Ninh Bình nhận Cờ đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi

GD&TĐ - Hôm nay (12/3), Sở GD&ĐT Ninh Bình tổ chức cuộc họp “Sơ kết 3 năm thực hiện phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi và xây dựng trường đạt Chuẩn quốc gia” và nhận cờ công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Dự buổi lễ có bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Lê Văn Dung - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình; ông Vũ Văn Kiểm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình; đại diện các ban ngành, các phòng Giáo dục, giáo viên các trường trong tỉnh Ninh Bình.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình, trong những năm qua, quy mô trường lớp các cấp học của Ninh Bình tiếp tục được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời tỉnh Ninh Bình luôn xác định mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia (CQG) là cơ sở, điều kiện để giáo dục tốt và đảm bảo học sinh phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đó chính là hướng đi căn bản, toàn diện tạo đà cho GD&ĐT Ninh Bình phát triển.

Tính đến tháng 12/2013, toàn tỉnh Ninh Bình có 150 trường mầm non, 150 trường tiểu học, 142 trường THCS, 27 trường THPT, trong đó số trường đạt Chuẩn quốc gia là 350/460 trường, đạt tỷ lệ 71,8%.

Cấp học GDMN được coi là khó khăn nhất nhưng mấy năm gần đây đã có nhiều thay đổi nhờ có những chính sách quan tâm đầu tư của Chính phủ, bộ GD&ĐT và các cấp chính quyền, ban ngành ngành trong tỉnh. 

Các trường mầm non đã phủ đều khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đảm bảo ít nhất mỗi xã, phường, thị trấn có 1 trường mầm non. Số trường CQG cũng đạt khá cao 100/150 trường chiếm 66,7%.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các phòng Giáo dục nêu lên những thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuẩn bị các điều kiện phổ cập và xây dựng trường chuẩn quốc gia. 

Đa số các ý kiến đề nghị tiếp tục đầu tư, tu bổ, xây dựng các trường CQG để giữ vững, duy trì và nâng chuẩn lên mức độc 2, đặc biệt ưu tiên những vùng khó; Để duy trì bền vững phát triển phổ cập các cấp lãnh đạo Bộ, Tỉnh, các ban ngành cần xem xét tăng thêm biên chế giáo viên mầm non, nhân viên y tế, giáo viên âm nhạc, thể dục ở trường tiểu học và THCS…

Chia sẻ những thành quả đã đạt được và những khó khăn còn tồn tại của Giáo dục Ninh Bình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Ninh Bình là địa phương năng động, toàn diện, nằm trong tốp đầu cả nước về GD&ĐT và đạt chuẩn phổ cấp sớm ở tất cả các cấp. Hoàn thành Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đứng thứ thứ 8 trên cả nước. Đó cũng là một cơ hội để GDMN Ninh Bình phát triển.

Ninh Bình cũng là địa phương đi đầu về thực hiện xây dựng trường CQG. Tỉnh đã có những cơ chế, chính sách cùng với các địa phương trong tỉnh tạo nên những cú hích cho các trường đến tiến nhanh đến chuẩn. Giáo viên và học sinh có môi trường tốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thành tích phổ cập và xây dựng trường Chuẩn quốc gia là kết quả của sự quan tâm sâu sát của tỉnh khi triển khai các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT và của tỉnh. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa các cấp chính quyền, ban ngành, sự tâm huyết của các nhà giáo và nhân dân trong tỉnh.

Để duy trì và giữ vững kết quả phổ cập và trường CQG, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị tỉnh Ninh Bình: Tiếp tục nâng cao công tác xây dựng, tu bổ trường lớp để duy trì, nâng cao chất lương dạy và học; Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mạnh về đội ngũ, chất lượng và đồng bộ về cơ cấu; Duy trì bền vững và nâng cao mức chuẩn của phổ cập; Có cơ chế, chính sách để tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, bởi vì đó chính là giải pháp lâu dài để duy trì phổ cập; Đồng thời triển khai nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã tặng hoa và trao cờ công nhận Đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi cho tỉnh Ninh Binh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ