Đọc số 1 đến 10 phải mất một tháng
Theo phán ảnh của chị Lan Thị Tươi (SN 1994), trú ở phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh, con trai chị là Lê Đình Đan (SN 31/12/2012) gần 2 tháng nay không đến lớp học vì nhà trường không nhận.
Theo chị Tươi, nguyên nhân là do nhà trường cho rằng em Đan học kém và nghỉ học quá thời gian quy định. Cụ thể, cô giáo chủ nhiệm khuyên gia đình nên làm lại giấy khai sinh, khai muộn một tuổi để trở về học mầm non.
Tuy nhiên, theo chị Tươi việc làm lại giấy khai sinh là điều rất khó, trái với quy định của pháp luật. Với mong muốn con biết đọc chữ như những bạn bè cùng lứa, gia đình xin được nghỉ học ở lớp để đi học thêm tại nhà chị Dương Thị Lục là thợ may trú tại phường Đại Nài, TP.Hà Tĩnh.
Gần 2 tháng em Đan nghỉ học để ở nhà đi học thêm tại một người quen gần nhà |
Để nắm rõ hơn sự việc, phóng viên đến gặp chị Lục “cô giáo” phụ đạo đang dạy kèm cháu Đan tại nhà. Tại đây, Đan đang ngồi học chữ, đọc số và viết chữ theo vở bài tập. Qua kiểm tra một lúc, cháu Đan đọc thuộc bảng chữ cái, đọc trôi chảy từ số 0 đến số 10 cũng như đánh vần được những từ có 2 âm tiết. Tuy nhiên, khi phóng viên chỉ ngẫu nhiên một con số thì Đan không đọc được.
Theo chị Dương Thị Lục, người được gia đình cháu Đan nhờ kèm cặp cho biết: “Đan là đứa trẻ ngoan, lễ phép nhưng sức khỏe cháu yếu, tay phải từng bị tai nạn nên việc cầm bút khó khăn. Khi tôi tiếp nhận bé, bố cháu có nói là Đan tiếp thu rất chậm, cháu sợ học và đi học. Tôi tuy không phải giáo viên, nhưng nhiều gia đình tin tưởng nhờ tôi kèm con họ mắc chứng tự kỷ, tăng động. Thời gian học với tôi, những cháu đó đều phát triển bình thường, tiếp thu bài vở tốt”.
“Tôi nghĩ, với những trẻ tự kỷ, tăng động tôi còn dạy được, huống gì cháu Đan. Khi nhận Đan, cháu như một tờ giấy trắng, không biết một cái gì. Một tuần đầu, tôi không tài nào dạy cho cháu được, cháu tiếp thu quá chậm nên đã yêu cầu gia đình đưa cháu về. Vì tình thương, nghĩ cho tương lai của đứa trẻ, tôi đã cùng cháu “đèn sách” 1 tháng trời, ăn cũng học, ngủ cũng học, nhờ vậy cháu đã đọc được chữ” – chị Lục cho biết.
Cũng theo chị Lục, việc dạy chữ cho em Đan là vô cùng khó khăn: “Đan tiếp thu chậm, nên đi học cháu luôn trong tâm thế sợ sệt. Về nhà bố mẹ dạy mãi cháu học không vào nên cũng trở roi đánh con thường xuyên, dẫn đến cháu bị khủng hoảng. Ngoài tình yêu thương, kinh nghiệm trong việc dạy trẻ, khi bày cháu đọc chữ cái, tôi thường liên tưởng đến những gì gần gũi nhất. Đọc chữ M (bảo cháu liên tưởng đến mẹ), đọc B (liên tưởng con bò), đọc C (liên tưởng cái ca)… cứ thế bày cho cháu hết 29 chữ cái.
Cái khó khăn nữa, con số Đan tiếp thu rất chậm, để đọc thuộc số 0 đến số 10, phải mất một tháng. Đọc thuộc lòng thì được, nhưng khi chỉ một con số bất kỳ, Đan không nhận biết được” – chị Lục nói.
Chị Lục không ngần ngại chia sẻ, “Ai cũng biết rằng, trong thời đại này không có đứa trẻ nào đi học mà không biết đọc chữ, nhưng với cháu Đan thì là trường hợp đặc biệt. Sau khi dạy kèm cháu, tôi hiểu và chia sẻ cùng giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, ở trường hợp cháu Đan cần sự kiên trì, tình yêu thương và đồng lòng từ gia đình, nhà trường để cháu học tập tốt hơn”.
Sẽ cho giáo viên giỏi nhất kèm cặp cháu
Theo bản tường trình gửi ban giám hiệu nhà trường, cô Nguyễn Thị Hòa (GV chủ nhiệm lớp 1B, Trường tiểu học Văn Yên) nói rõ: Cháu Đan sức khỏe yếu và tiếp thu bài vở chậm dù đã được kèm cặp nhưng vẫn không tiến bộ.
Theo cô Hòa lí do cô không nhận cháu Lê Đình Đan trở lại lớp là do cháu nghỉ đến 45 ngày, ngày 4/10 bố mẹ cháu Đan điện xin cho cháu nghỉ học 2 tuần để nhờ người kèm cặp, cô đã báo với nhà trường. Ngày 8/10 cháu Đan tự ý nghỉ học không có giấy phép, cô cũng đã báo với nhà trường, cho đến ngày 22/11 mẹ cháu gọi điện xin cho cháu đi học lại. Cô bảo với gia đình, cháu đã nghỉ học một thời gian, cháu muốn quay học lại phải xin ý kiến của nhà trường.
Lãnh đạo trường cho biết, sẽ cho cháu trở lại trường sớm và cho giáo viên phụ đạo thêm. |
Liên quan đến việc gia đình cháu Đan phản ánh việc tôi ép cháu làm lại giấy khai sinh, ép cháu nghỉ học hay ép gia đình làm đơn quay về mẫu giáo là không hề có. Điều này tôi khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Yên cũng cho biết, trường hợp em Đan lúc đầu gia đình có nguyện vọng xin nghỉ học, tôi không đồng ý, chỉ tạo điều cho cháu nghỉ thứ 6 để cháu đi học phụ đạo. Song gia đình tha thiết cho cháu nghỉ học để đi phụ đạo thêm.
“Khi gia đình xin em Đan đi học lại, do em học yếu và nghỉ 45 ngày nên phải chờ ý kiến của phòng GĐ&ĐT và hội đồng nhà trường có đồng ý hay không. Đây là quy định” – bà Tú nói.
“Sáng 29/11, lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố đã có buổi làm việc trực tiếp với gia đình em Đan, nhà trường để nắm rõ tình hình sự việc. Theo đó, phương án lúc này là vận động gia đình cho em Đan trở lại trường sớm, phía nhà trường có trách nhiệm chỉ đạo giáo viên có chuyên môn giỏi nhất kèm cặp thêm cho em Đan hết lớp 1 đến khi cháu đọc thông, viết thạo” – bà Trần Thị Thủy Nga, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố cho biết.