Theo đó, yêu cầu các nhà trường tổ chức tuyên truyền để phụ huynh, học sinh nắm được các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm; nâng cao sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với nhà trường, gia đình trong việc giáo dục, hướng dẫn học sinh thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng thực phẩm an toàn;
Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với điều kiện gia đình, thể trạng của từng lứa tuổi để nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.
Sử dụng nguồn nước uống trực tiếp cho học sinh đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy định. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.
Đối với các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm, Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BYT-BGDĐT của Bộ Y tế và Bộ GDĐT, Thông tư liên tịch số 13/2016/ TTLT-BYT-BGDĐT của Bộ GDĐT và Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học, Chỉ thị số 4316/CTBGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và các văn bản, tài liệu hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lựa chọn và ký hợp đồng với các nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm hoặc suất ăn có đầy đủ thủ tục pháp lý về an toàn thực phẩm theo quy định; huy động sự phối hợp của cán bộ y tế trường học, ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến tại các bếp ăn trường học, kiên quyết không sử dụng nguyên liệu, sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra ba bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định tại Quyết định số 1246/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi.
Kiểm soát các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, hỗ trợ nhân đạo mà các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực trường học (nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, việc chấp hành các quy định về đăng ký, tự công bố sản phẩm, quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phát sản phẩm…).
Trường hợp phát hiện hay nghi ngờ sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm thì nhà trường cần tạm ngừng sử dụng sản phẩm và thông báo ngay cho cơ quan chức năng.
Phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học trong các nhà trường; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh.