Quan tâm học sinh có nguy cơ bỏ học
Theo thông lệ, sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ học sinh nghỉ học gia tăng. Học sinh nghỉ học có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu là theo cha mẹ đi làm ăn xa hoặc gia đình hoàn cảnh khó khăn…
Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học sau Tết, năm nay các địa phương đã chủ động kế hoạch từ trước. Trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), học sinh dân tộc Khmer tập trung rất đông, chiếm khoảng 60%. Trước khi nghỉ Tết, các trường quan tâm đến đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học. Nguyên nhân là lúc còn đi học, các em ở với ông bà, cha mẹ đi làm ăn xa ở Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai…
Dịp Tết gia đình sum họp, sau đó các em bỏ học, theo cha mẹ đi làm ăn. Bên cạnh đó cũng có một số em học lực yếu kém dẫn đến chán nản và bỏ học. Theo đánh giá của ngành Giáo dục địa phương, đa phần học sinh bỏ học ở nhóm cuối cấp THCS và THPT. Nắm được nguyên nhân này, giáo viên chủ nhiệm đã chủ động, theo dõi để có phương hướng kịp thời giúp đỡ.
Thầy Lý Văn Luận - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho biết: “Khoảng 2 năm nay, tỉ lệ học sinh bỏ học sau kì nghỉ Tết giảm nhiều so với các năm trước. Trước Tết, ngành Giáo dục chỉ đạo các trường nắm bắt tình hình học sinh yếu kém, có cha mẹ đi làm ở các khu công nghiệp tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… Sau Tết, nhà trường tiến hành ổn định trường lớp, nếu có học sinh vắng thì các trường phân công nhân sự giúp đỡ, vận động các em trở lại trường. Phần lớn những em lớp 8, lớp 9 có nguy cơ bỏ học nhiều nhất; cấp tiểu học nghỉ rất ít”.
Ảnh minh họa |
Giữ liên hệ giữa nhà trường và gia đình
Tình trạng đi học muộn, học sinh bỏ học sau Tết trở thành nỗi lo lớn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Để tháo gỡ vấn đề này, các trường triển khai nhiều hướng tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh; Trong đó, chú trọng hỗ trợ học sinh khó khăn về vật chất và kiến thức khi các em trở lại trường lớp.
Bên cạnh công tác hỗ trợ, chăm lo cho học sinh, giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường còn thường xuyên liên lạc qua điện thoại với phụ huynh để thông báo tình hình học tập của con em; Từng bước phối hợp với gia đình giáo dục, hạn chế thấp nhất tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Nhà trường còn phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương để biết rõ về hoàn cảnh gia đình học sinh để có hướng động viên, giúp đỡ phù hợp từng đối tượng.
Theo thầy Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Tân (Cà Mau), trên địa bàn huyện các năm trước không có tình trạng học sinh bỏ học sau Tết, mà chỉ có trường hợp đi học trễ so với quy định. Do đó ngành Giáo dục và các trường tập trung nguồn lực hỗ trợ học sinh bằng học bổng, quà từ trước Tết; Bên cạnh đó còn kết nối với gia đình để tiếp tục động viên, không để các em nghỉ học sau Tết, đi làm thuê.
Còn theo thầy Lý Văn Luận - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), học sinh bỏ học sau Tết cũng có nhiều trường hợp. Có em bỏ học theo cha mẹ đi làm ăn, sau một thời gian ngắn thì trở về địa phương nên thầy cô tìm đến nhà vận động tới trường. Đối với trường hợp này, nhà trường sắp xếp giáo viên dạy kiến thức thiếu hụt cho các em, phân công giáo viên bộ môn kèm cặp, tranh thủ thời gian trống, dạy cho theo kịp chương trình với các bạn.
Đối với học sinh học lực yếu, kém, nhà trường cũng quan tâm để giúp các em tiến bộ, không chán nản, bỏ học. Tùy vào năng lực của các em, giáo viên sẽ có phương pháp bồi dưỡng cho học sinh, nhờ đó đã thực hiện tốt công tác vận động học sinh trở lại lớp, giảm rõ rệt tình trạng học sinh bỏ học. Thầy Võ Minh Dẫn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trần Đề (Sóc Trăng), bày tỏ: “Trước Tết, các trường chú ý quan tâm đến học sinh học kém, học sinh có nhu cầu theo gia đình đi làm công nhân thời vụ tại các khu công nghiệp. Bằng các giải pháp hỗ trợ, vận động nên tỉ lệ học sinh bỏ học sau Tết đã giảm đáng kể”.