Giáo dục Ninh Bình phát động sáng kiến chiến thắng đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, Công đoàn Giáo dục Ninh Bình đã vận động cán bộ, nhà giáo, người lao động tham gia.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo đó, sáng kiến tham gia Chương trình phải là các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hoặc đề tài nghiên cứu khoa học.

Trong đó, giải pháp kỹ thuật là cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (vấn đề) xác định, bao gồm: Sản phẩm dưới các dạng: vật thể; chất; vật liệu sinh học; hoặc giống cây trồng, giống vật nuôi…

Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có phương pháp tổ chức công việc; Phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc.

Giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào.

Phương pháp thực hiện các thủ tục hành chính; Phương pháp thẩm định, giám định, tư vấn, đánh giá; Phương pháp tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy.

Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức, biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật mới vào thực tiễn hoặc cải tiến, khắc phục những nhược điểm của giải pháp đang thực hiện.

Giải pháp trong hoạt động công đoàn là các cách thức tổ chức, điều hành, quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hơn; nghiên cứu, đề xuất phương pháp, mô hình, cách làm mới; các cơ chế, chính sách, chế độ có lợi hơn cho đoàn viên, người lao động….

Giải pháp trong phòng chống Covid -19 yêu cầu tham mưu cơ chế, chính sách mới trong công tác bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động…

Cùng đó, đề xuất mô hình mới, cách làm hay trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn; các giải pháp hiệu quả thiết thực để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.

Điều kiện công nhận sáng kiến gồm: Sáng kiến có tính mới trong phạm vi cơ quan, đơn vị, trường học, đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ quan, đơn vị đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực.

Cụ thể: Khả năng mang lại hiệu quả kinh tế: nâng cao chất lượng giảng dạy, giảm chi phí; Khả năng mang lại lợi ích xã hội: nâng cao điều kiện an toàn trong giảng dậy, cải thiện điều kiện sống, làm việc, học tập, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức…

Đề tài được nghiệm thu và ứng dụng trong thực tế từ tháng 9/2021, đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi ứng dụng đề tài khoa học đó xác nhận hiệu quả ứng dụng thực tế.

Công nhận tác giả sáng kiến trong trường hợp sáng kiến, đề tài có nhiều tác giả, thành viên thì công nhận cho chủ nhiệm đề tài hoặc tác giả, thành viên đề tài có tỷ lệ đóng góp cao nhất.

Thời gian phát động chương trình:

Giai đoạn 1 đến hết tháng 5/2022 với mục tiêu 100 sáng kiến. Giai đoạn 2, từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023 đặt mục tiêu 200 sáng kiến.

Chỉ tiêu phấn đấu: Mỗi cơ quan, đơn vị có ít nhất 15% cán bộ, nhà giáo, người lao động có sáng kiến tham gia Chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ