Nigeria: Học sinh chuyển hướng du học vì nạn bắt cóc

GD&TĐ - Khi nguy cơ bị bắt cóc đòi tiền chuộc tăng cao, học sinh, sinh viên Nigeria sợ phải đến trường. Nhiều em đã bỏ học để bảo vệ an toàn cho bản thân trong khi số khác tìm cách đi du học.

Trường học Nigeria vắng bóng học sinh.
Trường học Nigeria vắng bóng học sinh.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), năm 2021, Nigeria xảy ra 20 vụ tấn công nhắm vào trường học khiến hơn 1.400 học sinh bị bắt cóc. Trong đó, 16 em thiệt mạng. Khoảng 1 triệu trẻ em có khả năng không quay lại trường học trong khi nhiều cơ sở giáo dục phải tạm đóng cửa sau những vụ bắt cóc.

Khi các vụ tấn công nhằm vào trường học gia tăng, phụ huynh Nigeria rơi vào tình thế khó xử. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị giằng xé giữa việc giữ con ở nhà để bảo đảm an toàn nhưng mất kiến thức hoặc gửi con đến trường học nằm ở vùng sâu vùng xa, nơi các tay súng chưa dòm ngó tới.

Các gia đình khá giả chọn phương án du học nhưng vẫn gặp nhiều thách thức vì học sinh, sinh viên đã chịu tác động tâm lý tiêu cực từ vụ bắt cóc. Khi đến môi trường mới, các em trở nên dễ bị tổn thương, khép mình.

Ước tính, khoảng 25 học sinh, sinh viên từng bị bắt cóc đang dồn các nguồn lực với hy vọng rời Nigeria đến học tập tại một số quốc gia khác như Mỹ, Canada. Nhiều người không chắc chắn sẽ được nhận nhưng vẫn hy vọng có thể tìm học bổng để trang trải học phí.

Chuyên gia giáo dục Abdullahi Usman cho biết: “Nếu học sinh rời khỏi đất nước, đồng nghĩa các em phải bắt đầu lại chương trình học tại một quốc gia khác. Với sinh viên, các em mất ít nhất là 3 năm. Trong khi đó, gia đình cũng không đủ điều kiện do phải vật lộn tìm cách trả tiền chuộc. Vấn đề hiện nay vô cùng nan giải”.

Sinh viên Emmanuel Benson, 24 tuổi, dự định tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cơ giới Lâm nghiệp liên bang Nigeria vào năm 2022. Tuy nhiên, thời điểm này, anh Benson không sẵn sàng mạo hiểm trở lại trường học sau khi bị bắt cóc bởi các tay súng.

Anh Benson bày tỏ: “Cuộc sống của sinh viên Nigeria, đặc biệt tại bang Kaduna, đang gặp rủi ro. Dù chúng tôi muốn hoàn thành việc học, những vụ bắt cóc chưa có dấu hiệu chấm dứt. Chúng tôi không thể ở lại”.

Liên Hợp Quốc ước tính tại đất nước hơn 200 triệu dân này, 10 triệu trẻ em đã ngừng đến trường, một trong những tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu. Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Nigeria, 46 triệu học sinh Nigeria đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học do hậu quả của đại dịch.

Ông, Badar Musa, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế tại Nigeria cho biết: “Chính phủ Nigeria cần có kế hoạch chuẩn bị tốt hơn cho hệ thống giáo dục để ứng phó với khủng hoảng. Cần tăng cường đầu tư vào hệ thống giáo dục từ chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế”.

Nạn bắt cóc trong trường học bắt nguồn từ bạo lực ở Tây Bắc và miền Trung Nigeria giữa những người chăn nuôi gia súc du mục và nông dân địa phương. Họ tranh chấp đất canh tác, khu vực chăn thả và nguồn nước.

Dần dần, những cuộc tấn công có thêm sự xuất hiện của các băng nhóm tội phạm có vũ khí, nhắm vào trường học, học sinh để đòi tiền chuộc. Điều này khiến học sinh, phụ huynh không dám trở lại trường học và có thể phải bỏ học vĩnh viễn.

Theo AP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.