Nhưng, chỉ một năm sau, cô quyết tâm thi lại và đã trúng tuyển Học viện Ngân hàng.
Lưng mẹ còng… con tạm gác ước mơ
Tranh thủ được nghỉ 2 ngày, Lê Thị Huyền (19 tuổi), tức tốc bắt xe từ Hà Nội về Thanh Hóa. Từ hôm ra Hà Nội nhập học, cô tân sinh viên chưa có lúc nào rảnh rang về quê thăm mẹ và hai đứa em. Ngôi nhà của gia đình Huyền nằm ngay đầu thôn Trù Ninh, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Đây là nơi bốn mẹ con nữ sinh nương tựa nhau, kể từ khi người cha qua đời vì bệnh ung thư vào giữa năm ngoái.
Bên trong căn nhà không có đồ vật gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế uống nước cũ kỹ. Do thời gian sử dụng đã đủ lâu, chiếc bàn nhựa võng xuống méo mó nhưng bà Nguyễn Thị Phương (mẹ Huyền) cũng không có tiền mua bộ bàn ghế mới thay thế. Ngoài cô con gái lớn là Huyền vừa trúng tuyển đại học, bà Phương còn phải bươn chải nuôi cô con gái thứ hai đang học lớp 11 và con trai út học lớp 2.
Bà Phương bị bệnh lupus ban đỏ từ năm 2014, và phải duy trì chế độ thuốc thang theo y lệnh. Tuy nhiên, bệnh tình diễn biến ngày một xấu dẫn tới suy thận khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Giữa năm ngoái, bà Phương như suy sụp khi chồng bà đổ bệnh rồi qua đời. Chồng mất, con cái đang tuổi học hành, mọi gánh nặng dồn hết lên đôi vai của bà Phương. Mới ngoài 40 tuổi nhưng trông người phụ nữ trụ cột yếu ớt, nước da tái nhợt, dáng đi cũng liêu xiêu.
Nhìn gia cảnh nhà mình, thương mẹ nên Huyền đành tạm gác ước mơ vào đại học. Năm 2022, Huyền đạt 25 điểm 3 môn khối B nhưng quyết định không đăng ký nguyện vọng xét tuyển nào. Ngày các bạn háo hức tỏa đi nhập học, Huyền bùi ngùi xách ba lô ra Hà Nội xin làm cho một quán cháo lòng. Thù lao mỗi tháng cô được nhận là 4 triệu đồng, nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ lo thuốc thang cho mẹ và chi phí học hành cho hai em.
“Hết giờ làm việc ở quán cháo lòng, em làm thêm chân phục vụ cho quán cà phê cách đó chừng 2km, công việc tất bật từ 12 giờ 30 đến 22 giờ hàng ngày. Suốt thời gian đi bưng bê, lúc nào em cũng khát khao được học tiếp để có tương lai tươi sáng hơn sau này”, nữ sinh bùi ngùi.
Hơn 3 tháng quần quật với công việc từ sáng sớm đến tận khuya, Huyền quyết định nghỉ việc, trở về quê xin làm cho xưởng sản xuất hộp đựng bánh sinh nhật. Thù lao Huyền được nhận mỗi ngày là 150 nghìn đồng. “Tuy tiền công không cao nhưng em được ở gần để đỡ đần việc nhà và có thể chăm sóc mẹ. Buổi tối, em tranh thủ dành thời gian ôn lại bài vở”, nữ sinh chia sẻ.
Gần sát ngày thi, Huyền xin nghỉ việc để dốc sức “chạy nước rút” ôn luyện. Bởi, cô đã bỏ lỡ giấc mơ một lần nên không muốn điều ấy lại tiếp tục diễn ra. Như kỳ vọng, nữ sinh xứ Thanh đã vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực của Học viện Ngân hàng với số điểm 95/150 điểm, trúng tuyển vào ngành Ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Phương (mẹ Huyền) nghẹn ngào khi kể về gia cảnh. |
Giải bài toán chi phí học hành
Đặt chân vào giảng đường đại học, khó khăn cũng vội ập đến với cô gái nghèo. Số tiền 10 triệu đồng tích cóp sau khoảng thời gian đi làm chưa đủ đóng học phí. Thương con, bà Phương lại vay mượn thêm 10 triệu đồng cho con kịp nhập học và trang trải chi phí ở ký túc xá. Hàng tháng bà Phương vẫn phải ra Hà Nội điều trị bệnh tình, dù có bảo hiểm hỗ trợ, song nếu mua thêm thuốc, mỗi tháng cũng tốn kém vài triệu đồng. Trong khi đó, hiện gia đình bà vẫn còn món nợ hàng trăm triệu đồng từ hồi vay mượn để chữa bệnh cho chồng.
Ngoài vài sào ruộng lấy lúa ăn, bà Phương còn làm cho xưởng sản xuất hộp đựng bánh sinh nhật, cách nhà khoảng 4km. Năng suất không cao nên tiền công nhận mỗi tháng cũng chỉ trên dưới 3 triệu đồng. Nhiều hôm sức khỏe yếu, bà suýt ngã gục ở nơi làm việc. Dù chủ xưởng động viên nghỉ ngơi khi nào khỏe lại thì tiếp tục làm việc song người phụ nữ nặng gánh lo toan chẳng dám nghỉ lâu, bởi chi phí sinh hoạt và tiền học hành của các con vẫn đang đợi bà.
“Niềm an ủi lớn nhất với tôi là các con đều ngoan, học hành chăm chỉ. Đứa con út tuy mới học lớp 2 nhưng đã biết phụ mẹ việc nhà. Nhiều hôm đi học về còn biết giúp mẹ cắm cơm, quét nhà”, bà Phương xúc động nói.
Huyền dự tính, sau khi việc học ổn định sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải chi phí học hành. “Em tính sẽ đi làm gia sư để giảm bớt gánh nặng cho mẹ”, cô bộc bạch. Tuy nhiên, nghĩ tới chặng đường 4 năm đại học phía trước, Huyền không khỏi lo lắng và nhiều trở trăn, bởi học phí và nhiều chi phí khác sẽ phát sinh, khoản chi mỗi năm sẽ tăng thêm, trong khi đó sức khỏe của mẹ ngày càng sa sút, làm sao mẹ gồng gánh nổi?
“Điều em ao ước nhất đó là hoàn thành được chương trình đại học, tìm được công việc ổn định để chăm lo cho mẹ, giúp các em được tiếp tục học cao lên và có điều kiện nuôi dưỡng ước mơ”, Huyền trải lòng. Vừa dứt lời, cô tức tốc cùng mẹ sửa soạn cơm trưa. Bữa ăn của gia đình cô gái nghèo xứ Thanh chỉ lèo tèo vài cọng măng xào, lỏng chỏng chút lạc rang và một ít trứng kho không hành, mỡ.
Ông Đinh Trọng Hảo - Trưởng thôn Trù Ninh (xã Hoằng Đạt) cho biết: Gia đình bà Nguyễn Thị Phương thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn ở địa phương. Chồng mất vì bệnh ung thư, bà Phương cũng mắc bệnh nan y, thường xuyên phải thuốc thang theo định kỳ, các con đều trong độ tuổi học hành. “Thương hoàn cảnh khó khăn, anh em họ hàng cũng chung tay hỗ trợ giúp các con của bà Phương được tiếp tục học hành. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình”, ông Hảo thông tin.
“Điều tôi lo nhất là việc học hành của các con dang dở. Thỉnh thoảng theo định kỳ tôi vẫn gắng gượng ra Hà Nội lấy thuốc thang về uống, nhưng lỡ mà bệnh tình không thuyên giảm, phải nằm viện điều trị thì lại thành gánh nặng cho các con”, bà Phương cho biết.