Nỗ lực mang lại bình đẳng trong GD cho HS dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Học sinh người DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do đó, ngành giáo dục vùng khó đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để các em được tiếp cận với giáo dục và bình đẳng trong giáo dục.

Ngành giáo dục vùng khó đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để học sinh DTTS tiếp cận với giáo dục và bình đẳng trong giáo dục.
Ngành giáo dục vùng khó đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để học sinh DTTS tiếp cận với giáo dục và bình đẳng trong giáo dục.

Rút ngắn khoảng cách vùng thuận lợi và khó khăn

Bà Lê Thị Thanh Xuân – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho hay, để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành giáo dục đã tạo điều kiện để các cán bộ, giáo viên được học tập, nâng cao trình độ. Qua đó, tính đến tháng 5/2020, 100% CBQL, GV đều đạt chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, tỷ lệ trên chuẩn của CBQL, GV, NV toàn ngành: 67,57%. Trong đó: MN có trình độ chuẩn trở lên là 61,3%, trên chuẩn 44,6; Tiểu học trên chuẩn 84,18, kế hoạch 2020 đạt 100%; THCS trên chuẩn: 79,11, kế hoạch 2020: 16,6% ; THPT trên chuẩn 15,8%, kế hoạch 2020: 16,6%.

Bên cạnh việc nâng chuẩn giáo viên đáp ứng yêu cầu Luật giáo dục 2019, ngành giáo dục đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để các em học sinh vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS có cơ hội phát triển.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 35% học sinh là người đồng bào DTTS. Trong những năm qua, ngành giáo dục và các cấp chính quyền đã đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em được tiếp cận với giáo dục và bình đẳng trong giáo dục. Qua đó, Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch, tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị bàn giải pháp nhằm nâng cao chất lượng vùng DTTS. Từ đó rút ngắn khoảng cách vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Trong những năm qua, ngành giáo dục đã phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng các em người DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, tuyên truyền, vận động, phân công giáo viên chủ nhiệm… nắm chắc hoàn cảnh của học sinh để có hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quyền được học tập của các em. Ngoài ra, vận động các tổ chức, cá nhân để tiếp thêm sức mạnh cho học sinh khó khăn đến trường.

Tăng cường Tiếng Việt cho học sinh DTTS

Các em học sinh DTTS vùng sâu vùng xa Kon Tum còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Các em học sinh DTTS vùng sâu vùng xa Kon Tum còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Bà Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện Đề án 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2025. Trong năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, đặc biệt là đối với trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số.

Theo bà Lan, Sở luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số. Theo đó các huyện, thành phố đã linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

Hiện tại, tỉnh Kon Tum có 108/136 trường mầm non có đông trẻ em là người dân tộc thiểu số với gần 1.200 nhóm, lớp có trẻ em dân tộc thiểu số. Trong đó, trên 22.600 trẻ em dân tộc thiểu số trường mầm non được tăng cường tiếng Việt. Tỷ lệ huy động trẻ dân tộc thiểu số ra lớp đối với lứa tuổi nhà trẻ là 6,61%, tăng 1,51%; mẫu giáo là 89,3%, tăng 0,6%; tất cả trẻ dân tộc thiểu số được học 2 buổi/ngày, tăng 1.279 trẻ so với năm 2016.

Công tác đào tạo đội ngũ giáo viên cũng được ngành giáo dục tỉnh quan tâm. Đến nay, tỉnh có 1.443 giáo viên dạy trẻ dân tộc thiểu số, trong đó có 579 giáo viên là người DTTS, 792 giáo viên biết tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đồng thời, 100% giáo viên dạy trẻ dân tộc thiểu số đều được tập huấn, bồi dưỡng về tăng cường tiếng Việt.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác dạy tiếng Việt cho trẻ em người DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Một số huyện địa bàn bị chia cắt, dân cư không tập trung ảnh hưởng đến việc huy động trẻ đến lớp. Số lượng giáo viên mầm non còn thiếu, chưa đảm bảo giáo viên đứng lớp theo quy định. Ngoài ra, một số trường mầm non có số lượng đồ dùng, đồ chơi còn hạn chế….

Qua đó, vị Phó giám đốc Sở mong muốn Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ tiếp tục thực hiện các chế độ hỗ trợ cho giáo viên và trẻ em mẫu giáo. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...