Nỗ lực thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục miền núi Quảng Trị

GD&TĐ - Trong những năm qua, nhờ có chính sách phù hợp và sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, cùng sự nỗ lực kiên cường bám trường, bám lớp của các thầy cô giáo, giáo dục miền núi (GDMN) Quảng Trị đã từng bước chuyển mình.

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị trong chuyến thăm, làm việc với trường học ở vùng núi Quảng Trị.
Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị trong chuyến thăm, làm việc với trường học ở vùng núi Quảng Trị.

Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể của GD&ĐT cả nước nói chung và của Quảng Trị nói riêng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chất lượng giáo dục của các huyện miền núi Quảng Trị (gồm huyện Hướng Hóa và Đakrông) vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Đó là, cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đáp ứng đủ việc dạy học 2 buổi/ngày; nhiều đơn vị phải sử dụng phòng học mượn, phòng học tạm; các công trình nước sạch, nhà vệ sinh, nhà công vụ cho GV chưa đảm bảo; đội ngũ GV còn thiếu và chưa đồng bộ…

Những thách thức này đã tạo thành áp lực chất lượng cho GDMN, khiến tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT được tuyển vào các trường ĐH, CĐ còn thấp (trong năm 2020 - 2021, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT tại địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông chỉ đạt hơn 82%, trong khi mức trung bình của tỉnh là 94,36%)…

Để thúc đẩy GDMN phát triển, rút ngắn khoảng cách so với các huyện, thị, thành trong tỉnh cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành với những giải pháp quyết liệt, căn cơ, có tính khả thi cao.

Trong đó ngành GD&ĐT là lực lượng chủ lực, cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách ưu tiên cho GDMN, đồng thời xác định rõ trách nhiệm để không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng, hướng tới sự tiếp cận công bằng trong giáo dục, với những giải pháp trọng tâm như:

Cần giải quyết tốt bài toán sắp xếp lại mạng lưới trường lớp; tăng cường huy động và ưu tiên phân bổ nguồn lực cho GDMN; xây dựng đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng miền núi đủ về số lượng, vững về chất lượng; tăng cường lồng ghép các nội dung, hoạt động giáo dục để nâng cao năng lực, kỹ năng sống và giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc cho HS tại các trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và bình đẳng…

Để phát triển GDMN Quảng Trị, ngoài sự nỗ lực cố gắng của ngành GD&ĐT, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Chỉ khi khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh được rút ngắn thì giáo dục Quảng Trị mới thực sự cất cánh đi lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ