Từ tên thật Lâm Thanh Lang, bút danh Yến Lan ra đời từ hai người phụ nữ Thái Thị Bạch Yến và Nguyễn Thị Lan. Hai người đẹp thân nhau như chị em và đều là học trò của thi sĩ Yến Lan khi ông mở lớp học ở quê nhà An Nhơn vào cuối thập niên 30 thế kỷ trước.
Thái Thị Bạch Yến và Nguyễn Thị Lan từng cam kết có thể lấy chung một chồng để nương tựa nhau trọn kiếp. Tuy nhiên, Thái Thị Bạch Yến theo gia đình rời khỏi Bình Định, chỉ còn Nguyễn Thị Lan ở lại với tác giả “Bến My Lăng”.
Bà Nguyễn Thị Lan (1919-2013) có phải là mối tình đầu của thi sĩ Yến Lan không? Không phải, thuở trái tim mới lớn rộn nhịp cuồng si, Yến Lan say đắm một cô hàng xóm dòng dõi trâm anh thế phiệt. Dù Yến Lan có chút tên tuổi nhưng vẫn bị bố mẹ mỹ nhân kia khước từ.
Cũng may, khi tâm hồn run rẩy của thi sĩ Yến Lan đổ vỡ vì duyên mệnh éo le, thì bà Nguyễn Thị Lan xuất hiện và gắn bó với ông qua bao nhiêu giông bão áo cơm lẫn ân tình. Bà chấp nhận làm vợ một thi sĩ nghèo, bà theo ông tập kết ra Bắc, bà cùng ông nuôi dạy con cái, rồi bà cùng ông trở lại xóm chợ bên dòng sông Côn sống yên vui đến đầu bạc răng long.
Bà Nguyễn Thị Lan cứ lặng lẽ sau lưng chồng, nên ít ai biết những tâm sự buồn vui riêng bà. Mãi đến khi thi sĩ Yến Lan giã biệt dương gian ở tuổi 82, bà Nguyễn Thị Lan còn lại một mình trong căn nhà cô đơn và bà đã viết lại những mảnh hồi ức về người chồng tài hoa. Cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Lan được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2011, có tên gọi “Yến Lan – Nhớ mãi về anh”.
Nhờ những trang bộc bạch chân thành và tha thiết của bà Nguyễn Thị Lan, công chúng mới mường tượng được sự khởi đầu của một mối tình mơ màng và lãng mạn: “Năm đó, tôi mới lên lớp 10 thì được cha tôi cho vào trường nữ trong thành Bình Định học. 3 năm học từ lớp 5 đến lớp 3, kỳ nghỉ hè nào, tôi cũng đến anh để học thêm.
Anh dạy rất nhiệt tình, giảng bài giọng rất hay, lại thấy anh ít rong chơi như các anh khác, nên tôi cũng có để ý. Thỉnh thoảng, xem báo, lại gặp tên anh, tôi và người bạn gái cùng tuổi, tên Bạch Yến đều tấm tắc: anh nhà nghèo mà sao giỏi thế! Năm 1937, cha tôi ép gả tôi cho một gia đình giàu có, tôi phải vâng lời.
Hai tháng ở nhà chồng, tôi như bị bỏ tù, lại phải chịu đòn roi nhà chồng, tôi bỏ đi Quy Nhơn, rồi mua vé tàu vào Nha Trang. Sau, cha tôi đến tìm bảo tôi về. Hàng ngày, tôi đi chợ mua thức ăn ngang qua chùa Ông, nơi anh ở. Anh thường đứng bên bờ thành, thỉnh thoảng lại khẽ gọi và hỏi tôi những câu chuyện vu vơ. Đầu năm 1940, anh ghé lại chơi và nói là anh sẽ ra dạy ở Thanh Hóa. Tết, anh về quê, tôi ghé thăm rồi nhận lời yêu anh.
Anh nói: “Anh coi em như mối tình đầu”, nhưng cha mẹ tôi lại không đồng ý, có phần bởi cũng muốn con cái mình có chồng giàu có, sung sướng. Tôi rất buồn và lại bỏ nhà đi, vô một ngôi chùa ở Phan Thiết tu. Được ít lâu thì cha tôi sai anh tôi dẫn tôi về và đồng ý cho chúng tôi lo việc cưới xin. Đám cưới của chúng tôi tổ chức vào ngày 20-4-1944”.
Cả đời bà Nguyễn Thị Lan dành hết cho thi sĩ Yến Lan. Bao nhiêu tủi cực, bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu hờn ghen… bà đều nhẫn nhịn gánh vác. Thi sĩ Yến Lan cảm nhận sâu sắc điều ấy và viết cho vợ những lời tri ân: “Thiên nhiên hào phóng đến ngông cuồng/ Mưa suốt mùa mưa chẳng chịu dừng/ Khác thể phần em sao tằn tiện/ Một đời mắt lệ chỉ rưng rưng”.
Bà Nguyễn Thị Lan không khóc cho riêng mình. Thậm chí, bà gạt bỏ mọi nhu cầu cá nhân để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho ông. Vì vậy, thi sĩ Yến Lan hiểu mình đã mang ơn tạo hóa và mang ơn người vợ tảo tần: “Nhà không vườn không gác không sân/ Tôi nợ đời rau trái tôi ăn/ Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát/ Nợ em cài bên cửa một vầng trăng”.
Những ai từng chứng kiến bà Nguyễn Thị Lan vun vén từng bữa cơm, từng giấc ngủ cho thi sĩ Yến Lan những năm cuối đời, mới thấy họ đối đãi với nhau thủy chung như bát nước đầy. Trong căn nhà số 19 đường Quang Trung, thị xã An Nhơn, thi sĩ Yến Lan sau tuổi 70 thường xuyên đau ốm.
Mỗi khi có khách, bà Nguyễn Thị Lan đỡ chồng ngồi dậy, rót nước cho chồng và ngồi bên cạnh như một trợ lý tận tụy. Giữa câu chuyện văn chương, nếu quên chi tiết gì thì thi sĩ Yến Lan lai quay sang nhìn vợ một cách âu yếm, và bà lại nhắc giúp ông. Sự khăng khít ấy, cũng được thi sĩ Yến Lan viết thành thơ: “Ta gắn nhau từ đầu/ Càng gắn nhau về cuối/ Đâu nghĩ là xa nhau/ Cho đến giờ hấp hối”.
Công chúng còn được phen trầm trồ khi phát hiện trong di cảo của thi sĩ Yến Lan có rất nhiều bài thơ viết cho người bạn trăm năm quạt nồng khuya sớm. Thi sĩ Yến Lan viết về món ăn được nâng niu từ bàn tay vợ: “Em gọt khế cuối mùa/ Anh cắn từng lát nhỏ/ Ôi, quả thường vị chua/ Mà mọng nhiều thương nhớ”. Thi sĩ Yến Lan viết về sự êm đềm do vợ đem lại trong những ngày họ sống ở Hà Nội: “Ta uống chúc vợ hiền/ Khó khăn còn nặng gánh/ Tắt bếp có lửa đèn/ Tình quê không hở lạnh”.
Thi sĩ Yến Lan viết về sự tháo vát chu toàn trước sau của vợ: “Lứa tám thơm dài, hạt dẻo thơm/ Vừa ai khua bát nhón tay đơm/ Em còn bao ít dành hôm giỗ/ Chắt ngọt tình quê thấm tận hồn”. Và ông không ngần ngại viết về sự cưu mang mà vợ dành cho mình: “Trong cơn đau, anh càng rõ tình em/ Đắng thuốc thành mật thoa, xót giường thành nhiễu lụa/ Từ bấy đến nay, anh bỗng khát thèm/ Nếu được ốm, anh còn ốm nữa”.
Bà Nguyễn Thị Lan qua đời ngày 6-1-2013, để lại cho đời một câu chuyện tình với thi sĩ Yến Lan, đáng được truyền tụng đến thế hệ sau!