Ninh Bình: Xây dựng văn hóa đọc bằng thư viện thân thiện "Room to Read"

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT Ninh Bình đã chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng mô hình thư viện thân thiện Room to Read nhằm xây dựng thói quen đọc sách và kỹ năng học tập suốt đời cho học sinh.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Mô hình thư viện thân thiện Room to Read do Bộ GD&ĐT phối hợp với tổ chức Room to Read triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước. Bắt đầu từ năm học 2019-2020, mô hình được ngành GD&ĐT Ninh Bình triển khai thí điểm ở 16 trường Tiểu học. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 60/145 trường Tiểu học đưa vào sử dụng Thư viện thân thiện Room to Read.

Thư viện thân thiện có nhiều khác biệt với thư viện truyền thống. Ví như được sắp xếp theo hướng mở, thân thiện, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận sách dễ dàng, phù hợp với sở thích và khả năng đọc.

Sách được trưng bày trên kệ, được thiết kế và phân loại theo chiều cao, trình độ đọc của học sinh và được dán theo từng mã màu tương ứng. Các đồ vật khác như thảm xốp, bàn thấp, vật phẩm giáo dục cũng được trang bị và sắp xếp nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút học sinh.

Ngoài ra, thư viện còn được bố trí các góc hoạt động khác nhau, như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo..., khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách khác nhau và phát huy tính sáng tạo của các em.

Cô Đinh Thị Hải Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hòa (huyện Yên Khánh) cho biết: Để khích lệ và hướng học sinh phát triển văn hóa đọc, nhà trường quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất như giá sách, bàn đọc, đặc biệt quan tâm bổ sung số lượng sách và truyện theo mã màu.

Nguồn kinh phí đầu tư cho thư viện từ nguồn ngân sách nhà trường và nguồn xã hội hóa từ cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể địa phương. Số tiền đầu tư cho thư viện Room to Read của trường gần 100 triệu đồng…

Năm học 2021-2022, toàn trường có 704 học sinh/22 lớp, trong đó số sách thư viện Room to Read nhà trường đạt khoảng 300-400 đầu sách. Nhờ hoạt động hiệu quả thư viện, chất lượng giáo dục nhà trường có bước chuyển biến tích cực, luôn là trường đứng trong tốp đầu của huyện về chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo bà Phạm Thị Tuất, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình) cho biết: Những năm qua, rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh, giúp các em nâng cao sự hiểu biết và phát triển kỹ năng sống là một trong những nhiệm vụ được ngành GD&ĐT đặc biệt quan tâm.

Trong đó, mô hình thư viện thân thiện được đánh giá là phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh và kỹ năng học tập suốt đời. Mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.