Nỗ lực 'tái thiết' tinh thần thầy và trò sau bão lũ

GD&TĐ - Cơn bão Yagi đã đi qua, song để lại tổn thất nặng nề cho các trường học của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Học sinh Làng Nủ được đưa đến học tại điểm chính Trường Tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh.
Học sinh Làng Nủ được đưa đến học tại điểm chính Trường Tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh.

Cơn bão đã khiến cho một số giáo viên, học sinh bị tử vong và mất tích; nhiều công trình trường học bị sập, đổ, tốc mái, thiết bị dạy học, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng... Để bảo đảm việc học tập cho học sinh, thời gian qua nhiều trường học ở miền Bắc nhanh chóng khắc phục hậu quả, đón học sinh trở lại trường.

Vượt qua nỗi đau, mất mát

Đã gần 1 tháng trôi qua, song trận lũ quét kinh hoàng sáng 10/9 đã trở thành nỗi ám ảnh trong lòng mỗi người dân. Cơn lũ kinh hoàng đã khiến cho 13 em học sinh Làng Nủ, Trường Tiểu học - THCS số 1 xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai ra đi mãi mãi.

Cô Hoàng Thị Mai Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh chia sẻ, trường vốn có điểm lẻ dành cho học sinh lớp 1 và 2 đóng tại thôn Làng Nủ nhưng nay được trưng dụng để phục vụ cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, tập kết vật dụng, hàng hóa cứu trợ.

Toàn bộ học sinh của Làng Nủ đã được đưa về điểm trường chính học tập và ăn ngủ một thời gian để các em có điều kiện sống và chăm sóc tốt hơn. Khi nào thực sự bảo đảm an toàn sẽ đưa các em trở lại.

Theo cô giáo Hoàng Thị Mai Hoa, việc “tái thiết” về tinh thần cho thầy trò, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh mồ côi cũng đặc biệt quan trọng. Làm thế nào để các em gượng dậy, ổn định tâm lý để học tập tiếp là vấn đề cần khắc phục lâu dài, từng ngày.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Dương Bích Nguyệt, đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây hậu quả nặng nề đối với ngành Giáo dục Lào Cai. Những ngày này, toàn ngành đang chung tay, góp sức, đồng lòng khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định hoạt động dạy - học, thực hiện nhiệm vụ năm học.

Thống kê tới ngày 30/9, tổng số trường học bị ảnh hưởng hư hỏng và thiệt hại sau bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão gây ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 99 trường và điểm trường với tổng kinh phí để khắc phục là hơn 391 tỷ đồng. Trong đó có 27 công trình dự kiến thực hiện theo lệnh khẩn cấp với tổng kinh phí hơn 86 nghìn tỷ đồng; công trình bị hư hỏng nặng cần sớm được đầu tư là 27, với tổng kinh phí hơn 189 tỷ đồng.

Theo báo cáo và tổng hợp sơ bộ các đơn vị, toàn tỉnh Lào Cai có 5.214 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh bị ảnh hưởng thiệt hại. Cụ thể, số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng: 848 người (trong đó, 26 người có nhà bị sập hoàn toàn; 822 người có nhà bị ngập nước, sạt lở… gây thiệt hại lớn về tài sản).

no-luc-tai-thiet-tinh-than-thay-va-tro-2-1718.jpg
Dãy nhà cấp 4 với 16 phòng ở bán trú của trường THCS-THPT Bát Xát số 3 bị sập. (Ảnh: TL)

Số học sinh bị ảnh hưởng: 4.366 học sinh (trong đó chết và mất tích 26 học sinh; bị thương 8 học sinh; mồ côi 12 học sinh; có nhà bị sập hoàn toàn 852 học sinh; nhà cửa, tài sản, hoa màu…, bị ngập nước, sạt lở, gây thiệt về tài sản 2.978 học sinh).

Sở GD&ĐT Lào Cai cũng cho biết, một số trường vẫn đang tiếp tục tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn trường lớp học, vừa tổ chức để đón học sinh quay trở lại trường. Đó cũng là nguyên nhân việc thống kê trang thiết bị dạy và học, trang thiết bị phục vụ cho học sinh nội trú, bán trú… bị thiệt hại mới được thống kê sơ bộ.

Sở GD&ĐT Lào Cai và các cơ sở giáo dục đã chủ động huy động, kêu gọi tài trợ để kịp thời phục vụ cho các hoạt động giáo dục và nhà trường. Về cơ bản đã đảm bảo các điều kiện tối thiểu để tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch và thời gian năm học 2024 - 2025.

Còn tại tỉnh Yên Bái, ghi nhận tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái) cho thấy, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, có 16 lớp học, 4 phòng làm việc; hàng trăm bộ bàn ghế cùng với hàng loạt máy tính, hồ sơ… bị ngập trong nước.

Song với quyết tâm và nỗ lực vượt bậc của chính quyền địa phương, của ngành GD-ĐT và tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường, từ ngày 16/9 vừa qua, nhà trường đã đón trẻ trở lại. Mọi hoạt động dạy học, chăm sóc trẻ trở lại bình thường, với sự yên tâm, tin tưởng của các bậc phụ huynh.

Theo ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, bão số 3 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Ngành GD-ĐT tỉnh Yên Bái cũng chịu nhiều tổn thất lớn, có 2 giáo viên bị tử vong do sạt lở đất, 10 học sinh tử vong và bị thương.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình nhà giáo, người lao động và học sinh bị thiệt hại lớn về tài sản, nhiều cơ sở giáo dục bị ngập sâu trong nước. Nhiều phòng học bị phá hỏng, nhiều công trình bị sập, đổ… Ước tính thiệt hại ban đầu là khoảng 120 tỷ đồng.

Hiện nay, ngành GD-ĐT tỉnh Yên Bái chỉ đạo các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình thực tế để chủ động phương án tổ chức học tập cho học sinh; xây dựng phương án dạy bù cho học sinh, nhằm đảm bảo khung kế hoạch thời gian của năm học này.

no-luc-tai-thiet-tinh-than-thay-va-tro-1-3250.jpg
Trang thiết bị dạy, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng.(Ảnh: TL)

Bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh

Theo số liệu báo cáo của 18/26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Bộ GD&ĐT tổng hợp, tính đến thời điểm ngày 16/9/2024, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỷ đồng; hư hỏng 41.564 bộ sách giáo khoa.

Tại tỉnh Bắc Kạn, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ, toàn tỉnh có 40 cơ sở giáo dục bị sạt lở taluy đất gần trường, nhà bán trú bị sụt lún, ngập úng tại các lớp học, sập trần nhựa, hỏng mái tôn, đổ cây, đứt đường dây điện, tốc mái...

Để tái thiết trường học sau bão, ngành GD-ĐT Bắc Kạn đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp ứng phó và khắc phục nhằm ổn định lại hoạt động dạy và học tại các địa phương bị ảnh hưởng do bão, chỉ cho học sinh đến trường khi bảo đảm an toàn.

Mới đây (ngày 30/9), lễ phát động chương trình Nâng bước em tới trường tại Trường THCS Cầu Giấy (TP Hà Nội), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi bày tỏ, cơn bão Yagi đã đi qua, nhưng những mất mát đau thương của nó thì còn mãi.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhắn nhủ, các em đang là những học sinh hạnh phúc vì được học trong ngôi trường khang trang, được gặp gỡ thầy cô, bạn bè. Trong khi, nhiều bạn ở các tỉnh phía Bắc đang chật vật đến trường.

“Cô muốn nói điều đó để các em càng trân trọng hơn cuộc sống mà các em đang được hưởng. Các em phải biết ơn thầy cô, gia đình, bố mẹ và các cơ quan đoàn thể đã cho các em một cuộc sống như ngày hôm nay...”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhắn gửi và mong muốn học sinh có ý thức chia sẻ, san sẻ và thương các bạn vùng sâu, vùng xa đang còn thiếu ăn, rất khó khăn, vất vả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ