Ninh Xuân Trường, thầy giáo – chiến sĩ cảm tử anh hùng

Ninh Xuân Trường, thầy giáo – chiến sĩ cảm tử anh hùng

(GD&TĐ) - Theo những dòng địa chỉ ghi trên quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Ninh Xuân Trường, chúng tôi tìm về xóm Đông (thôn Đồng Thắm, Đào Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang). Hơn 40 năm sau ngày anh hy sinh, chiến công oanh liệt trên đèo Mang Yang (Gia Lai) của liệt sĩ Ninh Xuân Trường đã được tưởng thưởng xứng đáng. Sự tôn vinh có muộn màng nhưng lại là điều cần thiết…

Người anh hùng cảm tử

Hơn ba năm sau ngày thầy giáo trẻ Ninh Xuân Trường tạm xếp lại những trang giáo án lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 15/1/1968, anh tham gia trận đánh đoàn xe bọc thép 69 chiếc của Mỹ, nguỵ trên đèo Mang Yang và hy sinh anh dũng tại đó cùng 36 đồng đội khác.

Trang sử truyền thống hào hùng của Trung đoàn bộ binh 95 (Đoàn Mang Yang), sư đoàn bộ binh 2, Quân khu 5, đơn vị của Ninh Xuân Trường ghi lại: Nhận được tin đoàn thiết xa 69 chiếc cùng hàng trăm tên giặc Mỹ, ngụy sẽ hành quân qua đèo Mang Yang trong khoảng thời gian ngày 15/1/1968, Trung đoàn bố trí lực lượng đón lõng nhằm tiêu diệt cả đoàn xe và người. Tiểu đội của Ninh Xuân Trường nhận nhiệm vụ đánh chặn chiếc xe đi đầu. Tron

g điều kiện vũ khí thiếu thốn, thô sơ, phương án được tính đến là dùng bom tự chế (một dạng bom ba càng thời chống Pháp) nhằm tiêu diệt gọn hai chiếc đi đầu và cuối nhằm khoá chặt đoàn xe cho lực lượng chủ lực tác chiến. Ninh Xuân Trường đã xung phong nhận trái bom hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trận đó, Trung đoàn 95 đã tiêu diệt gọn đoàn thiết xa của địch nhưng cũng chịu tổn thất không nhỏ. Do trận đánh quá ác liệt, địa hình rộng nên đơn vị không kịp rút ra vị trí an toàn đã phải hứng hàng chục tấn bom đạn từ máy bay, tàu chiến Mỹ trút xuống trả thù.

Dã man hơn, sau khi đã dùng bom huỷ diệt, Mỹ, ngụy cho xe bọc thép ủi tất cả những thi thể các chiến sĩ hy sinh vùi chung trong một hố và san phẳng tất cả. 37 liệt sĩ Trung đoàn 95 trong trận đánh trên đèo Mang Yang ấy thi thể không còn nguyên vẹn đã nằm chung nhau suốt hơn 40 năm ngay tại nơi các anh đã anh dũng chiến đấu.

Tấm gương anh dũng của liệt sĩ Ninh Xuân Trường và các liệt sĩ khác được Trung đoàn 95 đoàn Mang Yang ghi trong kỷ yếu, làm bài học cho các thế hệ trẻ trong trung đoàn.

Trong khi đó ở quê nhà, tin tức mà vợ con anh nhận được chỉ là mảnh giấy báo tử thông báo liệt sĩ Ninh Xuân Trường đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Nỗi khắc khoải trải gần 40 năm, kiếm tìm, dò hỏi, đăng tin nhắn tìm đồng đội... vẫn bặt vô âm tín.

Thế nhưng, một sự tình cờ may mắn đã đưa thông tin đến với anh Huấn - con rể của liệt sĩ khi được biết đại úy, nhà văn Thiên Lương, người cùng trung đoàn với bố vợ anh năm xưa biết rõ địa điểm, thời gian và chứng kiến sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Ninh Xuân Trường.

Theo nguồn tin này, gia đình liệt sĩ đã vào Gia Lai, thắp nén hương cho linh hồn người liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã H"ra (thị xã Mang Yang) nơi ngôi mộ chung 37 liệt sĩ hy sinh trên đèo Mang Yang được quy tập về. Gia đình cũng xin địa phương nắm đất tượng trưng cho thân thể máu xương người lính anh hùng để đưa về hương khói nơi quê nhà.

Xem lại những kỷ vật còn giữ được của anh hùng liệt sĩ Ninh Xuân Trường
Xem lại những kỷ vật còn giữ được của anh hùng liệt sĩ Ninh Xuân Trường
 

Ấm lòng thân nhân người liệt sĩ anh hùng

Ngày thầy giáo Ninh Xuân Trường nhập ngũ, cô con gái lớn của anh mới được 5 tuổi, cậu con trai út vừa tròn 4 tháng. Chia tay mẹ, các anh em, vợ con, người thầy giáo vui tính không quên hẹn ngày trở lại khi đất nước đã sạch bóng quân thù. Chẳng ai ngờ, lần chia tay ấy lại là mãi mãi. Hơn 40 năm, cậu bé trai ngày nào giờ đã thành người đàn ông trung niên, là chủ của ngôi nhà khang trang giữa thôn Đồng Thắm xanh tươi.

Câu chuyện cùng với những người thân trong gia đình liệt sĩ Ninh Xuân Trường, ông Ninh Văn Hợi, 83 tuổi, anh của liệt sĩ; Ninh Văn Thi, 72 tuổi, em liệt sĩ; bà Nguyễn Thị Thuỷ, vợ và con trai, con dâu liệt sĩ đưa mọi người quay về với những ký ức xa xôi. Ai cũng khen cái nết hay lam hay làm, cày ruộng thật nhanh, rải khoai thật khéo, lại hay giúp đỡ người khác chẳng nề hà khó khăn gì của thầy giáo Ninh Xuân Trường trước khi nhập ngũ.

Ông Hợi còn nhớ khoảng năm 1967, gia đình nhận được lá thư cuối cùng của liệt sĩ Trường viết cho mẹ, trong đó có đoạn viết: "con nhớ u, các anh, các em và vợ con con. Chúng con đang hành quân, bọn Mỹ, ngụy điên cuồng lắm nhưng chúng con quyết không để chúng nó nhởn nhơ, sẽ đánh chúng không còn manh giáp...". Trong bốn anh em thì liệt sĩ Trường là người có vóc dáng nhỏ nhất, nhưng vui tính và cũng ăn mặc bảnh bao nhất nhà. Tính cách cũng quyết đoán, dứt khoát dù đôi lúc cũng ham vui.

Bà Nguyễn Thị Thủy – vợ của liệt sĩ – trở thành góa phụ khi còn khá trẻ. Bà một mình nuôi dạy hai người con khôn lớn, trưởng thành  với mong muốn để ông được mát mẻ nơi suối vàng. Suốt hơn 40 năm đằng đẵng, bà không nguôi ước ao tìm được nơi chồng nằm xuống. Ngày nhận được tin báo chính xác địa điểm nơi liệt sĩ Ninh Xuân Trường hy sinh, bà đã cùng các con trở lại chiến trường xưa.

Sau ba ngày làm lễ cầu siêu cho chồng, trở về nhà bà ngã bệnh, dường như mọi sức lực ẩn chứa trong thân thể bé nhỏ của bà đã trút hết trên mảnh đất có phần máu thịt của chồng. Cơn tai biến khiến bà đi lại khó khăn, nói không ra tiếng nhưng sự thanh thản thì tràn ngập. Ánh mắt bà đã thay lời nói lên điều đó.

Những chiến tích của liệt sĩ Ninh Xuân Trường, sau khi đã sáng tỏ, đã được Chủ tịch nước đã ký quyết định 543/QĐ-CTN ngày 27/4/2012 truy tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phần thưởng xứng đáng với những gì anh đã sống và chiến đấu cho tận đến lúc hi sinh.

“Hôm nhà tôi nhận được giấy báo của Trung đoàn 95 cho biết bố tôi được Chủ tịch nước quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng, xóm làng đến chúc mừng đông lắm, còn hơn cả lần mới tìm được mộ bố”- anh Ninh Văn Sinh, con trai liệt sĩ Ninh Văn Trường nhớ lại. Anh bảo mẹ anh dù không còn đọc được nhưng hầu như lúc nào cũng cầm tấm giấy báo trên tay, lúc lúc lại nhờ đứa cháu nội đọc giúp. Cũng từ ngày đó, bà khoẻ lên trông thấy 

Như vậy, liệt sĩ Ninh Xuân Trường đã trở thành anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thứ 5 của đất Lạng Giang. Niềm tự hào không chỉ đại gia đình được đón nhận mà nó còn trở thành một tấm gương sáng, niềm tự hào của cả mảnh đất đã bao bọc, nuôi dưỡng anh từ thủa ấu thơ.

Dọc theo con đường liên xã, liên thôn trải nhựa phẳng lì của xã Đào Mỹ hôm nay, màu xanh từ những thửa ruộng, vườn cây xen lẫn màu ngói đỏ, màu sơn tường nhà như một bức tranh yên bình. Bức tranh ấy, có hình bóng của người con Đào Mỹ anh hùng.

Việt Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ