Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, LPBank huy động hơn 4.400 tỷ trái phiếu

GD&TĐ - Tại thời điểm 30/9, LPBank ghi nhận nợ trái phiếu ở mức 23.644 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn ở mức 2.717 tỷ đồng, tăng 132%.

Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, LPBank huy động hơn 4.400 tỷ trái phiếu

Nợ có khả năng mất vốn tăng 132%

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 13/11 thông báo về kết quả phát hành trái phiếu tại Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, Mã: LPB).

Theo đó, LPBank đã phát hành thành công lô trái phiếu mã LPBL2431007 vào ngày 28/10, mệnh giá mỗi trái phiếu là một tỷ đồng/; tương ứng giá trị phát hành 100 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm, tương ứng ngày đáo hạn là 28/10/2031, lãi suất trái phiếu là 7,58%/năm.

Đây là lô trái phiếu thứ 7 được LPBank phát hành thành công trong năm nay và là lô trái phiếu có giá trị nhỏ nhất được chào bán. Các lô trái phiếu trước đó bao gồm mã: LPBL2427006 (2.000 tỷ đồng) LPBL2431001 (400 tỷ đồng), LPBL2431002 (420 tỷ đồng), LPBL2431003 (1.000 tỷ đồng), lô LPBL2431004 (160 tỷ đồng) và LPBL2431005 (330 tỷ đồng).

Tổng số tiền mà ngân hàng này đã huy động được từ việc phát hành trái phiếu là 4.410 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, vào ngày 26/9 LPBank tiến hành mua lại 2.000 tỷ đồng lô trái phiếu LPBL2326003 được phát hành vào năm 2023 và phải tới 2026 mới hết hạn. Sau đó một ngày, ngân hàng này tiếp tục tất toán trước hạn lô trái phiếu LPBL2325004 có giá trị phát hành là 1.500 tỷ đồng, cũng được phát hành vào năm 2023 và dự kiến sẽ đáo hạn vào năm 2025.

Tổng giá trị 2 mã trái phiếu mà LPBank mua lại là 3.500 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, LPBank đã tiến hành mua lại trước hạn 3 mã trái phiếu với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý III//2024, nợ phải trả của LPBank ở mức 415.136 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi của khách hàng chiếm 65% với 271.302 tỷ đồng. Phần lớn trong tiền gửi khách hàng là tiền, vàng gửi có kỳ hạn với 249.349 tỷ đồng.

Tiền gửi và vay của các TCTD khác 84.882 tỷ đồng, tăng 69,3% so với cuối năm 2023. LPBank có các khoản nợ chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu phát hành ở mức 47.322 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2023. Trong đó, nợ trái phiếu ở mức 23.644 tỷ đồng.

Các khoản nợ khác ở mức 9.650 tỷ đồng, phần lớn trong đó là các khoản lãi, phí lãi phải trả, ở mức 7.3484 tỷ đồng và các khoản phải trả và công nợ khác 2.265 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2024, vốn chủ sở hữu của LPBank chỉ ở mức 40.669 tỷ đồng. Trong khi nợ phải trả lên đến 415.136 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Tỉ lệ nợ xấu theo tình trạng nợ của khách hàng tại LPBank tính đến ngày 30/9 là 1,96% (cuối năm 2023 là 1,34%).

Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng nợ xấu của LPBank ở mức 6.272 tỷ đồng, tăng 70,1% so với cùng kỳ. Về cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt mức hơn 1.380 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 27,4% lên 2.174 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đạt 2.717 tỷ đồng, tăng 132,4% so với thời điểm cuối năm 2023.

Về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 9 tháng năm 2024, LPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 10.887 tỷ đồng, tăng 38,5%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 2.701 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 291 tỷ đồng, trong đó, thu từ công cụ tài chính và phái sinh tiền tệ đạt 1.116 tỷ đồng, thu từ ngoại tệ giao ngay là 365 tỷ đồng, trong khi các khoản chi ở mức 1.190 tỷ đồng.

a1.jpg
Các đợt phát hành trái phiếu của LPBank trong năm 2024

Sẽ thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng

Vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã ký ban hành định hướng chương trình thanh tra năm 2025, trong đó hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ được chú trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Theo chương trình, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thanh tra các hoạt động đầu tư trái phiếu của các TCTD, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và giảm thiểu rủi ro đối với hệ thống tài chính. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc thanh tra các vấn đề dễ phát sinh rủi ro trong hoạt động của các TCTD, như cấp tín dụng cho các khách hàng lớn và các nhóm khách hàng liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Chương trình thanh tra cũng sẽ tập trung vào việc kiểm tra việc tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, cũng như các vấn đề pháp lý khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục thanh tra chuyên đề về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và sử dụng nguồn tiền từ các trái phiếu này, một vấn đề đang được dư luận và các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm.

Đặc biệt, ngoài các hoạt động thanh tra định kỳ, NHNN sẽ linh hoạt lựa chọn thêm một số nội dung thanh tra chuyên sâu, như công tác quản trị, điều hành của các TCTD, xử lý nợ xấu, và việc thực hiện các phương án cơ cấu lại các ngân hàng, đặc biệt là những vấn đề có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tài chính quốc gia và quyền lợi của người gửi tiền.

Các TCTD sẽ phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu thanh tra của NHNN, bao gồm việc phối hợp với các cơ quan chức năng và thực hiện các giải pháp khắc phục nếu có vi phạm hoặc tồn tại trong quá trình hoạt động.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới nhất của Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), trong tháng 10/2024, lượng phát hành trái phiếu mới giảm xuống 28.100 tỷ đồng, từ mức 56.200 tỷ đồng trong tháng 9/2024. Các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 15.800 tỷ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới.

Trong số các trái phiếu do các ngân hàng phát hành vào tháng 10/2024, 20% là trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2, được phát hành bởi Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam và Ngân hàng TMCP Bắc Á.

Các trái phiếu vốn cấp 2 này có kỳ hạn từ 7 - 15 năm và lãi suất từ 6,5% - 7,9% trong năm đầu tiên. Các trái phiếu khác là trái phiếu không có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định từ 5,0% - 6,0%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.