Theo ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận: Ninh Thuận được ví như “vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á”, nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt – Nha Trang – Phan Rang, có bờ biển dài 105 km, đa dạng chủng loại hải sản và được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Ninh Chử - Bình Sơn, Cà Ná, Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy, Vườn quốc gia Núi Chúa, Phước Bình…
“Hệ thống các tháp Chăm được bảo tồn nguyên vẹn, được công nhận di tích đặc biệt. Trong đó, quần thể tháp Po Klong Garai, nơi diễn ra Lễ hội Kate, có sức hút rất lớn đối với du khách trong nước và quốc tế”, ông Vĩnh cho biết.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 do Tập đoàn tư vấn Monitor thiết kế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Ninh Thuận sẽ định hướng phát triển theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như năng lượng tái tạo, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nông nghiệp công nghệ cao…
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cũng nhấn mạnh sẽ ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi biển Bình Sơn, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, các dịch vụ du lịch chuyên đề như du lịch kết hợp đua mô tô trên cát, các môn thể thao biển như dù lượn, lướt ván diều…
Việc phát triển du lịch theo định hướng giữ gìn nét mộc mạc và hoang sơ của Ninh Thuận là cơ sở để địa phương này kêu gọi các nhà đầu tư. Được biết, từ ngày 31/8, Chính phủ đã phê duyệt cơ chế đặc thù cho Ninh Thuận phát triển cơ sở hạ tầng và du lịch, đưa khu vực từ Bình Tiên đến Mũi Dinh thành vùng du lịch trọng điểm của quốc gia.