Mùa hè không nghỉ của thầy cô trước thềm năm học mới

GD&TĐ - Để đáp ứng tốt yêu cầu Chương trình mới, giáo viên các trường đã tích cực tham gia các buổi tập huấn, bồi dưỡng trong thời gian nghỉ hè. Nhiều thầy, cô giáo còn tranh thủ thời gian nghỉ trau dồi thêm các kỹ năng, phương pháp giảng mới để mang tới những giờ học sinh động, hấp dẫn.

Chương trình tăng cường Tiếng Việt cho trẻ được Trường Mầm non Nhi Sơn thực hiện xuyên suốt năm học.
Chương trình tăng cường Tiếng Việt cho trẻ được Trường Mầm non Nhi Sơn thực hiện xuyên suốt năm học.

Tập huấn, bồi dưỡng Chương trình mới

Kết thúc năm học 2021-2022, cô giáo Phùng Thanh Tâm, giáo viên (GV) Ngữ văn, Trường THCS Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lại tất bật với công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

“So với năm trước, đợt tập huấn, bồi dưỡng Chương trình mới của năm nay được diễn ra sớm hơn. Điều này giúp GV dễ dàng hình dung nội dung chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 7. Đồng thời, tạo điều kiện để GV tiếp cận, thiết kế giáo án một cách phù hợp”, cô Tâm chia sẻ.

Theo cô Tâm, buổi tập huấn cũng có sự tham gia của các chủ biên nên GV dễ dàng hiểu hơn về nội dung, cách xây dựng Chương trình mới. Tuy nhiên, với Chương trình SGK mới lớp 6, lớp 7 đòi hỏi GV trau dồi thêm nhiều kiến thức, phương pháp giảng dạy và kể cả việc sử dụng thành thạo công nghệ thông tin…

Thầy Cao Xuân Hợi – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tén Tằn (Mường Lát, Thanh Hóa) đánh giá cao vai trò của đợt tập huấn, bồi dưỡng Chương trình mới do Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức.

“Mặc dù thời gian cho các buổi tập huấn, bồi dưỡng không quá dài và đông học viên, song đa số cán bộ, GV đều tiếp thu khá tốt. Về nội dung, so với SGK cũ, chương trình SGK mới có cách trình bày sinh động hơn nên việc giảng dạy cũng như tiếp thu kiến thức của học sinh cũng dễ dàng hơn”, thầy Hợi chia sẻ.

Học sinh lớp 9, Trường THCS Tén Tằn (Mường Lát, Thanh Hóa) trong tiết học hoạt động ngoài trời sáng thứ Hai hàng tuần.

Học sinh lớp 9, Trường THCS Tén Tằn (Mường Lát, Thanh Hóa) trong tiết học

hoạt động ngoài trời sáng thứ Hai hàng tuần.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn đối với GV giảng dạy Chương trình mới ở khu vực miền núi theo thầy Hợi là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn GV cử tuyển nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ.

“Chương trình mới mang tính tích hợp nhiều môn, nếu tiếp thu tốt thì việc triển khai cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả Chương trình mới với khu vực miền núi đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều công tác khác nhau, ngoài đổi mới phương pháp cùng cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị…”, thầy Hợi nói.

Dự kiến từ tháng 8 tới, Trường THCS Tén Tằn sẽ tổ chức các buổi kiểm duyệt, trao đổi đối với cán bộ, GV nhà trường về phương pháp, nhiệm vụ triển khai Chương trình mới để đạt hiệu quả tốt nhất khi bắt đầu diễn ra năm học 2022-2023.

Hiện nhiều GV của nhà trường cũng đang tận dụng khoảng thời gian nghỉ hè, trau dồi thêm các phương pháp giảng dạy để đáp ứng tốt yêu cầu của Chương trình mới.

Tăng cường Tiếng Việt trước thềm năm học mới

Đây là công việc của nhiều Trường Mầm non trên địa bàn huyện Mường Lát (Thanh Hóa) trước thềm năm học mới.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức họp hội đồng chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức họp hội đồng chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Bà Vũ Thị Lâm, cán bộ phụ trách bậc học Mầm non (Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát) cho biết, công tác tăng cường Tiếng Việt cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 có vai trò rất quan trọng. Bởi, nếu trẻ không biết Tiếng Việt sẽ gây khó khăn trong việc lĩnh hội kiến thức, từ đó gây ra hệ lụy bất đồng ngôn ngữ giữa thầy và trò.

Tại huyện Mường Lát, công tác tăng cường Tiếng Việt cho trẻ được các trường triển khai từ tháng 8 đến hết năm học. Ngay từ tháng 8, Phòng GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn, phổ biến nội dung mới. Sau đó, các trường sẽ phổ biến lại nội dung, tổ chức đón trẻ, làm quen với Tiếng Việt trước khi khai giảng năm học mới.

Đối với Trường Mầm non Nhi Sơn (Mường Lát) công tác tăng cường Tiếng Việt cho trẻ được thực hiện từ tháng 8 và duy trì xuyên suốt năm học. Theo cô Tống Thị Ninh – Hiệu trưởng nhà trường, đặc thù của Trường Mầm non Nhi Sơn là nơi nuôi dạy, chăm sóc trẻ là con em các tộc người Mông, Thái, Mường, Kinh và Dao. Trong đó, tộc người Mông chiếm tới 97%.

Vì vậy, công tác tăng cường Tiếng Việt cho trẻ trước năm học mới, nhất là trẻ 5 tuổi trước khi vào lớp 1 có vai trò quan trọng. “Sau nhiều năm triển khai, giữa cô và trò đã có sự tương tác và thấu hiểu lẫn nhau”, cô Ninh chia sẻ.

“Sau 10 năm triển khai, công tác tăng cường Tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1 đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trẻ không chỉ hiểu mà việc giao tiếp giữa thầy, trò cũng không còn gặp rào cản hay bất đồng về ngôn ngữ”, bà Bà Vũ Thị Lâm, cán bộ phụ trách bậc học Mầm non (Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, Thanh Hóa), nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ