Những ý kiến tâm huyết từ các trường đại học giúp định hướng quy hoạch Thủ đô

GD&TĐ - Các nhà khoa học đến từ các đại học, trường đại học, cao đẳng, học viện đã nêu những ý kiến tâm huyết giúp định hướng quy hoạch Thủ đô.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Huy động chất xám từ các giảng viên, nhà khoa học

Ngày 29/9, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết, hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần đưa ra những luận cứ khoa học, những ý kiến đóng góp để xây dựng quy hoạch Thủ đô.

Thời gian qua, các trường đại học, các chuyên gia, nhà nghiên khoa học đã tập trung nghiên cứu với hơn 60 tham luận trong kỷ yếu hội thảo lần này. Đây là những ý kiến đóng góp tâm huyết để cùng nhau xây dựng Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, sánh vai cùng thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.

Khai mạc hội thảo, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Hà Nội có một đặc thù vô cùng thuận lợi mà không địa phương nào trên cả nước có được, đó là nơi đặt trụ sở của gần 100 trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn với hàng nghìn giảng viên, nhà khoa học, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trong đó, số lượng giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học chiếm khoảng 65% cả nước.

Vì thế, việc tổ chức được buổi hội thảo hôm nay cũng chính là phát huy, huy động nguồn lực trí tuệ, chất xám to lớn trên địa bàn Thủ đô cho công tác Quy hoạch Thủ đô nói riêng và xây dựng phát triển Thủ đô nói chung.

Theo thống kê, Ban tổ chức đã nhận được hơn 60 bài viết với nội dung đa dạng, phong phú, các bài viết có chất lượng rất cao với hai tuyến bài chính. Đó là tập trung làm rõ hơn, phát triển thêm những nội dung được đề cập trong Đề cương định hướng Thủ đô. Trong đó, nhiều bài đi sâu vào góp ý, cụ thể hóa hơn về triết lý phát triển, về nội hàm của “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, những tư tưởng chỉ đạo chủ yếu, định hướng lớn trong Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô...

Cùng với đó là phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các định hướng quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực của Thủ đô. Tuyến bài này có nhiều bài viết với chuyên môn rất sâu về quy hoạch kiến trúc, về không gian ngầm, về phát triển giao thông, xây dựng phát triển đô thị, phát triển rừng trong thành phố... khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục, y tế, mô hình tăng trưởng kinh tế, và đặc biệt những vấn đề về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.

Ngoài nội dung có chất lượng của các bài viết đã có, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiếp tục tham luận, thảo luận đóng góp để làm rõ yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội để xác định được những tiềm năng, lợi thế riêng có của Hà Nội, đồng thời làm rõ những điểm không thuận lợi trong phát triển Thủ đô.

Theo ông Hà Minh Hải, việc xác định được chính xác những điểm nghẽn của Hà Nội và nguyên nhân sẽ góp phần đưa ra được những ý tưởng đột phá, những giải pháp cụ thể để Hà Nội có thể bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, đồng thời, tiếp tục gợi ý định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là thành phố đáng sống.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham luận tại hội thảo.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham luận tại hội thảo.

Giáo dục và đào tạo cần được ưu tiên

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học như: “Một số nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội” của GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; “Phát triển cải tạo và tái thiết các không gian công cộng, không gian xanh đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội” của PGS.TS.KTS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Cùng các tham luận “Phát huy vai trò dẫn dắt và kết nối của thành phố Hà Nội để phát triển vùng Thủ đô hiện đại và bền vững” của PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; “Một số ý kiến góp ý đối với đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp...

Với tham luận “Phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô - nền tảng và động lực cho “văn hiến - văn minh - hiện đại”, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, Quy hoạch phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố Hà Nội.

Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, thành phố sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trên lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần được ưu tiên đặc biệt để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, vượt trội.

GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ, Chương trình giáo dục đóng vai trò nền tảng, quyết định đến việc hình thành những thế hệ công dân Thủ đô phát triển toàn diện, có phẩm chất, năng lực ưu tú, có năng lực hội nhập quốc tế và giữ được bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường cần chủ động phát triển chương trình quốc gia phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và tiệm cận với xu hướng quốc tế.

Trong quá trình điều chỉnh, bổ sung chương trình quốc gia và triển khai thực hiện, cần có sự tham gia của các nhà khoa học giáo dục, các trường đại học sư phạm, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác đào tạo, nghiên cứu với việc thực hiện chương trình ở các cơ sở giáo dục, giữa lý thuyết với thực tiễn.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, đây là diễn đàn kết nối đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu trên các lĩnh vực nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung hội thảo rất đặc biệt, thảo luận về những vấn đề hệ trọng của thành phố, không chỉ liên quan đến những vấn đề của Hà Nội, những vấn đề trước mắt mà cả lâu dài, tầm nhìn không chỉ dừng lại ở 5 năm. Vì thế, nếu Hà Nội có được quy hoạch đúng, trúng thì còn có một chức năng quan trọng là đầu tàu, động lực, góp phần lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc, trong đó có khu vực đồng bằng sông Hồng phát triển thời gian tới.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, những ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng như tham luận trong kỷ yếu là những tâm huyết, tình yêu dành của các chuyên gia, nhà khoa học dành cho Hà Nội, để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới với quan điểm thành phố không đặt vấn đề cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong cả nước mà phải sánh tầm với các quốc gia trong khu vực, thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.