Theo đó đặt ra yêu cầu triển khai đối với tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của các đơn vị. Các hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện thường xuyên, liên tục chất lượng, không hình thức. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc triển khai các giải pháp nâng chất lượng dạy học Tiếng Anh.
Để xây dựng môi trường học tập và sử dụng Tiếng Anh, Sở GD&ĐT yêu cầu lập tài khoản Facebook (mang tên nhà trường) kết bạn với tài khoản Facebook của Sở GD&ĐT về dạy-học Tiếng Anh (tên English Ninh Binh DEOT), mỗi khi đăng tải các thông tin/hình ảnh/video về hoạt động giáo dục liên quan đến môn Tiếng Anh lên trang Facebook của nhà trường thì gắn thêm tài khoản Facebook của Sở.
Lập trang Youtube (mang tên nhà trường), cập nhật các video “Trường em mỗi tháng) (video clip khoảng 10-15 phút về hoạt động của trường mình trong tháng, huy động nhiều nhất số giáo viên và học sinh tham gia)...
Phát triển phong trào giáo viên, học sinh tự học Tiếng Anh qua các hình thức phù hợp. Triển khai việc lập tài khoản tự luyện Tiếng Anh trực tuyến cho 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 trên trang web: ioe.vn; hoặc một trong các cuộc thi: Vì Ninh Bình giỏi Tiếng Anh (lớp 3-5); Trạng nguyên toàn tài; Giải toán bằng Tiếng Anh...; Tạo điều kiện cho mỗi học sinh tự luyện các vòng thi hàng tuần. Sở GD&ĐT sẽ thống kê và thông báo rộng rãi số học sinh tham gia theo từng khối lớp của từng trường...
Trong tổ chức dạy, học và kiểm tra đánh giá yêu cầu đảm bảo dạy học đủ thời lượng theo yêu cầu của chương trình; đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu của từng cấp học theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế (Tiểu học – a1 (bậc 1); THCS- A2 (bậc 2); THPT – B1 (bậc 3)).
Thực hiện xã hội hóa để tăng thời lượng dạy và học theo điều kiện của từng cơ sở giáo dục trên tinh thần tự nguyện phù hợp với đối tượng học sinh, không gây quá tải; tập trung nâng cao kỹ năng nghe, kỹ năng nói giúp học sinh phát triển năng lực sử dụng Tiếng Anh trong học tập và giao tiếp.
Căn cứ điều kiện giáo viên hiện có của đơn vị, tăng thời lượng dạy học so với yêu cầu của chương trình đối với từng cấp học. Liên kết dạy học Tiếng Anh có giáo viên người nước ngoài theo Hướng dẫn số 53 của Sở GD&ĐT; Triển khai dạy học Toán, Khoa học bằng Tiếng Anh đối với môn Toán và môn Khoa học đối với các cấp học...
Trong khâu kiểm tra, đánh giá học sinh yêu cầu khảo sát học sinh hoàn thành Chương trình Tiếng Anh tiểu học (học sinh lớp 5) theo định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng Tiếng Anh bậc 1 theo Quyết định 1479 của Bộ GD&ĐT;
Bài kiểm tra định kỳ cấp THCS, THPT đảm bảo tỉ lệ điểm các nội dung: Kỹ năng nghe (20%); Kỹ năng đọc (20%); Kỹ năng nói (20%); Kiến thức ngôn ngữ (20%).
Kiểm tra theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế: Khuyến khích các đơn vị liên kết với các Trung tâm khảo thí quốc tế được ủy quyền tại Việt Nam để tổ chức thi chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế; đặc biệt chú trọng học sinh cuối cấp, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định đầu ra mỗi cấp học. Khuyến khích, động viên học sinh THPT đăng kí thi chứng chỉ Tiếng Anh Quốc tế IELTS nhằm nâng cao điều kiện xét tuyển thẳng đại học và đăng kí du học.
Cùng đó kế hoạch cũng đặt ra các yêu cầu về nâng cao chất lượng đội ngũ; Nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn.
Kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao, tạo bước phát triển bền vững và đột phá về chất lượng dạy-học Tiếng Anh trong các trường phổ thông. Đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Tiếng Anh theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế. Xây dựng phong trào, phát triển môi trường học và sử dụng Tiếng Anh; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế. Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên Tiếng Anh các cấp trên địa bàn tỉnh đáp ứng mục tiêu yêu cầu cần đạt của môn học trong Chương trình GDPT 2018.