (CLD), cho rằng, trong bối cảnh tự chủ, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục đại học.
Sự cạnh tranh khốc liệt về tài nguyên, nguồn lực đã cho thấy công nghệ thực sự trở thành yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng và thu hút người học. Đây cũng là vấn đề sống còn của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ hiện nay. Ứng dụng hiệu quả các nguồn lực công nghệ có thể giúp các cơ sở đào tạo tiết kiệm được chi phí, tối ưu hóa công tác quản lý, điều hành và đảm bảo chất lượng đào tạo.
Sinh viên, giảng viên có thể sử dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện các hoạt động học tập, nghiên cứu một cách hiệu quả hơn, cũng như chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy, học tập còn giúp cải thiện tính tương tác giữa sinh viên, giảng viên.
Sinh viên có thể truy cập vào nguồn tài liệu, học liệu trực tuyến một cách dễ dàng; cũng như tham gia hoạt động học tập trực tuyến như hội thảo, trò chuyện, thảo luận để trau dồi kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, để thực sự tận dụng tối đa nguồn lực công nghệ, trường đại học cần đầu tư vào hạ tầng và kỹ thuật, cũng như tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu thân thiện với công nghệ. Điều này đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý giáo dục và những tổ chức liên quan.
Với Trường Đại học Đồng Tháp, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhà trường, chia sẻ những giải pháp cụ thể nhằm triển khai tốt công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức trong bối cảnh không tăng học phí.
Theo đó, nhà trường phát triển các hoạt động kết nối, phục vụ cộng đồng nhằm tạo môi trường làm việc mở, quốc tế, có giá trị văn hóa - lịch sử gắn với cộng đồng địa phương; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, kết nối với sinh viên; vận động và phát triển nguồn lực từ cựu sinh viên thành đạt, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phối hợp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn (chứng chỉ) và dài hạn (văn bằng), đào tạo liên thông chính quy theo địa chỉ và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương, doanh nghiệp…
“Trường Đại học Đồng Tháp cũng phối hợp tổ chức nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học công nghệ phục vụ lợi ích cộng đồng và phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từ đó thu về nguồn kinh phí chuyển giao công nghệ. Thực hiện tiết kiệm một cách hợp lý đối với các khoản chi không thiết yếu; đẩy mạnh chuyển đổi số để tiết kiệm tối đa văn phòng phẩm, hướng đến mục tiêu xây dựng các phòng làm việc hiện đại kết nối và “không giấy”…”, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.