Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024)

Niềm tự hào thức dậy

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Thanh Hóa tổ chức cho hội viên một chuyến về nguồn.

Đoàn cựu TNXP Thanh Hóa chụp hình kỷ niệm ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Minh Khiêm
Đoàn cựu TNXP Thanh Hóa chụp hình kỷ niệm ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Minh Khiêm

Toàn đoàn có 88 cựu TNXP, nhiều cụ tuổi từ 75 đến 85.

Đoàn đã dâng hương tại tượng đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ, bộ đội, TNXP, dân công tại Ngã Ba Cò Nòi (xã Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La). Đây là điểm kết nối giữa Quốc lộ 6 với Quốc lộ 37. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp, đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi là điểm nút quan trọng trên huyết mạch giao thông duy nhất lên mặt trận Điện Biên Phủ. Vào những năm 1953 - 1954, trên con đường này liên tục có từ mười sáu nghìn đến mười chín nghìn bộ đội, TNXP, dân công ngày đêm phục vụ cho chiến trường. Riêng ở Ngã ba Cò Nòi lúc nào cũng có một nghìn TNXP túc trực liên tục ngày đêm rà phá bom mìn, bắn máy bay, san lấp hố bom, mở đường, đảm bảo giao thông thông suốt.

Đoàn cũng đến thăm và dâng hương tại nhà tù Sơn La, nơi giặc Pháp giam cầm tra tấn dã man các chiến sĩ cộng sản những năm trước Cách mạng tháng Tám, trong đó có các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Trường Chinh, Tô Hiệu, sau này trở thành những lãnh tụ kiệt xuất của Đảng. Trên đỉnh đèo Pha Đin, con đèo huyền thoại kỳ vĩ dài gần 50km, cao hơn 1500m, đoàn dừng chân ôn lại truyền thống anh hùng bất khuất của quân và dân ta vượt mưa bom bão đạn của kẻ thù để tải lương, tải đạn cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Mặc dù trời nắng chang chang, nhiệt độ trên 35 độC, đoàn vẫn vào dâng hương tại Đài tưởng niệm, Nghĩa trang Điện Biên Phủ. Hơn sáu trăm bốn mươi ngôi mộ ở nghĩa trang này, duy nhất 4 ngôi mộ có tên, gồm: Phan Đình Giót (người lấy thân mình lấp lỗ châu mai), Bế Văn Đàn (người lấy thân mình làm giá súng), Tô Vĩnh Diện (người lấy thân mình chèn cứu pháo) và Trần Can (người đầu tiên cắm cờ trên nóc hầm của De Castries). Gần sáu trăm các ngôi mộ khác đều ghi dòng chữ “Chưa tìm được thông tin”! Mỗi nén hương là một tình cảm vô biên dành cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh giải phóng Điện Biên phủ nói riêng và giải phóng đất nước nói chung. Ai cũng thấm thía xương máu vô giá của bộ đội, TNXP, dân công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi thăm Bảo tàng chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, đoàn được chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh 56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ quân và dân ta tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp. Sự ác liệt, khốc liệt, quyết liệt, quyết tâm; sự thông minh, quả cảm, ý chí chiến đấu, chiến thắng, hừng hực khí thế, bất chấp mưa bom bão đạn, máy bay, xe tăng đại bác, lô cốt, hầm ngầm, mìn, dây thép gai của quân và dân ta được dựng lại, tái hiện sinh động, chân thực khiến tất cả các thành viên trong đoàn đều xúc động, tự hào. Ai cũng thấy như có một ngọn lửa bùng cháy trong con tim, khối óc của mình.

Các cựu TNXP Thanh Hóa thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Ảnh: Nguyễn Minh Khiêm

Các cựu TNXP Thanh Hóa thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Ảnh: Nguyễn Minh Khiêm

Rời Điện Biên, đoàn tới thăm viếng nghĩa trang Thanh niên xung phong ở Chăn Nưa. Quá trình mở đường 111, có khoảng hơn 100 chiến sĩ thanh niên xung phong của hai đội 34 và 40 hy sinh, trong đó đã có 67 phần mộ được tìm thấy và quy tập thành Nghĩa trang Chăn Nưa (thuộc bản Chiềng Chăn, xã Chăn Nưa, Sìn Hồ, Lai Châu hiện nay). Riêng Thanh Hóa có 27 người. Có hai người đã được công nhận liệt sĩ. 25 người còn lại chưa được công nhận liệt sĩ.

Thay mặt Đoàn cựu TNXP Thanh Hóa, trước tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, trước tượng đài tưởng niệm Bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến ở Ngã ba Cò Nòi, tượng đài các liệt sĩ Nghĩa trang TNXP ở Chăn Nưa, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa đã đọc lời Tri ân các Anh hùng Liệt sĩ và hứa với các vong linh liệt sĩ: “Hội Cựu TNXP Thanh Hóa nguyện giữ vững truyền thống anh hùng bất khuất, không sợ hy sinh gian khổ, của Quân Đội Nhân dân Việt Nam, của TNXP trong chống Pháp, chống Mỹ, luôn tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương đường lối của Đảng, đoàn kết, trong sáng, góp phần tích cực xây dựng cuộc sống mới không phụ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc phồn vinh, hạnh phúc”.

Cụ Bình ở thành phố Thanh Hóa, năm nay 86 tuổi chia sẻ: “Tôi đã năm sáu lần đi Điện Biên Phủ, Chăn Nưa. Tôi đi vì đồng đội. Tôi đi vì tình cảm thiêng liêng thúc giục”. Ông Lê Tiến Cự, cựu TNXP từng sống dưới mưa bom bão đạn Ngã Tư Thạch Bàn, Quảng Bình tâm sự, ông đến Ngã Ba Cò Nòi, Điện Biên Phủ, Chăn Nưa có cảm giác như mình sống lại cùng đồng đội trong chiến tranh và trong mình cháy lên một ngọn lửa anh hùng bất khuất, đầy tự hào. Tâm sự của các ông có lẽ cũng là nỗi niềm, tâm sự của mọi thành viên trong đoàn. Ai cũng thấy, một chuyến về nguồn, niềm tự hào thức dậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink.

Truyện ngắn: Viết tiếp giấc mơ

GD&TĐ - Chẳng hiểu sao ba mẹ lại treo ảnh Bác trên bàn thờ, ở vị trí cao nhất. Chòm râu dài, ánh mắt hiền từ và cái miệng cười mỉm trấn an tinh thần chị.
Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.
Thường trực Thành ủy TPHCM tặng hoa chúc mừng bà Trần Thị Diệu Thúy, ông Dương Ngọc Hải và ông Võ Ngọc Quốc Thuận tại kỳ họp thứ 15, HĐND TPHCM khóa X. (Ảnh: Thành Nhân).

TPHCM có hai tân Phó Chủ tịch UBND

GD&TĐ - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Thị Diệu Thúy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Dương Ngọc Hải được bầu làm Phó Chủ tịch UBND Thành phố.