Sư phạm là ngành học đào tạo các thầy giáo, cô giáo, đội ngũ cán bộ giáo dục cho các cơ sở đào tạo. Môi trường sư phạm là môi trường được nhiều người ngưỡng mộ bởi nó đào tạo nên những con người mẫu mực phục vụ cho công tác giáo dục. Nghề giáo trước nay luôn được coi trọng, được xem là một nghề cao quý. Làm việc trong ngành này là tham gia vào sự nghiệp nuôi dưỡng đạo đức và tri thức cho con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề, các lĩnh vực trong xã hội.
Thông tin về các ngành sư phạm?
Các ngành sư phạm gồm có sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học và các ngành sư phạm chuyên ngành.
Sư phạm mầm non
Sư phạm mầm non đào tạo ra nguồn nhân lực cho cấp học mầm non - cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là ngành đang phát triển do nhu cầu xã hội tăng cao. Hệ thống cơ sở giáo dục mầm non ngày càng được mở rộng với các trường mầm non công lập và tư thục tạo nên cơ hội việc làm rất lớn cho các bạn sinh viên sau khi ra trường.
Trong các ngành sư phạm, sư phạm mầm non thi 2 khối là khối C (Văn, Sử, Địa) và khối M (Toán, Văn, Năng khiếu). Môn năng khiếu có thể là ca hát, kể chuyện diễn cảm,…
Sư phạm tiểu học
Tiểu học là cấp học quan trọng, giúp trang bị kiến thức nền về các môn học, rèn luyện đức tính tốt cho trẻ em.
Ngành sư phạm tiểu học tuyển sinh cả 3 khối A, B, C. Hầu hết trong chương trình học cấp 1 chỉ là những kiến thức nền cơ bản nên các cấp học trên dễ dàng đáp ứng được yêu cầu về kiến thức đối với giáo viên.
Các ngành sư phạm chuyên ngành
Tại các cấp học cao hơn, thường một giáo viên chỉ chuyên giảng dạy 1-2 môn học. Do đó, bên cạnh sư phạm mầm non và sư phạm tiểu học, tại các trường đào tạo sư phạm có các ngành sư phạm chuyên ngành như Sư phạm Toán. Sư phạm Văn, Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm Lịch Sử, Sư phạm Địa Lý, Sư phạm Vật Lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm GDTC…
Nếu muốn giảng dạy ở các cấp học cao hơn thì bạn phải học theo các môn chuyên ngành đó. Ví dụ, giảng dạy Toán thì bắt buộc phải thi các khối thi có môn toán như A (Toán, Lý, Hóa) và A1 (Toán, Lý, Anh)
Tương tự như các ngành sư phạm chuyên ngành khác như Sư phạm Văn, Sư phạm tiếng Anh thì bạn cũng cần phải thi các khối thi có môn chuyên ngành đó.
Những tố chất phù hợp với ngành sư phạm
Có khả năng truyền đạt tốt, kể cả nói và viết. Kỹ năng truyền đạt có thể nói là kỹ năng quan trọng nhất đối với nhà giáo. Khả năng này có thể do thiên bẩm hoặc được học qua trường lớp. Nhưng nhìn chung đều đòi hỏi người làm giáo viên phải biết cách truyền đạt thông tin chính xác, dễ hiểu và đem lại hứng thú đối với người học.
Nhạy cảm, có khả năng nắm bắt tâm lý người khác. Ngoài nghiệp vụ sư phạm cơ bản, người giáo viên còn phải biết quan sát, nắm bắt được tâm lý của học sinh. Không thể là một người khuôn mẫu, phải biết nhìn nhận tình huống và giải quyết vấn đề khéo léo.
Kiên trì, nhẫn nại, giàu lòng yêu thương. Người giáo viên như người cha, người mẹ thứ hai của mỗi học sinh. Do vậy bên cạnh việc truyền đạt những kiến thức trong sách, uốn nắn cho các em về mặt tri thức thì giáo viên nhất định phải kiên trì, yêu thương học sinh như con của mình.
Nghề giáo đòi hỏi ở người học nhiều phẩm chất tốt, thiên về sự mẫu mực. Bởi thầy cô phải luôn là tấm gương sáng để học trò noi theo. Vì vậy, bên cạnh rèn luyện chuyên môn, các bạn cũng cần trau dồi tính cách, phẩm chất của bản thân.
Cơ hội nghề nghiệp
Nghề giáo luôn là một ngành không bao giờ lùi lại. Con người muốn phát triển thì điều tất yếu là phải học. Do đó nghề giáo là một nghề có rất nhiều cơ hội.
Giảng dạy trong hệ thống các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, cao đẳng, đại học trong cả nước.
Chuyên viên, cán bộ quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Phòng, Ban Giáo dục tại các quận, huyện.
Giảng dạy, quản lý trong các tổ chức, trung tâm trong và ngoài nước về giáo dục.
Cùng chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, số trường lớp ở nước ta không ngừng tăng, nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo đó cũng ngày càng lớn. Tuy nhiên, do số lượng người theo học ngành này thường đông nên tỷ lệ cạnh tranh tuyển dụng cũng khá cao. Đặc biệt, ngành sư phạm yêu cầu chung về phẩm chất và thiên về sự mẫu mực chứ không chỉ đơn thuần là về năng lực nên để thành công với ngành này bạn cần có định hướng đúng dựa trên nguyện vọng và tính cách của bản thân.