Theo Sở GD&ĐT Ninh Bình, thời gian qua công tác quản lý tài chính, tài sản tại các đơn vị trường học đã đi vào nề nếp, thực hiện và chấp hành nghiêm túc các chính sách, chế độ, các quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên công tác quản lý tài chính, tài sản tại một số đơn vị trường học vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, có những đơn vị còn tình trạng lạm thu, thu chưa đúng quy định, các khoản thu chưa thực hiện công khai minh bạch, có đơn vị để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý tài chính.
Nguyên nhân do thủ trưởng các đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý tài chính, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ làm công tác kế toán còn có những mặt hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra về tài chính chưa được nhiều, hiệu quả thanh tra, kiểm tra chưa cao.
Do đó, để thực hiện tốt quản lý tài chính, tài sản tại các đơn vị trường học trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình yêu cầu:
Đối với các khoản thu trong trường học: Triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT, tuyệt đối không được lạm thu, thu không đúng quy định.
Đối với khoản thu thỏa thuận chỉ tính đủ các chi phí cần thiết, không được thu cao hơn chi phí để sử dụng vào việc khác. Đối với khoản thu tiền dạy thêm, học thêm thực hiện thu theo tháng, yêu cầu cuối mỗi tháng sau khi đã xác định được số tiết thực học, thực dạy mới tổ chức thu tiền của học sinh.
Việc huy động các khoản tài trợ phải thực hiện đúng nội dung được vận động tài trợ, trước khi vận động tài trợ phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ trình cơ quan có thẩm quyền cho phép bằng văn bản mới được thực hiện theo quy định. Tất cả các khoản thu phải thực hiện công khai, minh bạch với cha mẹ học sinh và nhà tài trợ (nếu có).
Đối với các khoản chi trong trường học phải triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách, chế độ quy định của Nhà nước đặc biệt là các khoản chi cho con người. Các khoản chi tiêu khác trong đơn vị cần thực hiện đúng theo quy định, có đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ, thực hiện nghiêm việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Công tác mua sắm máy móc thiết bị phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, định mức theo quy định của Nhà nước và đảm bảo trình tự thủ tục mua sắm tài sản theo quy định của Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học thực hiện theo quy định.
Việc sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học được thực hiện trong phạm vi nguồn kinh phí đã được giao, không phát sinh nợ đọng và đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.
Khi kết thúc công việc sửa chữa phải kịp thời nghiệm thu và quyết toán giá trị công trình, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá trị quyết toán để làm căn cứ thanh toán kinh phí cho nhà thầu, không được để tình trạng công trình hoàn thành đã lâu mà chưa nghiệm thu, quyết toán.
Kịp thời rút kinh nghiệm những tồn tại hạn chế, chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về công tác kế toán. Tất cả các khoản thu, chi tài chính trong đơn vị đều phải phản ánh vào hệ thống sổ kế toán, báo cáo tài chính của đơn vị tuyệt đối không được để ngoài sổ kế toán bất kỳ một khoản kinh phí nào.
Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các văn bản mới về thu, chi tài chính, mua sắm tài sản, trang thiết bị dạy học, các quy định về xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình để tổ chức triển khai tại đơn vị đảm bảo đúng quy định.
Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng đặc biệt yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện/thành phố phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch của huyện/thành phố tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ chủ tài khoản, kế toán các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn.
Tổ chức các hội nghị chuyên đề về công tác thu, chi tài chính; mua sắm tài sản, trang thiết bị dạy học; xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng các hạng mục công trình; thanh lý tài sản cố định, đồng thời tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện.