Dù bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho nhiều tỉnh vùng cao nhưng ngay sau bão lũ, ngành Giáo dục các địa phương đã nỗ lực tái thiết trường lớp.
Ông Nguyễn Đức Thịnh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên: Kịp thời bổ sung trang thiết bị dạy học
Thời gian qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ đã khiến 93 trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thiệt hại về cơ sở vật chất, trong đó, có 25 trường mầm non; 24 trường tiểu học; 31 trường THCS; 7 trường THPT; 6 trường ngoài công lập. Nhiều thiết bị, đồ dùng dạy, học bị hư hỏng, gồm: 80 bộ máy tính, 1 máy chiếu, 26 chiếc màn hình tivi, 2.295 quyển sách giáo khoa và 2.546 thiết bị dạy học khác, ước tổng thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng.
Ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng liên quan chủ động kiểm tra tình hình thiệt hại, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ để khắc phục hậu quả. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống tài sản, cơ sở vật chất khác.
Đối với việc khắc phục khó khăn do hư hỏng trang thiết bị dạy học, Sở chỉ đạo các phòng và các cơ sở giáo dục rà soát, thống kê thiệt hại để kịp thời mua sắm, bổ sung thiết bị cơ bản. Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn hỗ trợ, các trường đã được trang bị thêm tivi, đồ dùng cho lớp học.
Theo số liệu thống kê, đến 20/9 các đơn vị, địa phương đã thực hiện khắc phục thiệt hại cơ bản với tổng kinh phí trên 9,7 tỷ đồng để mua sắm, bổ sung thiết bị như: Máy tính, màn hình tivi, đồ dùng, đồ chơi trong nhà và ngoài trời, bàn ghế học sinh, giáo viên và bàn làm việc... Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cũng nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân với số tiền gần 1,8 tỷ đồng.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT Thái Nguyên sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu về trang thiết bị của các cơ sở giáo dục và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí cấp phát trang thiết bị giáo dục phục vụ Chương trình GDPT 2018 đặc biệt ở các lớp cuối cấp như lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Ông Đường Mạnh Hà - Trưởng phòng GD&ĐT Tràng Định (Lạng Sơn): Nỗ lực duy trì điều kiện học tập
Tràng Định là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Đối với một số trường học ở khu vực bị ngập lụt, dù các trường đã theo dõi thường xuyên diễn biến, chủ động xây dựng phương án ứng phó với bão, lũ, thiên tai, di dời máy móc, thiết bị dạy học, sách vở, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại… nhưng mưa lũ lớn vẫn gây ra những thiệt hại không nhỏ.
Năm học 2024 - 2025 toàn huyện có 20 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 9 Trường THCS, 15 Trường TH, THCS và một TTGDNN - GDTX, với tổng số 12.527 học sinh. Đợt mưa lũ vừa qua, huyện Tràng Định có 7 trường học bị ảnh hưởng và thiệt hại. Cụ thể: Trường Mầm non Trung Thành bị cây đổ lên mái nhà bếp, Trường Mầm non Phi Mỹ và điểm trường Bản Kéo Trường Mầm non Đào Viên bị sạt lở đất gần lớp học; điểm trường Khuổi Làm, Trường PTDTBT Tiểu học, THCS Cao Minh và Trường THCS Chi Lăng bị ảnh hưởng do sạt lở; Trường Mầm non Hoa Hồng, Trường Mầm non xã Hùng Sơn và Trường THCS thị trấn Thất Khê, điểm trường Pác Mười thuộc Trường Tiểu học Đào Viên bị ngập lụt.
Sau cơn bão số 3, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện Tràng Định đã rà soát thống kê thiệt hại, trong đó có 106 học sinh bị mất sách giáo khoa do nước lũ làm hỏng (Tiểu học 51 bộ; THCS 55 bộ). Phòng GD&ĐT đã gửi văn bản tới Sở GD&ĐT tổng hợp, đề nghị nhà xuất bản hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh bị thiệt hại; mặt khác chỉ đạo các đơn vị trường học tạm thời cho học sinh mượn sách của Thư viện nhà trường.
Đến nay, công tác dạy học của trường học các cấp đã trở lại ổn định. Toàn bộ thiệt hại về đồ dùng trang thiết bị dạy học đã được khắc phục đảm bảo. Những học sinh bị mất, hư hỏng sách vở, đồ dùng học tập được trang bị đầy đủ.
Phòng GD&ĐT cũng quán triệt các nhà trường tiếp tục tập trung cao độ, nâng cao cảnh giác, không lơ là chủ quan để tránh bị động và giảm thiểu thiệt hại trong những tình huống thiên tai nguy cơ về sau. Đồng thời, tại các cơ sở giáo dục, thầy cô thường xuyên nắm bắt tình hình điều kiện học tập để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, giải quyết sớm các vấn đề cần thiết, nhằm duy trì điều kiện học tập và đảm bảo cho học sinh tốt nhất.
Bà Hứa Hoàng Anh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn): Nhiều đơn vị đồng hành tiếp sức
Huyện Chợ Đồn chịu ảnh hưởng lớn từ cơn bão số 3, toàn huyện có 44 trường học, trong đó 6 trường THCS, 11 trường tiểu học, 9 trường Tiểu học & THCS, 18 trường mầm non bị thiệt hại về cơ sở vật chất, ước tính trên 118 triệu đồng. Một số trường bị đất ta luy đè lên tường, tràn vào các phòng chức năng làm hỏng cửa kính, vùi lấp tủ đựng tài liệu, bàn làm việc; 4 trường mầm non bị hư hỏng thiết bị, đồ dùng dạy học như máng trượt, bóng nhựa, thảm cỏ nhân tạo, khung sắt chợ quê, tủ lạnh nhà bếp; gió lốc cuốn 1 mái nhà bóng; hỏng ô của đồ chơi ngoài trời.
Sau khi xảy ra sạt lở, ngập úng, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các các đơn vị trường học khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo điều kiện an toàn trường học, vệ sinh môi trường trước khi đón học sinh trở lại. Đối với thiết bị hư hỏng, phòng chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhanh chóng thống kê, rà soát để có phương án hỗ trợ và khắc phục kịp thời.
Các nhà trường đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều đơn vị trên khắp cả nước để khắc phục các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Có thể kể tới như: Đài Tiếng nói TP Hồ Chí Minh; Trường THCS Duy Tân (Vũng Tàu); Trường THCS&THPT Liên Việt (Kon Tum); nhóm thiện nguyện xã Kiến Bái -Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), các trường học trên địa bàn huyện Chợ Đồn ủng hộ tiền mặt để sửa chữa, khắc phục hoặc mua sắm trang thiết bị dạy học.
Quỹ Tâm tài Việt ủng hộ 2 máy tính, 11 tủ đựng 6 ngăn; Hội Văn học TP Hồ Chí Minh ủng hộ 2.500 quyển vở. Đoàn từ thiện tỉnh Lâm Đồng, đoàn phòng GD&ĐT thành phố Bắc Kạn, đoàn chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn, Trường Song ngữ Bright Time School Hà Nội, Công an tỉnh Bắc Kạn, đoàn Chợ Mới hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, bảng con, bút chì...
Sự đồng hành, tiếp sức đầy ý nghĩa này đã giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh sớm ổn định việc dạy và học; tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Thầy Hà Thanh Hoài - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hưng Đạo, Nguyên Bình, Cao Bằng: Xây mới 2 phòng học
Trường PTDTBT Tiểu học Hưng Đạo có 129 học sinh, học tập tại điểm chính và điểm trường lẻ Nà Lẹng. Vừa qua, cơn bão số 3 cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại không nhỏ đến cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học của trường.
Qua thống kê sơ bộ, 2 phòng học của điểm trường Nà Lẹng bị sập hoàn toàn cùng trang thiết bị dạy học như: Bàn ghế, tủ đựng tài liệu, quạt trần, hệ thống máy chiếu cùng 60 bộ đồ dùng, thiết bị dạy học bị hư hỏng hoàn toàn với tổng thiệt hại trên 800 triệu đồng.
Nếu không có tivi hoặc máy chiếu dạy học theo Chương trình GDPT mới sẽ khó khăn, kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc huy động xã hội hóa không hề dễ dàng do đặc thù trường nằm trên địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào người dân tộc thiểu số có cuộc sống bấp bênh và cũng bị ảnh hưởng bão lũ, nhiều gia đình mất nhà cửa, thiệt hại lớn về tài sản.
Để sớm ổn định lại việc dạy và học, ngoài việc thống kê thiệt hại để đề xuất với các cấp thẩm quyền, nhà trường còn nhận được sự chung tay ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên toàn quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, trường nhận được sự hỗ trợ trên 600 triệu đồng để xây dựng mới 2 phòng học. Dự kiến cuối năm nay sẽ đưa hai phòng học vào sử dụng. Nhiều nhà hảo tâm còn ủng hộ tiền, hiện vật, đồ dùng học tập cho học sinh.