Nỗ lực đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế

GD&TĐ - Để có được những chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định trong và ngoài nước là nỗ lực không nhỏ của các cơ sở giáo dục đại học.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM học thực hành trong phòng thí nghiệm thông minh 4.0.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM học thực hành trong phòng thí nghiệm thông minh 4.0.

Xu thế hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng, việc đạt các chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế đang được các trường đại học tại Việt Nam hướng đến.

Tín hiệu khởi sắc từ ABET

Việc xây dựng chỉ tiêu đánh giá (Performance Indicators - PIs) cho chuẩn đầu ra chương trình một cách chi tiết và có tính định lượng thông qua các môn học cụ thể. Đây là sự thay đổi lớn trong xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn ABET so với các tiêu chuẩn khác... - PGS.TS Nguyễn Đức Nam

Theo dữ liệu cập nhật đến ngày 28/2 của Bộ GD&ĐT, cả nước có 7 cơ sở giáo dục đại học và 232 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. 7 cơ sở đào tạo gồm: ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM).

So với các chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế đang thịnh hành tại Việt Nam thì ABET (Mỹ) được đánh giá là bộ tiểu chuẩn kiểm định danh giá và rất khó đạt ở khối ngành công nghệ, kỹ thuật. Ngày 7/9 vừa qua, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cho hay đã được Tổ chức kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ ABET (Mỹ) thông báo kết quả kiểm định 6 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo IUH, 6 chương trình đào tạo đạt chuẩn gồm: Hệ thống thông tin, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học. Các chương trình của IUH đạt mức 6 năm, là mức cao nhất (mức 1: Hai năm sau đó mời đoàn đánh giá lại, mức 2: Hai năm gửi báo cáo tự đánh giá sang thẩm định lại để công nhận và mức 3: Sáu năm).

Với kết quả này, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trở thành trường đại học thứ năm của Việt Nam đạt kiểm định ABET (ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM), ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ĐH Dầu khí Việt Nam), đồng thời là cơ sở giáo dục đại học có số chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế ABET nhiều nhất nước.

“ABET đánh giá cả một chu kỳ của chương trình đào tạo là 4 năm và đánh giá rất kỹ từng tiêu chí, tiêu chuẩn. Tất cả các tiêu chí, tiêu chuẩn phải đạt thì mới được cấp chứng nhận. Để kiểm định ABET, trường phải đăng ký đánh giá từ lúc sinh viên vào học năm 1 tới lúc sinh viên tốt nghiệp ra trường. Do đó, trường có quá trình tham gia đánh giá theo chuẩn ABET từ năm 2016 đến nay. Để đạt chuẩn này đòi hỏi các trường thay đổi rất nhiều, từ chương trình đào tạo, cách thức đánh giá sinh viên, thay đổi tư duy đào tạo của giảng viên đến cơ sở vật chất... 6 chương trình này của nhà trường đã được tổ chức ABET đánh giá rất cao”, TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.

Hiện, một số cơ sở giáo dục đại học cũng đang trong quá trình chuyển động, hoàn tất các công đoạn kiểm định của ABET. PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) - cho biết: “Đạt được chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn của ABET là một trong những mục tiêu trong hoạt động đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo của LHU.

Ngay từ năm 2018, trường đã xác định mục tiêu đưa Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử (Khoa Cơ điện – Điện tử) và Công nghệ thông tin (Khoa CNTT) đạt chuẩn kiểm định ABET. Theo lộ trình năm 2023, trường sẽ hoàn tất khâu đánh giá 2 chương trình đào tạo đạt kiểm định ABET”.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM đón nhận QS 4 sao ngày 14/5.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM đón nhận QS 4 sao ngày 14/5.

Gắn sao cho nhà trường

Bên cạnh việc theo đuổi các chuẩn kiểm định quốc tế, một số cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam được Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh Quốc trao chứng nhận xếp loại QS Stars từ 3 sao đến 4 sao. Để được gắn sao, bản thân các cơ sở giáo dục đã có sự đầu tư mạnh mẽ các nguồn lực, đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của QS và mấu chốt cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập với thế giới.

Ngày 14/5, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) long trọng tổ chức Lễ công bố đạt Chứng nhận quốc tế QS Stars 4 sao (QS Stars Certificate Award Ceremony) theo tiêu chuẩn Anh Quốc (QS - Quacquarelli Symonds). Theo TS Lý Thiên Trang - Phó Hiệu trưởng UEF, xu thế chung của thế giới, hoạt động đảm bảo chất lượng gồm đảm bảo chất lượng bên trong (IQA – Internal Quality Assurance) và hoạt động bảo đảm chất lượng bên ngoài (EQA – External Quality Assurance).

Các hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài (EQA) có thể thực hiện qua: Đối sánh, Đánh giá, Audit (đánh giá ngoài toàn diện), Kiểm định…

UNESCO cũng đã định nghĩa và phân biệt rõ các khái niệm trên liên quan hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài, ví dụ Đánh giá (Assessment, như AUN-QA Assessment), Kiểm định (Accreditation, như kiểm định theo các chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế như ACBSP, ABET, FIBAA…), Audit (đánh giá ngoài toàn diện một cơ sở giáo dục, ví dụ như đánh giá theo chuẩn sao của QS - QS Stars)...

“Để có thể khẳng định tính quốc tế toàn diện, UEF đã mời Tổ chức QS (Quacquarelli Symonds, Anh Quốc) đánh giá toàn diện Nhà trường thông qua phương pháp Audit tổng thể hoạt động nhà trường: Chất lượng giảng dạy, Việc làm sinh viên, Cơ sở vật chất, Trách nhiệm xã hội, Phát triển học thuật, Phát triển toàn diện… Nhà trường tự hào với những nỗ lực không ngừng đã xứng đáng đạt chuẩn quốc tế QS 4 sao chung cho toàn trường và 4 tiêu chuẩn đạt 5 sao (Chất lượng giảng dạy, Việc làm sinh viên, Cơ sở vật chất và Phát triển toàn diện)...” - TS Lý Thiên Trang chia sẻ.

Trước đó, giữa tháng 12/2021, Trường Đại học Văn Lang (VLU) trở thành cơ sở giáo dục đại học thứ 4 tại Việt Nam trong năm 2021 hội đủ tiêu chuẩn được gắn sao của QS, với Chứng nhận xếp loại QS Stars 4 sao.

Theo TS Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng trường VLU, VLU là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận QS Stars 4 sao ngay trong lần đầu kiểm định. Chứng nhận 4 sao cũng là xếp loại QS cao nhất của các trường đại học Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

QS đánh giá 6/8 tiêu chuẩn của VLU đạt 4 và 5 sao, trong đó nhà trường đạt điểm tuyệt đối cho các tiêu chí về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ việc làm cho sinh viên, hoạt động hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu, các liên kết mạng lưới quốc tế và khu vực, các hoạt động thiện nguyện và cộng đồng... Bên cạnh đó, nhà trường được đánh giá 4 sao cho 2 tiêu chuẩn khác, gồm Chất lượng giảng dạy và Văn hóa nghệ thuật.

“Kết quả kiểm định QS Stars năm 2021 là minh chứng thể hiện những nỗ lực bền bỉ của tập thể sư phạm nhà trường, đồng thời là dấu hiệu tích cực cho thấy môi trường giáo dục đại học của VLU đang ngày một tiệm cận chuẩn mực của các đại học quốc tế xuất sắc…” - TS Nguyễn Cao Trí chia sẻ.

Ngoài ra, QS cũng đã trao chứng nhận đạt QS 3, 4 sao cho một số cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam gồm: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH VinUni…

Sinh viên ngành Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) học thực hành.

Sinh viên ngành Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) học thực hành.

Nỗ lực để hội nhập

Để đạt các chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế, điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất là việc điều chỉnh chương trình đào tạo, thay đổi phương thức giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất phòng thí nghiệm ở các cơ sở giáo dục đại học.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Nam - Trưởng khoa Công nghệ cơ khí, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, để tiến tới đạt ABET, chương trình đào tạo của nhà trường đã có một lộ trình thay đổi. Trong đó, điều đầu tiên là phải có được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường. Mọi vấn đề phát sinh khi xây dựng chương trình đào tạo đều được Ban giám hiệu chỉ đạo, thống nhất với các đơn vị để xử lý. Trên cơ sở được chỉ đạo và hỗ trợ từ Ban giám hiệu, lãnh đạo khoa sẽ tiến hành thực hiện xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ABET. Kết quả là, thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của lãnh đạo khoa là hoạt động bảo đảm chất lượng được xem là một hoạt động trọng tâm, thường xuyên trong công tác đào tạo.

“Trong quá trình thực hiện kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn ABET, cái khó khăn nhất chính là thay đổi văn hóa đảm bảo chất lượng trong tư duy của đội ngũ giảng viên. Trong đó, hoạt động đảm bảo chất lượng đã chuyển từ hoạt động hỗ trợ sang hoạt động thường xuyên trong nhiệm vụ của giảng viên...” - PGS.TS Nguyễn Đức Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng theo chuẩn ABET thì đầu tiên phải thay đổi mục tiêu chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của chương trình cho phù hợp với tiêu chí của ABET và phù hợp với thế mạnh của từng chương trình. Việc thay đổi này có sự đóng góp từ các bên liên quan (doanh nghiệp, giảng viên, cựu sinh viên) cho nên phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

Chương trình đào tạo Kỹ thuật y sinh của Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM, đạt chuẩn ABET từ năm 2018. Về những khó khăn gặp phải khi kiểm định ABET, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng khoa Kỹ thuật y sinh IU - cho biết: Thứ nhất, ABET đánh giá rất cao vấn đề thực hành cho sinh viên trong phòng thí nghiệm nên đoàn kiểm tra rất chặt chẽ các báo cáo về thực hành, kinh nghiệm thực hiện các môn học, cũng như việc giảng dạy của thầy cô. Điều này dẫn tới việc thực hiện kiểm định theo ABET các trường phải đầu tư nhiều về phòng thí nghiệm, cũng như những yếu tố về an toàn trong phòng thí nghiệm.

Trong suốt quá trình chuẩn bị kiểm định thì đơn vị phải đánh giá 2 lần. Khoa họp lấy ý kiến sinh viên tốt nghiệp ra trường làm ở đâu, bao nhiêu % sinh viên có việc làm, thu thập những góp ý của cựu sinh viên, góp ý của doanh nghiệp... để từ đó có những cải thiện chương trình đào tạo.

“Ví dụ ngành Kỹ thuật y sinh đánh giá, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn năm 2018 thì trước đó khoa đã triển khai đánh giá 2 lần và trong đợt 2 phải chứng minh được rằng hồ sơ đã cải thiện chương trình đào tạo theo thị trường lao động. Do đó, khoa đã thành lập hội đồng cố vấn doanh nghiệp để cải thiện chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động. Tới năm 2024 hết một chu trình của ABET phải đánh giá lại thì khoa phải chứng minh được những cải thiện tiếp tục của mình...” - PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp thông tin thêm, chương trình đào tạo Kỹ thuật y sinh của IU may mắn được thiết kế bởi GS Võ Văn Tới. Trước khi về Việt Nam thì thầy Tới đã có thời gian nghiên cứu về chuẩn ABET ở Mỹ nên khi xây dựng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật y sinh gần như tiệm cận với ABET. Tuy nhiên, khi đánh giá thì đơn vị cũng bị vướng một lỗi nhỏ là chuẩn an toàn phòng thí nghiệm.

“Khi dạy mình không để ý nhưng an toàn phòng thí nghiệm theo chuẩn quốc tế rất khó. Ví dụ như cái găng tay bỏ rác thì bỏ như thế nào để đạt chuẩn, cũng phải có quy định. Việc vứt rác như thế cũng phải có quy định hẳn hoi và phải chứng minh rõ ràng. Sau khi được chuyên gia góp ý, khoa đã điều chỉnh và trình nhà trường xem xét hỗ trợ. Sau đó khi tới đánh giá thật thì mọi thứ đều ổn và đạt chuẩn. Kinh nghiệm rút ra là thuê đoàn chuyên gia sang kiểm tra góp ý trước khi đánh giá thật...” - PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ.

Trước đó trong quá trình dạy, thầy cô muốn cho điểm thế nào thì cho, cảm tính cũng có... nhưng khi có chuẩn rồi thì phải theo đúng quy định của chuẩn, đồng thời phân loại rất rõ về học lực của sinh viên giỏi, khá, trung bình. Nhìn chung khi áp theo chuẩn thì mọi thứ khá êm. Tuy nhiên, nhà trường phải hỗ trợ khoa nuôi một đội kiểm định, đội này sau mỗi học kỳ là đi kiểm tra xem những đánh giá của thầy cô đã đúng hay chưa... - PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ