Niềm vui có máy tính của hàng nghìn học sinh nghèo trước thềm năm học

GD&TĐ - Nhờ gói vay hỗ trợ từ Nghị quyết 11, trong năm học mới này, hàng nghìn học sinh, sinh viên nghèo tại Thanh Hoá đã có cơ hội được mua máy tính, tiếp cận công nghệ thông tin, phục vụ công việc học trực tuyến…

Hàng nghìn học sinh, sinh viên tại Thanh Hoá đã được tiếp cận gói vay hỗ trợ từ Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Hàng nghìn học sinh, sinh viên tại Thanh Hoá đã được tiếp cận gói vay hỗ trợ từ Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Học sinh nghèo có máy tính trước thềm năm học

Là gia đình thuần nông lại trải qua đợt dịch Covid-19 khiến cuộc sống khó khăn, tuy nhiên nhu cầu của các con Chị Nguyễn Thị Nhung (ở xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá) lại rất cần có máy tính để phục vụ cho việc học tập. Nhờ gói vay từ Nghị quyết 11, chị Nhung đã có thể mua máy tính cho hai con.

“Trước đây, khi dịch con phải dùng điện thoại học rất khó khăn, từ khi có máy, việc học của con cũng dễ dàng, thuận lợi hơn”, chị Nhung chia sẻ.

Ông Vũ Bá Anh, tổ dân phố Hồ Trung, phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) cho biết, gia đình cũng rất muốn sắm cho con máy tính để tiện cho công việc học tập, đặc biệt là học online khi dịch Covid-19. Tuy nhiên, với mức thu nhập trung bình thì việc mua 1 chiếc máy tính trị giá cả chục triệu đồng đối với gia đình là rất khó khăn.

“Năm học mới này, gia đình đã mua máy mới cho các con học nhờ gói vay hỗ trợ từ Nghị quyết 11 của Chính phủ, lãi suất thấp nên gia đình mới có thể lo liệu được”, ông Anh nói.

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hàng nghìn học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã được tạo điều kiện vay mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập.

Đối tượng cho vay là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (có bố hoặc mẹ hoặc bố và mẹ chết do dịch Covid-19); hộ không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức.

Mức vốn cho vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Lãi suất cho vay 1,2%/năm.

Với 542 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay mua máy tính, thị xã Nghi Sơn là địa phương có số học sinh, sinh viên được thụ hưởng chính sách ưu đãi từ Nghị quyết 11 nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách thị xã Nghi Sơn từ tháng 4/2022 đến nay đã giải ngân được 5,4 tỷ đồng.

Tại huyện Hoằng Hoá có 120 học sinh, sinh viên, số tiền mà Ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân là 1,2 tỷ đồng; huyện Quảng Xương có 100 đối tượng, số tiền giải ngân là 1 tỷ đồng…

Đã có hơn 4.000 học sinh, sinh viên tiếp cận gói hỗ trợ

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Nghi Sơn đánh giá: “Đây là chương trình rất có ý nghĩa của Đảng, Chính phủ hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình không chỉ kịp thời tiếp sức cho các em học sinh, sinh viên nghèo có đủ điều kiện học tập mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học để thích ứng linh hoạt trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ…”.

“Đây là sự hỗ trợ rất thiết thực từ Chính phủ, qua đó các em có thêm thiết bị hỗ trợ thực hành và học tập trực tuyến. Các em học sinh, sinh viên và gia đình rất vui mừng và phấn khởi khi kịp thời mua máy tính cho con trước thềm năm học mới”, ông Vương Hùng Cường, Giám đốc Phòng giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoằng Hoá chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện toàn tỉnh có 4.291 học sinh, sinh viên được vay mua máy tính, số tiền giải ngân là gần 43 tỷ đồng.

“Có thể nói, đây là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các Phòng giao dịch cấp huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền, phổ biến để ngày càng nhiều học sinh, sinh viên khó khăn kịp thời có máy tính phục vụ cho việc học tập”, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ