* Khái niệm về phỏng vấn
Trong tiếng Việt, phỏng vấn là từ gốc Hán - Việt: "phỏng" vấn là thăm hỏi, điều tra, "vấn" nghĩa là hỏi. Vậy bản chất của phỏng vấn là cuộc điều tra bằng hình thức hỏi. Nếu hiểu như vậy thì phỏng vấn có nội hàm ý nghĩa khá rộng. Một cuộc nói chuyện hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia đình, dự định... giữa hai người bạn là phỏng vấn. Sự thăm hỏi giữa bác sĩ với bệnh nhân, những câu hỏi và lời đáp của nhà tuyển dụng với những thí sinh cũng là phỏng vấn. Phỏng vấn, hiểu theo nghĩa thứ nhất, là hình thức giao tiếp xã hội giữa người này với người khác về một vấn đề mà họ quan tâm.
Trong tiếng Anh, phỏng vấn là "interview", trong đó "view" là quan điểm, chính kiến, còn "inter" là tiền tố chỉ sự trao đổi, tác động qua lại của các yếu tố. Như vậy, bản thân từ "interview" đã mang ý nghĩa là cuộc trao đổi - bàn bạc về một vấn đề nào đó giữa người này với người khác.
Trong lĩnh vực báo chí, phỏng vấn được xem như là một thể loại được xếp vào nhóm báo chí độc lập. Là đối tượng nghiên cứu của lý luận và khoa học báo chí, đồng thời là một phương thức phổ biến, hiệu quả trong hoạt động thực tiễn báo chí. Phỏng vấn - với tư cách là một thể loại được xếp vào nhóm báo chí thông tấn. Nhóm này bao gồm: tin, phỏng vấn, tường thuật... Thế mạnh của chúng là phản ánh, thông báo kịp thời các sự kiện, vấn đề vừa xảy ra, đang xảy ra hoặc sắp xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Thể loại phỏng vấn ngày càng nhận được sự quan tâm của báo giới nên số lượng định nghĩa về thuật ngữ này rất đa dạng.
* Phỏng vấn truyền hình
So với phỏng vấn báo chí thông thường, phỏng vấn truyền hình có được ưu thế vượt trội vì thông tin đến với khán giả sống động, sắc nét hơn với hình ảnh và âm thanh thật. Tác động của thông tin là trực diện và có tính thuyết phục cao hơn các loại hình báo chí khác. Ví như, người ta phải mất tới cả vài trăm chữ để miêu tả giây phút xúc động của một nhân vật, thì chỉ cần một ánh mắt, nét biểu cảm trên mặt hay giọt nước mắt lăn dài trên má cũng đủ để cho khán giả cảm nhận hết được tâm trạng của nhân vật.
"phỏng vấn truyền hình có được ưu thế vượt trội vì thông tin đến với khán giả sống động, sắc nét hơn với hình ảnh và âm thanh thật" |
Mặt khác, thông tin được tiếp nhận ngay và trực tiếp nên không thể có thời gian chỉnh sửa nội dung lẫn câu chữ. Bởi vậy nên những câu hỏi đặt ra trong khi phỏng vấn phải được gọt rũa rất cẩn thận và phải sát với nội dung. Trừ khi dụng ý của đạo diễn để buối phỏng vấn ngẫu hứng còn thông thường phải được phát triển theo cấu trúc định sẵn. Người phỏng vấn phải đặt mình vào vị trí khán giả xem khán giả cần gì ở nhân vật, để từ đó có những câu hỏi hay, trúng đích.
Phỏng vấn truyền hình là một nghệ thuật mà ở đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố khách quan âm thanh, ánh sáng, địa điểm… (trang thiết bị được chuẩn bị tốt thì cuộc phỏng vấn sẽ tốt hơn) và yếu tố chủ quan: sự nhanh nhạy, bản lĩnh, tố chất và cả ngoại hình của người phỏng vấn. Khi nhìn vào một talkshow, sự duyên dáng, thanh lịch của người dẫn sẽ ngay lập tức bắt mắt người xem mặc dù có thể họ chưa biết nội dung cuộc phỏng vấn đó.
* Đặc điểm cơ bản của phỏng vấn truyền hình
Ông Đặng Công Ngữ - Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau Lễ nhậm chức ngày 21/4/2009 |
Đặc trưng của phỏng vấn thể hiện ở những điểm cơ bản sau:
- Về hình thức: Bài phỏng vấn trên truyền hình có những yếu tố sau: ánh mắt của người trả lời, nội dung câu chuyện, các câu hỏi, câu trả lời, lời cảm ơn và thời gian thực hiện.
- Về đối tượng phỏng vấn: Về mặt lý thuyết, đối tượng phỏng vấn có thể là bất cứ ai nhưng trên thực tế, đề tài phỏng vấn đưa ra được những thông tin có giá trị và có trọng lượng, phóng viên thường chọn người có thẩm quyền, có tiếng tăm, có vị trí xã hội để phỏng vấn.
- Cuộc phỏng vấn của các phóng viên với một nhân vật không đơn giản là trao đổi thông tin mà còn hướng tới mục đích tạo ra một sản phẩm thông tin có tính cấp thiết.
* Yếu tố thỏa mãn tính lịch sự trong phỏng vấn truyền hình
Lịch sự trong phỏng vấn truyền hình mang nhiều nét đặc thù vì giao tiếp không hoàn toàn giống giao tiếp hàng ngày. Hình thức chủ yếu là hỏi – đáp, nhưng người hỏi luôn là phóng viên và người nghe là nhân vật tham gia phỏng vấn. Hơn nữa cuộc nói chuyện giữa hai nhân vật này không mang tính riêng tư mà được ghi lại bằng hình ảnh và được công bố trước công chúng. Do vậy, người được phỏng vấn và phóng viên khi tham gia giao tiếp không chỉ giữ thể diện cho riêng mình trước đối tác mà quan trọng hơn là trước công chúng. Vì vậy yếu tố lịch sự trong phỏng vấn luôn được đặt lên hàng đầu, trong mỗi cuộc phỏng vấn, nhà báo nên giữ thái độ lịch sư, tế nhị, tức là có cách ứng xử khéo léo, đúng đắn, biết cách đến với mọi người, chú ý đến quan niệm truyền thống, đồng thời giữ được ưu điểm của mình, không từ bỏ các nguyên tắc của mình. Thái độc lịch sự của nhà báo thể hiện ở sự tôn trọng đối với đối tượng trong khi nói chuyện, biết lắng nghe và xử lý đúng trong quá trình đàm thoại và chú trọng đến tâm trạng của họ. Phép lịch sự của nhà báo còn thể hiện ở chỗ biết ngắt lời họ một cách tế nhị để chuyển sang hướng khác mà không làm phật ý họ. Những hành động mà khi thực hiện có thể gia tăng sự tôn trọng thể diện của người nói và người tiếp nhận, đó là những hành động như: khen, chào, cảm ơn, chúc tụng, xưng hô. Những hành động này chịu qui định bởi qui ước chuẩn mực trong xã hội, trong đó các hành động khen chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi chiến lược giao tiếp cá nhân. Khen chỉ có thể là hành động tôn vinh thể diện khi xuất hiện đúng lúc, đúng nơi và đặc biệt phải xuất phát từ tình cảm chân thành của chủ thể phát ngôn sẽ giúp cho hành động khen " thỏa mãn tính lịch sự” và góp phần tôn vinh thể diện của đối tượng được phỏng vấn. Vì vậy việc lựa chọn đề tài khen trong các cuộc phỏng vấn cũng cần có sự cân nhắc của nhà báo sao cho phù hợp với từng đối tượng giao tiếp. Khen, chào, cảm ơn, chúc tụng, xưng hô là những hành động ngôn ngữ mà bất cứ hệ thống ngôn ngữ nào cũng có bởi chúng thiết lập sự tiếp xúc, củng cố và duy trì các mối quan hệ theo hướng thân thiện, tốt đẹp, các phát ngôn này không thực hiện chức năng phản ánh thông tin mà chủ yếu tăng cường mối quan hệ liên cá nhân, thể hiện thái độ lịch sự với đối tượng giao tiếp. Cùng với chào hỏi, hành động xưng hô đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mức độ thành công của một cuộc phỏng vấn. Đối với mỗi đối tượng được phỏng vấn, nhà báo cần lựa chọn những hình thức xưng hô khác nhau, phù hợp với tuổi tác, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính của từng đối tượng.
* Yếu tố không thỏa mãn tính lịch sự trong phỏng vấn truyền hình
Bên cạnh những hành động thỏa mãn được tính lịch sự, trong phỏng vấn còn thường xuyên đối diện với những hành động không thỏa mãn tính lịch sự đó là các hành động như: hành động hỏi, yêu cầu, đề nghị, chê và một số hành động phi ngôn ngữ khác. Trong đó, riêng hành động hỏi chiếm số lượng khá lớn trong các hành động ngôn ngữ được sử dụng. Có thể nói hành động này có ý nghĩa quyết định lớn nhất đến sự thành công của cuộc phỏng vấn. Các câu hỏi thường nhằm thu thập thông tin và tạo ra sự liền mạch trong phỏng vấn. Có rất nhiều các câu hỏi với hình thức khác nhau. Tuy nhiên mỗi một hình thức hỏi được đưa ra đều phụ thuộc vào nội dung, đối tượng của cuộc phỏng vấn. Đối với các vấn đề mang tính mô tả, dự định, cách thức thông thường như: nội dung của một điều luật mới ban hành, công thức nấu ăn, ... thì người phóng viên sử dụng những câu hỏi mang tính chất trung hòa.
Đối với các vấn đề có tính chất riêng tư, có tính áp đặt... như tình yêu, hôn nhân, gia đình, sai phạm... thì người phỏng vấn hay sử dụng những câu hỏi mang tính chất thường được coi là câu hỏi mang tính đe dọa và những câu hỏi này vi phạm nguyên tắc lịch sự trong phỏng vấn. Do đó, để đảm bảo cho một cuộc phỏng vấn nói chung và phỏng vấn truyền hình nói riêng thì giữa người phóng viên và người được phỏng vấn cần có mối quan hệ tương thích nhất định. Bởi nếu không có mối quan hệ này thì kết quả phỏng vấn sẽ không như mong muốn. Vì vậy, người phỏng vấn cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc hỏi nhất định như: Về hình thức có thể đặt câu hỏi trực tiếp hoặc gián tiếp, đóng hoặc mở. Về nội dung, quyền hạn, phóng viên có quyền được hỏi bất cứ những gì xung quanh nội dung phỏng vấn đã được thông báo trước miễn là không vi phạm pháp luật và đạo đức.
Tuy nhiên như trạng thái tâm lý của hai bên tham gia hành động hỏi có ảnh hưởng khá lớn trong hành động này. Do đó người phóng viên phải tùy vào thái độ, trạng thái tâm lý, tính cách, tình cảm mà đưa ra những hành động hỏi phù hợp. Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng, trong những mảng đề tài nóng cũng rất cần sử dụng những câu hỏi mang tính chất đe dọa thể diện cao. Bởi lẽ một trong những yêu cầu trong nghề làm bào là đưa tin đúng sự thật và nêu vấn đề kịp thời và trong nhiều trường hợp phải vi phạm nguyên tắc lịch sự để đạt được mục đích.
Nguyễn Anh Tuấn
(Đài PT-TH Thái Nguyên)