Ninh Bình nghiêm cấm sao chép trong cuộc thi khoa học kỹ thuật

GD&TĐ - Phòng GD&ĐT thành phố Ninh Bình đã hướng dẫn triển khai hoạt động NCKH và Cuộc thi KHKT cho học sinh THCS năm học 2022- 2023.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc thi diễn ra từ ngày 23- 25/11 tại trường THCS Lý Tự Trọng. Với cuộc thi cấp cơ sở, mỗi trường THCS là một đơn vị tổ chức Cuộc thi cấp cơ sở. Các đơn vị chủ động tổ chức Cuộc thi cấp cơ sở, thời gian hoàn thành trước 15/11.

Cuộc thi cấp thành phố: Phòng GD&ĐT là đơn vị tổ chức. Đối tượng dự thi là học sinh lớp 8, lớp 9 cấp THCS có kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực năm học 2021-2022 đạt từ khá trở lên.

Mỗi thí sinh chỉ được tham gia 1 dự án dự thi. Lĩnh vực dự thi thực hiện theo Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT. Nội dung thi là kết quả nghiên cứu của các dự án khoa học hoặc dự án kỹ thuật thuộc các lĩnh vực của Cuộc thi.

Dự án có thể của 1 học sinh hoặc của 2 học sinh. Dự án tập thể phải có sự phân biệt mức độ đóng góp khác nhau vào kết quả nghiên cứu của người thứ nhất (nhóm trưởng) và người thứ hai. Khuyến khích các dự án tập thể dự thi, đặc biệt những thí sinh có năng lực giao tiếp bằng Tiếng Anh tốt.

Mỗi dự án dự thi có 1 giáo viên bảo trợ, có thể đồng thời là người hướng dẫn do Hiệu trưởng nhà trường ra quyết định cử. Một giáo viên được bảo trợ tối đa 2 dự án của học sinh trong cùng thời gian. Người bảo trợ phải ký duyệt kế hoạch nghiên cứu trước khi học sinh tiến hành nghiên cứu. Người bảo trợ có thể đồng thời là người hướng dẫn khoa học;

Ngoài người bảo trợ do Hiệu trưởng cử, dự án dự thi có thể có thêm người hướng dẫn khoa học là các nhà khoa học chuyên ngành thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học công nghệ (có thể là cha mẹ, người thân của học sinh).

Trường hợp dự án có nhà khoa học chuyên ngành tham gia hướng dẫn thì phải có xác nhận của nhà khoa học chuyên ngành đó; Trường hợp dự án có nội dung nghiên cứu được thực hiện tại cơ quan nghiên cứu như trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học công nghệ phải có xác nhận của cơ quan nghiên cứu đó…

Mỗi trường THCS chọn cử 1 dự án tham dự Cuộc thi cấp thành phố (các trường THCS đã có dự án thi cấp tỉnh được cử thêm 1 dự án tham dự Cuộc thi cấp thành phố). Các dự án tham gia dự thi của mỗi đơn vị phải được chọn, cử từ cuộc thi cấp cơ sở và phải ở các lĩnh vực khác nhau đối với đơn vị có từ 2 dự án dự thi trở lên.

Đối với dự án tập thể nếu học sinh tối đa ở 2 trường THCS khác nhau tham gia dự thi thì giáo viên hướng dẫn phải là giáo viên của học sinh một trong hai trường mà học sinh theo học.

Sản phẩm chỉ được tính cho 1 đơn vị đăng ký tham gia dự thi (nếu đoạt giải tỉnh, Quốc gia thì kết quả sẽ được tính cho cả hai đơn vị có học sinh tham gia dự thi).

Dự án dự thi có thể đã đoạt giải ở các cuộc thi khác với Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học nhưng phải có cải tiến, bổ sung, hoàn thiện. Nghiêm cấm sao chép dự án của người khác làm dự án của mình để tham gia Cuộc thi, nếu phát hiện sẽ huỷ kết quả thi...

Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh THCS làm quen với NCKH, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; tạo cơ hội để học sinh giới thiệu kết quả NCKH; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập.

Gắn hoạt động NCKH của học sinh với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp, hình thức đánh giá kết quả học tập của học sinh, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Khuyến khích các trường THCS liên hệ với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân tham gia hỗ trợ hoạt động nghiên cứu KHKT của học sinh THCS.

Chuẩn bị cho học sinh THCS tiếp cận tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong trung học góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ