Niềm vui Vàng Đán

GD&TĐ - Đến Vàng Đán những ngày này, chúng tôi thấy được niềm vui hiện lên trên khuôn mặt, đôi mắt của những đứa trẻ vùng cao biên giới khó khăn.

Học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Vàng Đán được tặng học bổng.
Học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Vàng Đán được tặng học bổng.

Các em vui bởi ngôi trường khang trang vừa được khánh thành. Đây sẽ là chỗ học tập, ăn ở cho các em trong chặng đường sắp tới.

Trường mới

Trường phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Vàng Đán huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) xây dựng từ năm 2020 với tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc hỗ trợ 70%. Sau gần 2 năm xây dựng, ngôi trường được hoàn thiện khang trang, sạch đẹp, góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học và dạy của thầy trò nơi đây.

Tại Lễ khánh thành (ngày 19/5), ông Lê Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc chia sẻ: “Đây là hoạt động an sinh xã hội mà công ty đã và đang nỗ lực triển khai nhằm đồng hành cùng ngành GD-ĐT vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học”.

Nậm Pồ là huyện miền núi, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 55%. Sau 9 năm thành lập, đến nay huyện đã và đang phát triển từng ngày. Song địa phương này vẫn còn đó những khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt đối với ngành GD-ĐT.

“Thiếu thốn về cơ sở vật chất là một trong những khó khăn rất lớn của ngành. Dù các cơ sở giáo dục không còn tình trạng nhà tạm bợ, song nhiều nơi vẫn phải sử dụng phòng học 3 cứng và lớp ghép”, ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ thông tin đồng thời cho hay: Rào cản lớn nhất là phòng ở tại trường có học sinh bán trú. Nậm Pồ có trên 7.000 học sinh diện này. Tuy nhiên, phòng ở mới đáp ứng cho khoảng 50% nhu cầu. Hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh hầu như các trường đều chưa có.

Trong những năm qua, ngoài vốn đầu tư của Nhà nước, ngành GD-ĐT Nậm Pồ thường xuyên được các tổ chức từ thiện và nhà hảo tâm giúp đỡ để từng bước kiên cố hóa trường, lớp học. “Thời gian tới, ngoài vốn đầu tư mà phòng GD&ĐT đã đăng ký và được phê duyệt, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nhà hảo tâm hỗ trợ để kiên cố hóa trường, lớp, cũng như đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trên địa bàn” – ông Chiến chia sẻ.

Lễ khánh thành Trường phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Vàng Đán.
Lễ khánh thành Trường phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Vàng Đán.

Hết cảnh “học nhờ”

Cách trung tâm huyện 19km, Vàng Đán là xã đặc biệt khó khăn của Nậm Pồ với địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Hiện xã có 7 bản, 636 hộ với trên 3.700 nhân khẩu. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 66%.

Khi thành lập huyện Nậm Pồ (năm 2013), xã Vàng Đán chỉ có 1 trường tiểu học với 30 lớp, 468 học sinh. Cả xã không có trường mầm non và THCS. Đến năm 2018, Vàng Đán có thêm 1 trường mầm non đi vào hoạt động. Còn với học sinh THCS, nhiều năm qua phải đi học “ké” tại các xã lân cận như Nà Hỳ, Nà Bủng (cách nhà chừng 15 - 20 km).

Trường mới được xây dựng, năm học tới, học sinh THCS ở Vàng Đán sẽ không còn phải đi “học nhờ”. Ông Giàng Súa Xá, bản Nộc Cốc 2  có 2 con đang theo học tại ngôi trường này chia sẻ niềm vui: “Hằng ngày ở trên nương, hôm nào đi đón con phải về sớm hơn 1 tiếng. Giờ trường ở gần nhà, nếu bố mẹ bận việc, trẻ có thể tự về được”.

Ông Giàng A Trang, Trưởng bản Ham Xoong 1 có con lớn học tại Trường phổ thông DTBT THCS Nà Bủng (xã Nà Bủng), con bé học tiểu học ở Vàng Đán. “Cấp THCS được về học ở Vàng Đán, tôi vui lắm. Từ nhà đến 2 xã đều cách 7km, nhưng khi 2 cháu về học cùng 1 trường sẽ thuận tiện cho việc đưa đón, cha mẹ có thời gian đi làm”, ông Giàng A Trang trao đổi.

Theo cô Trịnh Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Vàng Đán, để chuẩn bị đón học sinh THCS, thầy cô đã xuống tận bản, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát và vận động phụ huynh đưa con em ở trường khác về Vàng Đán.

“Qua rà soát, cấp THCS có 350 em đang theo học ở các xã khác. Chúng tôi đã vận động và các em đồng ý về trường học trong năm tới. Trường mới xây dựng được dành cho học sinh THCS. Còn bậc tiểu học sẽ ở tại cơ sở cũ, cách trường THCS khoảng 3km” – cô Thơm cho biết.

Dự kiến, năm học 2022 – 2023, Trường phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Vàng Đán có 23 lớp tiểu học với 575 học sinh và 10 lớp THCS với 360 em. Theo thầy Nguyễn Tiến Thành, Hiệu trưởng nhà trường, phần lớn học sinh chuyển từ Nà Bủng về nên trang thiết bị phục vụ dạy và học được lấy ở đó sang. Một số thiết bị còn thiếu, ban giám hiệu đã lập tờ trình để mua sắm bổ sung. Đối với đội ngũ giáo viên, ngoài biên chế từ trường cũ về, phòng GD&ĐT sẽ điều chuyển trong toàn huyện để đáp ứng nhu cầu giảng dạy.

Phòng học khang trang, chỗ ở cho gần 200 học sinh nội trú cơ bản đáp ứng nhu cầu. Để chuẩn bị cho năm học tới, thầy cô lại tranh thủ những ngày nghỉ hè lên bản vận động phụ huynh mua sách giáo khoa cho con. “Năm học đầu tiên triển khai nhiệm vụ dạy và học liên cấp, chúng tôi sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục nơi vùng biên” - thầy Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ