Trước tình hình đó, Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một khu vực không ma tuý, cân bằng giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại thông qua các biện pháp thực thi pháp luật và các giải pháp kinh tế-xã hội nhằm loại bỏ các nguyên nhân sâu xa dẫn đến tệ nạn ma túy, đồng thời chú trọng vào hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma tuý.
Số người sử dụng ma tuý không ngừng tăng
Theo báo cáo tình hình ma tuý thế giới, từ năm 2010 đến nay, số lượng người sử dụng ma tuý trên thế giới trong độ tuổi từ 15-64 vẫn không ngừng tăng lên qua các năm và chưa có dấu hiệu giảm. Trong 5 năm từ 2010-2015, số lượng người sử dụng ma tuý đã tăng từ 226 triệu lên 255 triệu, tăng 29 triệu người (gần 13%).
Năm 2017, ước tính có khoảng 271 triệu người, tức là khoảng 5,5% dân số thế giới trong độ tuổi từ 15 đến 64 sử dụng ma tuý. Đáng chú ý, trong năm 2018, số lượng người sử dụng ma tuý hiện nay đã cao hơn 30% so với năm 2009.
Trên thế giới hiện có 32,5 triệu người sử dụng các loại ma tuý gốc thuốc phiện đã qua điều chế, chiếm 0,7% trong dân số trưởng thành thế giới và 16,5 triệu người sử dụng thuốc phiện tự nhiên. Số người sử dụng ma tuý tổng hợp là 37 triệu; thuốc lắc là 22 triệu người. Loại ma tuý được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới vẫn là cần sa, với lượng người sử dụng ước tính khoảng 188 triệu.
Bên cạnh đó, tội phạm ma tuý có xu hướng ngày càng gắn kết và có tổ chức cao, đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên khu vực, liên lục địa và các đường dây vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia, có sự móc nối giữa đối tượng bản địa và quốc tế để mua bán, vận chuyển ma tuý. Tính chất, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma tuý hoạt động có tổ chức xuyên quốc gia tinh vi, xảo quyệt. Nhiều đường dây, ổ nhóm hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa các hoạt động đầu tư, liên doanh liên kết, kinh doanh dịch vụ để che dấu hoạt động tội phạm.
Các băng nhóm tội phạm này chủ yếu đến từ các nước Nam Mỹ, Châu Phi, Iran, Trung Quốc…Chúng hoạt động theo kiểu “con thoi”, tập trung tại các khu vực trung chuyển trọng điểm như: Nigeria, Ghana, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Quatar, Ả rập Xê út, Thái Lan, Trung Quốc, Hà Lan, Brazil, Colombia, Mexico…
Đáng chú ý, trong thời gian qua, tại khu vực Đông Nam Á, sản lượng ma tuý đã tăng 30%, đặc biệt số lượng thu giữ heroin và morphine đã tăng 88% (từ 7,1 tấn lên 13,3 tấn), cho thấy sản lượng thuốc phiện trong khi vực tiểu vùng Mê Công, đặc biệt là Myanmar tăng mạnh.
Methamphetamine bùng nổ lớn nhất từ trước tới nay tại Đông Nam Á
Theo báo cáo của UNODC, số vụ thu giữ methamphetamine ở Đông Á và Đông Nam Á đã tăng hơn 8 lần trong giai đoạn 2007-2017 lên 82 tấn – chiếm 45% các vụ bắt giữ toàn cầu (năm 2016 là 60 tấn). Năm 2018, số lượng methamphetamine bị thu giữ ở khu vực này ước tính lên đến 116 tấn. Đây là những con số rất báo động, có thể nói, sản xuất và thu giữ methamphetamine đang bùng nổ lớn nhất kể từ trước tới nay trong khu vực.
Đáng chú ý, methamphetamine dạng tinh thể (đá) bị thu giữ trong năm 2018 ở khu vực tiểu vùng sông Mê Công đạt 50 tấn. Riêng số lượng methamphetamine dạng viên bị thu giữ năm 2018 đạt 650 triệu viên, tăng kỷ lục so với 420 triệu viên năm 2017.
Quy mô sản xuất ma tuý đá tại khu vực Tam Giác Vàng đã mở rộng đáng kể. Số lượng các cơ sở sản xuất ma tuý tổng hợp bị triệt phá trong năm 2015 là 600 cơ sở, tăng gấp 6 lần so với năm 2016 (100 cơ sở).
Trong 5 thập kỷ qua, ma tuý được sản xuất tại Tam Giác Vàng chủ yếu là thuốc phiện, ma tuý tổng hợp dạng viên và ma tuý đá. Ước tính sản lượng ma tuý hàng năm tại khu vực này đạt 650 tấn thuốc phiện, số lượng này có thể sản xuất ra 60 tấn heroin, 01 tỷ viên ma tuý tổng hợp và 20 tấn ma tuý đá.
Khu vực Đông Nam Á hiện có hơn 3 triệu người sử dụng heroin và theo con số thống chê chưa đầy đủ thì có hơn 5 triệu người sử dụng ma tuý tổng hợp. Theo số liệu thống kê, 57,8% tổng số ca cai nghiện là người sử dụng các chất kích thích dạng amphetamine, hầu hết đều sử dụng ma tuý tổng hợp dạng viên nén.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2016, các nước trong khu vực đã báo cáo có sự xuất hiện của 168 chất hướng thần mới khác nhau, hầu hết là cách chất có chứa cathinones tổng hợp và cần sa tổng hợp.
Chính phủ quan tâm và chỉ đạo một cách quyết liệt
Do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma tuý thế giới và khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Hoạt động gia tăng sản xuất ma tuý tổng hợp tại Tam Giác Vàng khiến cho lượng ma tuý tổng hợp từ khu vực này thẩm lậu vào Việt Nam tăng đột biến. Các lực lượng chức năng đã phát hiện các cơ sở sản xuất ma tuý tổng hợp trong nước với quy mô rất lớn và công nghệ sản xuất hiện đại. Năm 2019, lực lượng phòng, chống ma tuý đã triệt phá nhiều vụ án ma tuý rất lớn, thu giữ hàng tấn ma tuý tổng hợp. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đã đấu tranh, phát hiện và bắt giữ hơn 13 nghìn vụ, hơn 20 nghìn đối tượng, thu giữ gần 5 tấn và hơn 500 nghìn viên ma túy tổng hợp, hơn 750 kg heroin, 571 kg cần sa khô. Có thể đánh giá rằng, Việt Nam đang bị các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lợi dụng là địa bàn sản xuất và trung chuyển ma túy trong thời gian gần đây.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, trước thách thức chung của thế giới và khu vực về vấn đề ma tuý, Chính phủ Việt Nam quan tâm và chỉ đạo một cách quyết liệt. Trên tầm vĩ mô, Việt Nam đề ra Chiến lược quốc gia phòng, chống ma tuý với mục tiêu dài hạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiến hành nghiên cứu, đánh giá việc thi hành Luật phòng, chống ma tuý năm 2000 và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm củng cố cơ sở pháp lý trong nước cho phù hợp với diễn biến tội phạm ma tuý trong tình hình mới.
Trong nỗ lực giảm cung, Việt Nam dành ưu tiên cao trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động mua bán và vận chuyển ma tuý bất hợp pháp qua biên giới đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Việt Nam thường xuyên triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma tuý trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, nhất là với các tỉnh biên giới, cửa khẩu và cảng biển. Bên cạnh đó, tổ chức huy động sự tham gia của toàn xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống ma tuý thông qua các cuộc vận động, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự.
Trong 10 năm qua, Việt Nam đã cơ bản phá bỏ, hạn chế thấp nhất diện tích trồng cây có chứa chất ma tuý bất hợp pháp. Về quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất, Việt Nam đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa việc lạm dụng các chất gây nghiện, chất hướng thần và sử dụng sai mục đích các loại tiền chất thông qua ban hành Nghị định bổ dung Dnah mục các chất ma tuý và tiền chất.
Về công tác cai nghiện, chúng ta đã thực hiện chủ trương đa dạng hoá công tác cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý ở Việt Nam đến năm 2020, triển khai một số mô hình thí điểm điều trị, cai nghiện chất dạng thuốc phiện. Việt Nam đã triển khai hiệu quả và nhân rộng thành công chương trình điều trị thay thế bằng Methadone cho người nghiện. Hiện có 53.000 người đang được điều trị theo phương pháp này. Việt Nam cũng tiến hành tổng ra soát, thống kê người nghiện, tình hình lạm dụng chất chất ma tuý để đưa ra các chính sách cai nghiện phù hợp. Qua công tác tuyên truyền, người dân thay đổi định kiến, thái độ kỳ thị đối với người nghiện ma tuý, phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác cai nghiện và giúp người nghiện nhanh chóng tái hoà nhập cộng đồng.
Ngoài những nỗ lực trong nước, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực, với các nước đối tác khác trên thế giới để giải quyết vấn đề ma tuý. Việt Nam luôn ủng hộ và tham gia tích cực vào các khuôn khổ hợp tác của khu vực cũng như các cơ chế hợp tác với các nước đối tác, các tổ chức quốc tế, đồng thời tranh thủ được sự quan tâm, ủng hộ của các nước, các đối tác, tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống ma tuý trong nước.
Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, luôn sát cánh cùng các thành nước trong khu vực và trên thế giới thực hiện nghiêm túc những cam kết và thỏa thuận đã đạt được; nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung của khu vực, vì hoà bình, ổn định, phát triển thịnh vượng và xây dựng một khu vực không có ma tuý.