Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

GD&TĐ - Hơn 40 năm sau khi kết thúc chiến tranh, bom mìn vẫn là nỗi ám ảnh với cuộc sống của người dân ở các vùng bị ảnh hưởng. Nhằm đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức tập huấn cơ bản về hành động bom mìn cho 230 cán bộ thuộc các lực lượng quân sự của Bộ Quốc phòng.

Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Khóa tập huấn nhằm mục đích cung cấp kiến thức chung về hành động bom mìn và tập trung đặc biệt vào các yếu tố chính của công tác này, đó là quản lý thông tin; Quản lý chất lượng; Khảo sát và Rà phá cho các đội tham gia dự án.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó Tổng Giám đốc VNMAC, cho biết: Để từng bước hòa nhập với thời đại 4.0, những công tác này sẽ được thực hiện trên phần mềm đã được dựng sẵn, giúp cho công tác tổng hợp được thuận lợi, chính xác, kịp thời, giúp cho Ban Quản lý dự án nắm được tiến độ từng tuần…

Còn theo ông Nil Christensen, Cố vấn trưởng Hành động bom mìn (UNDP), với dự án này, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ để các cơ quan có đủ kỹ năng và năng lực lập kế hoạch ngành và xác định các hoạt động hành động bom mìn ưu tiên. Khóa tập huấn giúp cán bộ chiến sĩ học hỏi các cách tiếp cận mới, các bài học thành công của quốc tế và áp dụng vào công tác hành động bom mìn ở Việt Nam.

Ngoài việc tập huấn cho cán bộ rà phá bom mìn, dự án này còn giúp người dân vùng ảnh hưởng ổn định cuộc sống. Theo đó, từ năm 2018 - 2020, tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định, nơi diện tích đất đai còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ chiếm từ 30 - 40% diện tích toàn tỉnh sẽ được loại trừ bom mìn, vật liệu nổ và hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao kiến thức phòng tránh bom, mìn.

Tổng ngân sách dự án là 29.675.000 đô la Mỹ, trong đó 20 triệu đô la từ Chính phủ Hàn Quốc và 9.675.000 đô la từ Chính phủ Việt Nam. Ước tính sẽ có khoảng 1.700 người chia làm 21 tổ khảo sát và 52 tổ rà phá trên tổng diện tích lên đến 20.000 héc ta tại hai tỉnh trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Sa cùng học trò trong giờ học. Ảnh: Phạm Tâm

'Phép màu' cho học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Mỗi ngày đến lớp, các giáo viên tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An lại miệt mài, thầm lặng tạo nên những “phép màu”.

Minh họa/INT

Giải pháp đột phá giải ngân vốn

GD&TĐ - Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 115/CĐ-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn.