Nhưng yêu cầu quan trọng khi dạy kiến thức Lịch sử cơ bản

GD&TĐ - Giúp HS học tập tốt Lịch sử không có nghĩa là cung cấp tất cả những sự kiện lịch sử đã xảy ra. Thậm chí nếu cố ôm đồm còn gây ra tình trạng quá tải, nhồi nhét kiến thức, khiến học sinh cảm thấy khó khăn, nhàm chán với việc học tập bộ môn.

Nhưng yêu cầu quan trọng khi dạy kiến thức Lịch sử cơ bản

Kiến thức lịch sử cơ bản là bộ phận quan trọng nhất, cốt lõi nhất mang tính chất nền tảng của kiến thức khoa học lịch sử. Kiến thức cơ bản là sợi chỉ đỏ, là xương sống trong toàn bộ hệ thống kiến thức lịch sử, là chìa khoá để biết và hiểu bức tranh quá khứ lịch sử một cách toàn diện.

Khi giảng dạy kiến thức cơ bản về lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, giáo viên nhất thiết phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Dựa vào mục tiêu bài học

Mục tiêu bài học chính là đích mà GV cần hướng dẫn HS đạt được trong mỗi bài học lịch sử, thể hiện trên cả ba mặt: giáo dưỡng, giáo dục và phát triển. Mục tiêu bài học kim chỉ nam, định hướng quan trọng cụ thể đối với GV và HS trong việc xác định kiến thức cơ bản của toàn bài. Chính vì vậy việc xác định và truyền thụ kiến thức cơ bản phải bám sát vào mục tiêu bài học.

Ví dụ: Khi dạy bài 14: “Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII”: Mục tiêu của bài học về kiến thức phải cho HS thấy nhân dân ta đã phải tiến hành các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và chúng ta đã giành được thắng lợi vẻ vang.

Về giáo dục, hình thành cho các em niềm tự hào về truyền thống yêu nước, ý chí chống giặc kiên cường, tự hào đối với những lãnh tụ vĩ đại, lòng kính trọng đối với nhân dân. Về phát triển, rèn luyện khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp và các kỹ năng thực hành bộ môn.

Để thực hiện được mục tiêu đó, GV phải cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản: nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của từng cuộc kháng chiến.

Đặc biệt với những trận đánh, GV phải sử dụng lược đồ, kết hợp với miêu tả, lược thuật để tạo cho HS biểu tượng về các trận đánh để HS nhớ kỹ, hiểu sâu các sự kiện này. Từ đó hình thành những cảm xúc tự nhiên, có tác dụng to lớn trong việc giáo dục tư tưởng, tình cảm. Đồng thời cũng rèn luyện cho các em kỹ năng thực hành: lập niên biểu, sử dụng đồ dùng trực quan ...

Đảm bảo tính khoa học, vừa sức

Lịch sử là một bộ môn khoa học. Lịch sử sẽ không còn là nó nữa nếu nó không phản ánh đúng những gì đã xảy ra. Chính vì vậy, trong dạy học lịch sử đòi hỏi người GV phải cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản, chính xác và khoa học, phản ánh đúng hiện thực khách quan.

Tính khoa học thể hiện ở việc xác định đúng thời gian và không gian của các sự kiện lịch sử, thể hiện ở việc đánh giá, giải thích, tìm ra bản chất của các sự kiện, hiện tượng,

Đồng thời với việc đảm bảo tính khoa học, trong giảng dạy kiến thức lịch sử cơ bản cần phải đảm bảo tính vừa sức. Kiến thức lịch sử là vô cùng vô tận, GV không thể và cũng không cần cung cấp hết mọi sự kiện lịch sử cho HS.

Vì vậy trong dạy học Lịch sử, việc đảm bảo tính vừa sức sẽ tránh được tình trạng nhồi nhét kiến thức và quá tải đối với HS. Tính vừa sức thể hiện ở khối lượng kiến thức vừa đủ để HS biết và hiểu lịch sử, kiến thức đó phải phù hợp với thời lượng chương trình và trình độ nhận thức của HS.

Ví dụ: Khi dạy bài 19: “Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn 1418-1427”, GV chỉ cần cung cấp các sự kiện cơ bản như sau: Sự bùng nổ của cuộc khởi nghĩa năm 1418, sự phát triển lan rộng của cuộc khởi nghĩa trên khắp cả nước, diễn biến và ý nghĩa của các trận đánh tiêu biểu như trận Tốt Động - Chúc Động cuối năm 1426, trận Chi Lăng - Xương Giang tháng 10 năm 1427, hình thành biểu tượng về các trận đánh quan trọng này.

Như vậy các em vẫn nắm được diễn biến quan trọng của cuộc khởi nghĩa, thấy được quá trình phát triển của cuộc khởi nghĩa mà lại không phải nhớ quá nhiều sự kiện, tránh được tình trạng quá tải về mặt nhận thức.

Đảm bảo tính lịch sử cụ thể, hình ảnh

Lịch sử bao giờ cũng cụ thể, không có lịch sử trừu tượng, chung chung. Trong dạy học lịch sử đảm bảo tính cụ thể, hình ảnh sẽ tránh được hiện tượng nhầm lẫn kiến thức cơ bản cho HS.

Trình bày các sự kiện một cách hình ảnh sẽ tạo được những biểu tượng chân thực, chính xác, làm cho HS như được chứng kiến, tham gia trực tiếp vào các sự kiện lịch sử. Từ đó khơi dậy những cảm xúc tự nhiên, góp phần quan trọng vào việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho HS.

Ví dụ: Khi dạy bài 14: “Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII” của quân dân nhà Trần, GV sẽ thất bại trong việc giáo dục HS nếu chỉ trình bày một cách chung chung như sau: “Trong ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên, quân dân nhà Trần đã tiến hành một loạt các trận đánh quan trọng, tiêu diệt một số lượng lớn quân giặc, giành thắng lợi cuối cùng”.

Với cách trình bày này, HS sẽ không nắm được thời gian, không gian cụ thể của cuộc kháng chiến, đồng thời với những từ ngữ vô thưởng, vô phạt như: "một loạt các trận đánh lớn", "tiêu diệt số lượng lớn quân địch", sẽ không thể cho HS thấy được thắng lợi oai hùng của quân dân nhà Trần. Không những không giúp cho HS nắm được kiến thức cơ bản mà cũng không thể có tác dụng giáo dục tư tưởng tình cảm cho HS.

Kiến thức sẽ cụ thể hơn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn nếu như GV trình bày một cách cụ thể và có hình ảnh.

Ví dụ: Cũng ở bài 14: “Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên thế kỷ XIII”, khi giảng về tinh thần chiến đấu của quân dân nhà Trần GV trình bày như sau:

Tinh thần kháng chiến chống giặc, quyết tâm bảo vệ độc lập tổ quốc ngấm sâu vào máu, vào thịt của từng người dân Đại Việt. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ đàn ông đến đàn bà, tất cả đều sục sôi một ý chí quyết chiến với quân thù. Hẳn các em còn nhớ hình ảnh của người thiếu niên Trần Quốc Toản chỉ vì còn nhỏ tuổi không được tham dự hội nghị Bình Than (1282) mà đã: "bóp nát quả cam trong tay lúc nào không biết".

Chúng ta cũng không thể quên hình ảnh hội nghị phụ lão ở Diên Hồng (1285), khi vua Trần hỏi nên đánh hay hàng, các vị đã đồng thanh hô lớn "Đánh !" "Đánh !" "Đánh !". Muôn người cùng nói như một miệng sinh ra, làm vang dậy khí thế đánh giặc của cả Thăng Long.

Với cách trình bày như vậy, HS sẽ cảm thấy như được sống lại không khí chiến đấu sục sôi của quân dân nhà Trần, thấy được sức mạnh của tinh thần đoàn kết, qua đó hình thành niềm tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc.

Phải phát huy tính tích cực độc lập của HS

Mục đích cao nhất của việc xác định và truyền thụ kiến thức cơ bản chính là giúp HS nhớ kỹ, hiểu sâu kiến thức lịch sử, hình thành bức tranh quá khứ chân thực, toàn diện. Chính vì vậy khi giảng dạy kiến thức cơ bản, GV cần phải phát huy tính tích cực, độc lập của HS.

Bởi chỉ khi nào HS tự giác, tích cực, độc lập trong nhận thức, đặc biệt là trong tư duy thì lúc đó HS mới lĩnh hội sâu sắc và nhớ lâu kiến thức. Đồng thời phát huy tính tích cực, độc lập của HS còn góp phần phát triển hứng thú học tập và rèn luyện ngôn ngữ cho HS.

Ví dụ: Khi dạy bài 11: “Cuộc kháng chiến chống Tống 1075-1077” của nhà Lý, trước hết, GV cho HS quan sát lược đồ phòng tuyến sông Như Nguyệt. Sau đó để phát huy tính tích cực độc lập của HS, GV yêu cầu các em trả lời các câu hỏi:

Sông Như Nguyệt có điều kiện thuận lợi và khó khăn gì trong việc bố phòng? Tại sao Lý Thường Kiệt lại xây dựng tuyến phòng thủ trên sông Như Nguyệt? Cách bố trí phòng tuyến sông Như Nguyệt như thế nào?

Như vậy, với các câu hỏi này các em phải quan sát lược đồ, kết hợp với những hiểu biết về kiến thức địa lý, phân tích, đánh giá để tìm ra câu trả lời. Khi các em tự tìm hiểu vấn đề, các em sẽ nhớ lâu kiến thức hơn việc chỉ thụ động nghe GV giảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ