Nỗ lực giữ nghề đan lát của đồng bào vùng cao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nghề đan lát thủ công vốn là nét đẹp truyền thống bao đời nay của đồng bào người Khùa, Mày ở các xã Dân Hóa, Trọng Hóa huyện vùng cao Minh Hóa .

Từ nguyên liệu vô cùng đơn giản, mộc mạc là những nan tre được chẻ nhỏ, qua bàn tay khéo léo của người thợ sẽ trở thành các sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống hàng ngày như Cu Tốc (mâm cơm), A Chói (gùi), Cà Nhăng (rổ, rá) …vô cùng tinh tế, bền đẹp và thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên nghề đan lát này ngày càng bị mai một, số lượng người giữ nghề ngày một ít đi, phần vì sản phẩm chưa được quảng bá rộng rãi nên làm ra tiêu thụ chậm, thu nhập từ nghề này còn thấp.

Ông Hồ Huôn xã Trọng Hóa mỗi năm làm ra từ 15 – 20 chiếc Cu Tốc (mâm cơm).
Ông Hồ Huôn xã Trọng Hóa mỗi năm làm ra từ 15 – 20 chiếc Cu Tốc (mâm cơm).

Ông Hồ Phin, chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: Nghề đan lát của bà con Trọng Hóa đang được những người cao niên duy trì tốt, tuy nhiên số lượng người hiện đang sống bằng nghề đan lát rất ít, vì chủ yếu sản phẩm làm ra chỉ dùng trong gia đình và bán cho những gia đình trong bản, trong xã. Hơn nữa đầu ra bấp bênh, các sản phẩm này khi bán ra lợi nhuận không nhiều, thế hệ trẻ nay không mặn mà học nghề đan lát, nên chúng tôi sợ nghề này sẽ mai một dần.

Tại xã Trọng Hóa, thống kê hiện có khoảng 30% gia đình đang giữ nghề đan lát, tuy nhiên những người siêng đan lát rơi vào độ tuổi từ 60 – 75, đây là lực lượng lớn tuổi, không đủ sức để trèo đèo lội suối lên nương rẫy để làm những việc nặng nhọc, nên họ ở nhà đan lát để kiếm thêm thu nhập và giữ nghề. Nhưng số lượng sản phẩm làm ra cũng ít dần.

Ông Hồ Tăn bản Ka Ing dạy cách đan lát cho bà con dân bản.
Ông Hồ Tăn bản Ka Ing dạy cách đan lát cho bà con dân bản.

Ông Hồ Tăn ở bản Ka Ing xã Trọng Hóa năm nay hơn 70 tuổi, ông cho biết nghề đan lát được cha truyền dạy lại khi ông còn nhỏ, nhưng đến tuổi thanh niên, lúc đó sức dài vai rộng ông dành thời gian để lên rừng lên rẫy kiếm ăn và đi làm thuê nên không đan lát. Giờ già rồi, mất sức lao động nên ông mới quay lại nghề này. Bình quân mỗi tháng ông Hồ tăn có thể làm ra từ 7 – 10 sản phẩm, thu nhập khoảng 1.500 – 2.000.000đ.

Ông Hồ Tăn chia sẻ: Đây là nghề cha ông để lại, nên cũng cố gắng duy trì nó, nguyên liệu thì nhờ con cháu đi rừng lấy về, khi thì làm theo đặt hàng của khách, lúc thì làm những sản phẩm nhỏ để bán ở chợ phiên Y Leng, thu nhập không cao, nhưng cũng có tiền để mua gạo, rồi đi cưới, mừng nhà, thực hiện tình làng nghĩa xóm. Trước đây có rất nhiều gia đình kiếm ra tiền nhờ nghề này, nhưng 3 năm trở lại đây trong bản Ka Ing này giờ chỉ còn mình ông đan lát.

Trong mỗi gia đình người Khùa, Mày đều không thể thiếu chiếc mâm, đồng bào gọi bằng tiếng địa phương là Cu Tốc. Để hoàn thiện một chiếc mâm thì ngoài khâu chuẩn bị vật liệu cũng phải mất khoảng 10 ngày đến 3 tuần mới đan xong. Tuổi thọ tùy thuộc vào chất lượng nguyên vật liệu và tay nghề của người đan, có những chiếc mâm sử dụng được trên 20 năm, thậm chí lâu hơn thế, giá một chiếc mâm hiện nay tùy kích thước có giá từ 700 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Ngoài mâm cơm, còn có nhiều sản phẩm giá dao động từ 70 – 150.000 đồng như: giỏ, gùi, rổ, rá….

Ông Hồ Tăn giữ nghề đan lát truyền thống.
Ông Hồ Tăn giữ nghề đan lát truyền thống.

Thời gian qua, các xã Dân Hóa, Trọng Hóa luôn xác định việc khôi phục và bảo tồn văn hóa đồng bào gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Các địa phương này đã tập trung tuyên truyền, khuyến khích bà con duy trì nghề đan lát, tích cực vận động bà con sử dụng các sản phẩm mây tre đan để phục vụ đời sống hàng ngày, và giới thiệu quảng bá sản phẩm bằng nhiều kênh khác nhau.

Mặc dù đã nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống, nhưng vẫn luôn gặp nhiều khó khăn bởi những người có kinh nghiệm đã cao tuổi, giới trẻ không mặn mà học lại nghề, sản phẩm làm ra bán chưa được giá. Ông Hồ Phin, chủ tịch UBND xã Trọng Hóa trăn trở, mong muốn các cấp các ngành đầu tư đào tạo nghề, quảng bá các sản phẩm mây tre đan và thu mua sản phẩm cho bà con, để bà con sống được với nghề. Bởi thực tế cho thấy giữ nghề sẽ dễ bảo tồn và phát huy hơn là đi phục hồi các làng nghề truyền thống đã bị mai một.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.