Niềm vui trong những ngôi nhà mới

GD&TĐ - 28 hộ dân với gần 140 nhân khẩu ở xóm chài xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) vừa được sống trong những căn nhà mới khang trang.

Bà Nguyễn Thị Hoạt sải bước trước khu nhà xây mới, rực sắc đỏ cờ Tổ quốc.
Bà Nguyễn Thị Hoạt sải bước trước khu nhà xây mới, rực sắc đỏ cờ Tổ quốc.

Khi giấc mơ... thành hiện thực

Về thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), những ngày cuối tháng 8 chúng tôi cảm nhận bầu không khí tràn ngập sự tươi mới. 28 căn nhà kiên cố thuộc khu định cư Đồng Sau Cách được chính quyền địa phương hoàn thiện, kịp bàn giao cho 28 hộ dân với gần 140 nhân khẩu đúng dịp mừng Quốc khánh năm nay.

Đây đều là những hộ dân lênh đênh trên sông nước, chưa có đất ở tại xã Thiệu Vũ. Khu định cư mới Đồng Sau Cách (thôn Lam Đạt) được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt xây dựng với quy mô rộng hơn 1 ha, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Tổng mức đầu tư dự án gần 6,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện...

Nhìn từ xa, khu định cư mới Đồng Sau Cách của bà con xóm chài nổi bật với dãy nhà khang trang đẹp như “khu biệt thự”. Đặc biệt, những căn nhà mới đều được đánh số thứ tự kèm địa chỉ rõ ràng. Trước cổng nhà còn rực sắc đỏ bởi những lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió.

Trong căn nhà mới khang trang, bà Nguyễn Thị Phượng (65 tuổi, thôn Lam Đạt) không giấu được niềm xúc động. Gần cả cuộc đời lênh đênh trên sông nước, ở tuổi xế chiều bà Phượng không nghĩ rằng, giấc mơ lên bờ ấp ủ từ thuở đôi mươi nay đã thành hiện thực.

Bà Nguyễn Thị Phượng phấn khởi khi được lên bờ, sống trong căn nhà mới.

Bà Nguyễn Thị Phượng phấn khởi khi được lên bờ, sống trong căn nhà mới.

Theo lời kể, từ thời ông bà rồi đến bố mẹ bà Phượng đã sinh sống trên sông nước. Lớn lên, bà cũng theo bố mẹ bám sông mưu sinh, không có điều kiện học hành. Đến tuổi cập kê, bà Phượng xây dựng gia đình, cùng chồng và các con vẫn sinh sống theo tập quán của ông cha.

“Ngày còn ở dưới sông, cả gia đình 5 người nhà tôi sống trên chiếc thuyền rộng chừng 4 m2. Mỗi khi đến mùa mưa bão, tính mạng của cả nhà cũng phập phồng theo con nước. Nhiều hôm mưa to, cả nhà phải thay nhau tát nước ra khỏi thuyền. Dù dòng nước cuồn cuộn nhưng vẫn phải cố chống chọi, giữ thuyền cho bằng được”, bà Phượng trải lòng.

Do hoàn cảnh khó khăn nên hai cháu nội của bà Phượng cũng chỉ được học hết tiểu học, rồi phải theo chân gia đình kiếm cơm trên sông. “Nghề sông nước bấp bênh lắm, có ngày kiếm được 300.000 - 400.000 đồng nhưng cũng có khi cả tuần trời chẳng kiếm được đồng nào”, bà Phượng bùi ngùi tâm sự.

Bà Hoạt chăm sóc các cháu trong căn nhà mới của mình.

Bà Hoạt chăm sóc các cháu trong căn nhà mới của mình.

Giờ được lên bờ an cư lạc nghiệp, bà Phượng mừng rỡ nói: “Sung sướng vô cùng cô ạ! Cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm đến cuộc sống của dân chài. Với tôi, ước mơ thuở xưa nay đã thành hiện thực”.

Ngoài được cấp đất ở với diện tích 150 m2, gia đình bà Phượng còn được hỗ trợ thêm 150 triệu đồng để xây nhà. Sau khoảng 2 tháng thi công, ngôi nhà mới khang trang, vững chắc đã được hoàn thiện, với 1 phòng khách, 2 phòng ngủ và khu công trình phụ gồm bếp ăn, nhà vệ sinh.

Cũng như bà Phượng, bà Nguyễn Thị Hoạt (67 tuổi, thôn Lam Đạt) giờ đã có những giấc ngủ ngon trong căn nhà mới sáng trưng, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương. Gần cả cuộc đời lênh đênh trên sông mưu sinh qua ngày, bà Hoạt không nghĩ rằng sẽ có ngày được lên bờ an cư lạc nghiệp.

Ở tuổi xế chiều, bà Hoạt không có con cái nên việc được cấp đất xây nhà với bà là niềm an ủi lớn lao lúc tuổi già. “Giờ đây, không còn phải lênh đênh trên sông nước, chúng tôi phấn khởi vô cùng. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm chăm lo đến cuộc sống của dân chài”, bà Hoạt bộc bạch.

Khu định cư mới của bà con dân chài thôn Lam Đạt đẹp và khang trang.

Khu định cư mới của bà con dân chài thôn Lam Đạt đẹp và khang trang.

Tạo kế sinh nhai, ổn định cuộc sống

Ông Lê Đăng Đỉnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thiệu Vũ - cho biết: Khu định cư mới Đồng Sau Cách thuộc thôn Lam Đạt có tổng diện tích khoảng 4.200 m2, với tổng số 28 căn nhà được xây dựng đồng bộ. Trung bình mỗi căn nhà có diện tích từ 100 - 150 m2, tùy vào số lượng nhân khẩu.

“Chúng tôi đang khảo sát các nhân khẩu trong độ tuổi lao động để giới thiệu việc làm tại các công ty may mặc hoặc giày da. Với bà con hết tuổi lao động có thể tạo kế sinh nhai bằng nghề thủ công đan lát...”, ông Đỉnh thông tin.

Để giới thiệu việc làm cho bà con xóm chài, chính quyền xã Thiệu Vũ dự tính sẽ phối hợp với các đơn vị đào tạo nhiều ngành nghề không đòi hỏi về trình độ văn hóa, như nghề thủ công đan lát, sửa chữa máy móc, điện dân dụng... Với những hộ dân có nhu cầu sản xuất, chăn nuôi, xã Thiệu Vũ cũng đang xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn và quỹ đất giúp bà con triển khai, cải thiện chất lượng cuộc sống khi lên bờ.

Tại buổi lễ khánh thành và bàn giao nhà ở cho người dân tại khu định cư Đồng Sau Cách, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Đây là chương trình hết sức ý nghĩa. Sau một thời gian với những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền huyện Thiệu Hóa, dự án đã được hoàn thiện, khang trang. Chính quyền địa phương cần khẩn trương nghiên cứu tạo sinh kế lâu dài cho bà con. Những hộ dân đã lên bờ có nhà ở cần phải tập trung chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, tăng gia sản xuất và chăm lo học hành cho con em, sớm ổn định cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ