Đồng thời, thúc đẩy truyền thông nâng cao nhận thức và hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn.
Cần thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ
Là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới, tại Việt Nam, ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Một số tỉnh miền Trung, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết, 12.260 người bị thương.
Riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng hơn 15,3 triệu tấn (trong đó có hơn 7,8 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất), tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (các tài liệu nước ngoài là 10%). Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm, có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học.
Thực hiện Quyết định số 504/Q Đ-TTg phê duyệt chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504). Giai đoạn 2010 - 2015, chương trình 504 đã tiến hành điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc; thiết lập Trung tâm Quản lý dữ liệu để tổng hợp quản lý dữ liệu về nạn nhân bom mìn, tình trạng ô nhiễm và hướng khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Dạy nghề và mô hình sinh kế
Về công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Tô Đức cho biết: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc triển khai cơ chế chính sách cho nạn nhân bom mìn, điển hình như: Luật Người khuyết tật; Nghị định số136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020… Vì vậy, các chính sách đối với nạn nhân bom mìn được lồng ghép trong các chính sách đối với người khuyết tật. Đến nay, 100% nạn nhân bom mìn đã được giải quyết chế độ chính sách, tặng thẻ BHYT, hỗ trợ phục hồi chức năng, học nghề…
Theo thống kê, cả nước hiện có 40 trung tâm công tác xã hội và 400 cơ sở bảo trợ xã hội phục hồi chức năng trong và ngoài công lập. Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai trợ giúp, tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm, xây dựng mô hình sinh kế cho nạn nhân bom mìn; chú trọng phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ, trong đó, có mạng lưới xã hội để cung cấp trị liệu, chuyển tuyến dịch vụ, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng; phối hợp với Bộ GD&ĐT thúc đẩy các mô hình giáo dục chuyên biệt cho nạn nhân bom mìn.
Chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong việc trợ giúp nạn nhân bom mình, ông Tô Đức cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với nạn nhân bom mìn, người khuyết tật nặng; phát triển các dịch vụ hỗ trợ và trung tâm công tác xã hội, trong đó có số điện thoại hotline để nạn nhân bom mìn được kết nối khi cần thiết và được hỗ trợ kịp thời.