Hàng trăm suất quà và học bổng đã được trao cho học sinh khó khăn ở huyện vùng sâu biên giới.
Ngày hạnh phúc của học sinh biên giới
Bù Gia Mập là một huyện biên giới (giáp với Campuchia) của Bình Phước. Vài năm trở lại đây dù nhận được nhiều sự quan tâm và chăm lo từ Đảng và Nhà nước, đời sống người dân đã dần được cải thiện và khá lên.
Tuy vậy, với đặc thù địa lý là một huyện vùng xa với nhiều thành phần dân tộc cùng cư trú như S"tiêng, Khmer, Tày, M" nông, Thái... học sinh tại các điểm trường nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thấu hiểu và san sẻ những khó khăn với học sinh nơi đây, chương trình "Tiếp sức đến trường năm 2022" của Báo Giáo dục và Thời đại cùng các mạnh thường quân đã trao tặng 200 phần quà và 100 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi. Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của ngành trong việc chia sẻ với giáo dục vùng khó.
Chia sẻ tại chương trình, Nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại kiêm Trưởng cơ quan Thường trú tại TPHCM cho biết, Báo Giáo dục và Thời đại là cơ quan ngôn luận của Bộ GD&ĐT. Trong các năm qua, bên cạnh công tác truyền thông đồng hành với ngành, Báo luôn nỗ lực chia sẻ với giáo dục vùng khó.
"Chương trình công tác xã hội "Tiếp sức đến trường" do Báo khởi xướng là một hoạt động thường niên của đơn vị trong nhiều năm qua. Thông qua chương trình hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi vùng miền của tổ quốc đã được đồng hành, chia sẻ và tiếp thêm "ngọn lửa" tri thức.
Với tinh thần tương thân tương ái và luôn đồng hành cùng các thế hệ thầy cô, giáo, học sinh trên cả nước, Ban biên tập, đội ngũ phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại mong muốn sẽ góp một phần nhỏ sức mình để giúp các em học sinh nơi đây vơi bớt khó khăn"-Nhà báo Dương Thanh Hương cho biết.
Ấm áp yêu thương
Phát biểu tại chương trình, ông Lê Văn Công, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Gia Mập cho biết: Bù Gia Mập là huyện miền núi, biên giới phía Bắc của tỉnh Bình Phước, có 8 đơn vị hành chính cấp xã, 3 xã khu vực 3 (xã đặc biệt khó khăn), 2 xã biên giới và 4 thôn đặc biệt khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số có 6.367 hộ với 29.203 khẩu, chiếm 36,62 % dân số toàn huyện.
Theo chia sẻ của ông Công, nhiều năm qua, học sinh các trường trên địa bàn đón nhận sự quan tâm sâu sắc của các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến thăm và tặng quà, học bổng. Đồng thời các trường học được hỗ trợ công trình nước sạch, xây dựng nhà vệ sinh, phòng học tại các điểm lẻ của trường, học sinh có thêm điều kiện để tổ chức hoạt động giáo dục ngày càng tốt hơn.
“Thay mặt lãnh đạo ngành giáo dục huyện Bù Gia Mập, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Báo Giáo dục và Thời đại, Cơ quan thường trú tại TPHCM cùng các nhà tài trợ đã tổ chức sự kiện Chương trình Tiếp sức đến trường, tặng quà, học bổng cho các em học sinh khó khăn vượt khó trong học tập, rèn luyện.
Thời gian tới, ngành giáo dục huyện Bù Gia Mập kính mong lãnh đạo Báo Giáo dục và Thời đại, lãnh đạo Sở GD&ĐT huyện Bình Phước cùng các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn, các trường ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa có thêm điều kiện để thực hiện tổ chức các hoạt động giáo dục ngày càng đảm bảo, chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn”, ông Lê Văn Công bày tỏ mong muốn.
Đến với chương trình từ rất sớm, chị Ngô Thị Nga - phụ huynh của em Hoàng Phương Linh, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Đắk Ơ cho biết nghe tin cháu có trong danh sách nhận học bổng của chương trình tôi đã rất vui, nên hai mẹ con đến từ khá sớm dù nhà cách đây gần 8 km.
"Nhà có hoàn cảnh khó khăn nên việc được nhận quà là tập vở, sách, bút cùng học bổng của chương trình mang đến niềm vui lớn cho bản thân tôi cũng như con. Phần thưởng của chương trình như một sự ghi nhận, động viên cháu rất lớn. Cháu đã rất vui và háo hức khi đến với chương trình "Tiếp sức đến trường" của Báo Giáo dục và Thời đại " - chị Nga nói.
Chia sẻ với chương trình trong vai trò là đơn vị đồng hành, ông Nguyễn Hoàng Quân - Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến cho biết: "Chương trình nhân văn và thấm đẫm tinh thần sẻ chia của Báo Giáo dục và Thời đại với học sinh vùng khó trên cả nước không chỉ đọng lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng đội ngũ thầy cô, giáo, học trên cả nước, mà sức lan tỏa của chương trình ngày một lớn hơn khi các doanh nghiệp, trường ĐH-CĐ trên cả nước luôn sẵn sàng đồng hành và tham gia nhằm mang đến cho học sinh những tiếng cười, niềm vui trước thềm mỗi năm học mới".
"Với triết lý "Thành Nhân trước thành Danh", Trường ĐH Văn Hiến luôn coi trọng các giá trị nền tảng trong việc xây dựng và định hình các giá trị sống tốt đẹp cho học sinh. Hàng năm, Trường ĐH Văn Hiến luôn dành hàng chục tỉ đồng cho Quỹ học bổng để đồng hành và hỗ trợ cho học sinh - sinh viên. Vì vậy, với chương trình giàu ý nghĩa như thế này, chúng tôi thật sự thấy hạnh phúc khi được đồng hành với Báo"- ông Quân nói.