Lợi ích khi học các chương trình đạt chuẩn quốc tế

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng trong giáo dục đại học, việc tổ chức đánh giá chất lượng chương trình đào tạo bằng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức quốc tế được coi như một chuẩn mực công nhận chất lượng. Vì thế, theo học các chương trình đã được kiểm định theo chuẩn quốc tế, sinh viên sẽ thụ hưởng nhiều lợi ích.

Chương trình Kỹ thuật Y Sinh của Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) đạt chuẩn kiểm định AUN-QA
Chương trình Kỹ thuật Y Sinh của Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) đạt chuẩn kiểm định AUN-QA

Một số chuẩn kiểm định quốc tế đã áp dụng ở Việt Nam

Phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là các chương trình được kiểm định bởi Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN). Mạng lưới này được thành lập từ năm 1995 với mục tiêu thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục đại học trong khu vực ASEAN.

Bộ tiêu chuẩn AUN-QA được ban hành năm 2004, có mục tiêu thúc đẩy quá trình đảm bảo chất lượng tại các trường đại học trong khu vực và hướng đến sự di động (mobility) của người học trong việc tích lũy tín chỉ từ các chương trình đạt chuẩn của các trường trong mạng lưới.

Tính đến cuối năm 2016, AUN đã đánh giá được tổng số 220 chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học, trong đó Việt Nam có 61 chương trình với 15 chương trình của ĐHQGHN, 9 chương trình của Trường Đại học Bách khoa TPHCM.

Chuẩn ABET do Hội đồng Kiểm định khối ngành kỹ thuật và công nghệ - là một tổ chức kiểm định chương trình đào tạo được thành lập từ năm 1932 bởi các Hiệp hội ngành nghề của Mỹ - xây dựng. Đây là một tổ chức kiểm định có uy tín trong cộng đồng quốc tế, được công nhận bởi Ủy ban Kiểm định ĐH của Mỹ và các tổ chức kiểm định khác.

Hiện đã có trên 3.100 chương trình đào tạo của 670 trường ĐH ở 24 nước được kiểm định bởi ABET. Tại Việt Nam, tháng 9/2014, ĐHQG TPHCM đã công bố kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn ABET - Mỹ. Theo đó, hai ngành khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính của khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa TPHCM đạt chuẩn ABET giai đoạn tháng 9-2014 đến tháng 9-2020.

Chuẩn EUR-ACE (chuẩn kiểm định kỹ sư Pháp và châu Âu), FIBAA (chuẩn kiểm định châu Âu dành cho các chương trình đào tạo quản trị), ACBSP (Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo kinh doanh của Mỹ cũng được nhiều trường ĐH ở Việt Nam áp dụng.

Những lợi ích cho người học

Mặc dù theo học các chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế là một thách thức bởi phải làm việc nhiều, sát thực hơn và luôn bị soi bởi một tiêu chuẩn khắt khe nhưng bù lại người học được hưởng lợi rất nhiều. Trước hết đó là chất lượng đào tạo của các chương trình đạt chuẩn.

Chẳng hạn để đạt được chuẩn AUN-QA, ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cứ 4 năm trường lại có sự thay đổi lớn về chương trình đào tạo. Nội dung và cấu trúc chương trình, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá bám sát chuẩn đầu ra. Không có chuyện ra đề kiểm tra ngẫu nhiên khi bỗng dưng thấy lớp vắng sinh viên được. Trường có hệ thống theo dõi tiến bộ người học online, dashboard giúp phát hiện kịp thời các trường hợp cần hỗ trợ về học tập.

Chuẩn AUN là cách mà Mạng lưới các trường đại học ASEAN nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực, cũng như với các trường đại học đối tác trên thế giới, từng bước góp phần thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á. Ở Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) với 6 chương trình đạt chuẩn AUN, đã xây dựng được “Hệ thống trao đổi tín chỉ ACTS”.

Trong tổng số 145 môn học của ĐHQG-HCM tham gia hệ thống ACTS, Trường ĐH Quốc tế đã có 58 môn học trải đều ở 2 lĩnh vực đào tạo chủ chốt của nhà trường là quản lý và kỹ thuật (36 môn học của ngành Quản trị kinh doanh và 22 môn học của ngành Điện tử Viễn thông). Điều này rất thuận lợi cho sinh viên vì được trao đổi và công nhận tín chỉ khi học tập trong khu vực.

TS Nguyễn Ngọc Thanh (Trường ĐH Kinh tế-ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Người hưởng lợi đầu tiên từ hoạt động kiểm định chất lượng chương trình AUN chính là sinh viên. Sinh viên sẽ được hưởng một chương trình đào tạo có chất lượng được cải tiến liên tục, trên tất cả các khía cạnh, như khung chương trình, các môn học, giảng viên và hoạt động giảng dạy, hoạt động hỗ trợ sinh viên. Và không chỉ sinh viên có lợi, các bên liên quan khác như giảng viên, nhà tuyển dụng đều có lợi.

Cụ thể là nhà tuyển dụng có cơ hội sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, còn giảng viên được giảng dạy cho đối tượng là các sinh viên giỏi, được nghiên cứu và giảng dạy trong môi trường mang tính quốc tế, đặc biệt là có thêm cơ hội giao lưu học hỏi với các đối tác quốc tế và cũng tự hoàn thiện mình để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình.

TS Vũ Đình Thành, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng khẳng định: “Rào cản làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia, có lương cao không còn, thuận lợi về công việc được tăng lên. Cơ hội chuyển tiếp sang học các trường ĐH lớn trên thế giới của sinh viên rất thuận lợi vì sự uy tín rất cao của ABET”.

Trong khi đó, sinh viên theo học các chương trình đạt kiểm định EUR-ACE, FIBAA thì có lợi thế việc làm với các doanh nghiệp châu Âu, bởi chứng nhận chất lượng này được công nhận trên toàn châu Âu dành cho các ngành kỹ thuật và kinh doanh.

Hiện nay thông tin về các chương trình đạt chuẩn quốc tế đều được các trường thông tin công khai trên website và trong các thông báo tuyển sinh.

Nhiều trường xem việc phấn đấu đạt chuẩn quốc tế là một cách bảo chứng về chất lượng giáo dục trong thu hút thí sinh, vì thế việc giới thiệu quảng bá về các chương trình ngành học đạt chuẩn khá rộng rãi. Thí sinh có thể vào các website trường ĐH để tìm hiểu các ngành học đã được công nhận đạt chuẩn quốc tế, từ đó có sự lựa chọn đúng trong đăng ký xét tuyển.

Theo Cẩm nang Tư vấn thi & Tuyển sinh 2017

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ