Ninh Bình: Không tổ chức lớp chọn ở cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở

GD&TĐ -Phòng GD&ĐT Thành phố Ninh Bình đã lên kế hoạch tuyển sinh lớp 1, lớp 6, trẻ mầm non năm học 2022-2023 với yêu cầu đảm bảo an toàn, đúng quy chế, công bằng, khách quan, minh bạch, thuận lợi cho học sinh và cha mẹ

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo đó, tuyển sinh lớp 6 với học sinh sinh từ tháng 1-12/2011, đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Các trường hợp khác áp dụng theo Điều 33, Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT.

Tuyển sinh lớp 1 với trẻ sinh từ tháng 1-12/2016, đã hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Các trường hợp khác áp dụng theo Điều 33, Thông tư số 28 của Bộ GD&ĐT.

Bậc học Mầm non sẽ tuyển sinh trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Các trường hợp khác áp dụng theo khoản 2 Điều 32, Thông tư số 52 của Bộ GD&ĐT.

Đối với các trường tư thục, nhóm trẻ và lớp mẫu giáo độc lập tư thục thực hiện việc tuyển sinh theo Đề án của nhà trường, kế hoạch hoạt động của nhóm lớp và đảm bảo theo đúng quy định.

Phát hành hồ sơ và nhận hồ sơ tuyển sinh đối với cấp THCS từ ngày 20-25/6; Xếp lớp, phân công giáo viên chủ nhiệm ngày 29/6; Hội đồng tuyển sinh nhà trường duyệt kết quả tuyển sinh ngày 30/6; Báo cáo kết quả tuyển sinh về Phòng GD&ĐT ngày 30/6.

Với cấp học Mầm non, Tiểu học sẽ phát hành hồ sơ và nhận hồ sơ tuyển sinh từ 18-24/7; Xếp lớp, phân công giáo viên chủ nhiệm từ 25-28/7; Hội đồng tuyển sinh nhà trường duyệt kết quả tuyển sinh ngày 29/7; Báo cáo kết quả tuyển sinh về Phòng GD&ĐT ngày 1/8.

Đáng chú ý, khâu tổ chức xếp lớp và phân công giáo viên được yêu cầu không tổ chức lớp chọn ở các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Thực hiện cách xếp lớp đối với lớp 1 và lớp 6 đảm bảo nguyên tắc công bằng, khách quan, công khai, minh bạch.

Những trường hợp phát sinh sau tuyển sinh, các nhà trường lập danh sách báo cáo Phòng GD&ĐT để tiếp tục tổ chức thực hiện cách xếp lớp đảm bảo công khai, minh bạch, có sự giám sát của Ban đại diện cha mẹ học sinh và đoàn giám sát thành phố.

Đối với học sinh khuyết tật, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm việc xếp lớp để đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho học sinh. Sau khi đã thực hiện việc xếp lớp, tuyệt đối các trường không được thay đổi học sinh giữa các lớp.

Hiệu trưởng căn cứ vào tình hình đội ngũ giáo viên để lựa chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn, nhiệt tình, có kinh nghiệm, có uy tín để đảm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp và công tác giảng dạy đối với những lớp đầu cấp. Việc phân công giáo viên chủ nhiệm đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch.

Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trước Phòng GD&ĐT, UBND thành phố về việc tuyển sinh, xếp lớp và phân công giáo viên theo quy định. Không để xảy ra các ý kiến thắc mắc, kiến nghị của học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và nhân dân về cách xếp lớp và phân công giáo viên của nhà trường.

Ngoài ra Phòng GD&ĐT cũng yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phải xây dựng kế hoạch tuyển sinh và báo cáo Phòng GD&ĐT theo lịch quy định. Tổ chức thông tin, tuyên truyền tới cha mẹ học sinh về công tác tuyển sinh lớp 1, lớp 6 và trẻ em mầm non, đặc biệt công khai việc xếp lớp đối với lớp 1, lớp 6 năm học 2022-2023.

Phải thực hiện kế hoạch tuyển sinh lớp 1, lớp 6 và trẻ em mầm non theo đúng nội dung đã được phê duyệt; đảm bảo yêu cầu chính xác, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch. Bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trên địa bàn được phân công.

Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của các cấp trong thời gian thực hiện công tác tuyển sinh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?