Báo chí đa phương tiện đã chiếm lĩnh trận địa
Hiện nay, thuật ngữ “Báo chí đa phương tiện” được sử dụng nhiều với mấy nghĩa cơ bản sau đây: 1. Nói về một cơ quan báo chí có cả 4 loại hình báo chí là báo in, truyền hình, phát thanh và báo điện tử; 2. Trong một tác phảm báo chí sử dụng cả chữ viết, hình ảnh động, âm thanh và được chuyển tải trên mạng Internet; 3. Trong đào tạo: Cung cấp kiến thức, phương pháp, kỹ năng để nhà báo có thể làm việc ở bất cứ loại hình nào, dù đó là báo in, phát thanh, truyền hình hay điện tử.
Báo chí đa phương tiện phát triển khắp nơi trên thế giới, từ những nước giàu đến những nước nghèo. Việt Nam chưa phải là nước phát triển nhưng hầu hết các cơ quan báo chí đều phát triển theo hướng báo chí đa phương tiện. Tất cả các cơ quan báo in đều có phiên bản điện tử; ngược lại, đài phát thanh, đài truyền hình đều có báo in. Tất cả tin, bài đều có thể tìm được trên mạng Internet.
Tòa soạn hội tụ đang phát triển mạnh mẽ
Trong hoạt động của báo chí trên thế giới, để tương thích với báo chí đa phương tiện, các cơ quan báo chí chuyển từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn hội tụ. Tòa soạn hội tụ có khả năng giải quyết mọi vấn đề liên quan đến nội dung, thể loại, loại hình báo chí. Lợi thế của tòa soạn hội tụ không có gì phải bàn cãi. Song, để tòa soạn hội tụ hoạt động “trơn tru”, có hiệu quả, cần có siêu biên tập – nghĩa là cần những người hiểu biết rộng, nắm bắt được tất cả vấn đề của báo chí hiện đại, từ nội dung đến hình thức, phương pháp làm việc.
Ở Việt Nam có những cơ quan báo chí có tòa soạn hội tụ hoạt động hiệu quả là báo điện tử Vnexpress.net, báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ quan báo chí khác. Nhìn chung, phải có tiềm lực cả về con người lẫn cơ sở vật chất, tòa soạn hội tự mới hoạt động hiệu quả được.
Thời đại của truyền thông online, truyền thông tương tác
Độc giả, khán giả, thính giả hiện nay không muốn là người thụ động tiếp nhận thông tin một chiều; họ luôn có nhu cầu tương tác, phản hồi, giám sát, phản biện. Các cơ quan báo chí đáp ứng nhu cầu này, mạng Internet thỏa mãn đòi hỏi của cả cơ quan truyền thông lẫn công chúng. Các phương tiện truyền thông cũng vô cùng phong phú, đa dạng; từ smartphone, laptop đến tivi, radio trên phương tiện giao thông. Vậy là độc giả cũng đóng góp vào việc sản xuất và phổ biến thông tin. Các cơ quan báo chí có thể tường thuật trực tiếp sự kiện đang xảy ra trên phiên bản điện tử của mình. Ở đây, họ có thể phỏng vấn người trong cuộc, người quan sát, người liên quan,…
Truyền thông online rất sinh động, hấp dẫn nhưng hơi thiếu chiều sâu. Do vậy, các cơ quan báo chí đang tìm cách khắc phục nhược điểm này bằng cách sau đó công bố những ý kiến của các chuyên gia. Đây là cách làm báo phổ biến hiện nay, từ những hãng truyền thông nổi tiếng thế giới như CNN, đến một cơ quan báo chí có tính chuyên biệt như Tạp chí Gia đình và Trẻ em.
Mạng xã hội như một loại báo chí
Mạng xã hội đang tham gia ngày càng tích cực vào hoạt động truyền thông. Có thể nói, nhờ hàng tỷ người có tài khoản của mình trên mạng Internet nên thông tin được truyền nhanh chóng và rộng khắp. Nhiều người cho rằng, đây cũng chính là một loại báo chí – báo chí công dân.
Lợi thế của mạng xã hội – báo chí công dân là rất đông đảo, nội dung không bị biên tập, không bị kiểm duyệt. Và đây cũng chính là cái yếu, cái bất lợi của mạng xã hội – độ tin cậy của thông tin thấp. Nhìn nhận một cách nghiêm túc, mạng xã hội mới chỉ làm được vai trò của cộng tác viên, thông tin viên trong lĩnh vực truyền thông. Tuy nhiên, sức mạnh của mạng xã hội là vô cùng lớn.
Xu hướng nghe nhìn đang lấn át xu hướng đọc
Hiện nay, trong 4 loại hình báo chí thì truyền hình vẫn có lượng khán giả đông nhất, chiếm khoảng 37%, tiếp đến là báo điện tử 35%, phát thanh 17%, báo in 11%. Cách tính này chỉ có ý nghĩa tương đối vì nhiều cơ quan báo chí đã trở thành “báo chí 4 trong 1”, nghĩa là một cơ quan báo chí bao gồm cả 4 loại hình; trong một bài báo có cả clip minh họa.
Nêu lên như vậy để thấy xu hướng nghe nhìn đáng được nhiều người ưu thích. Đáp ứng ý thích này, cách làm tin, bài đồ họa đã ra đời và nhanh chóng trở nên phổ biến. Cấp độ cao hơn là đồ họa tương tác nhằm tăng tính trực quan và thu hút sự chú ý, sự tham gia của độc giả. Đây chính là một trong những sáng tạo của báo chí.
Ở trên, tôi đã khắc họa những xu thế hoạt động của báo chí thế giới ở khía cạnh kỹ thuật. Bây giờ xin được đề cập đến nội dung.
Tin tức thời sự - chính trị vẫn chiếm phần lớn các trang báo
Các hãng truyền thông lớn trên thế giới vẫn dành những gì tốt nhất (con người, phương tiện) của mình cho việc săn tìm những tin tức liên quan đến thời sự - chính trị. Những tin tức có giá trị thường liên quan đến quan hệ những nước lớn như quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung, Trung – Nga, Nga – Liên minh châu Âu,…; Liên quan đến những nhân vật quan trọng như Tổng thống Nga, Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Anh, Lãnh đạo tối cao Triều Tiên,…; Những sự kiện lớn như bầu cử Tổng thống Mỹ, chiến sự ở Trung Đông, Vương quốc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu,… Những thông tin liên quan đến những vấn đề này xuất hiện dày đặc và liên tục trên các phương tiện truyền thông.
Tính khách quan của thông tin bị giảm sút
Người Mỹ luôn luôn tự hào là họ có nền báo chí tự do nhất thế giới. Điều này là không cần bàn cãi vì đến Luật Báo chí họ cũng chẳng cần! Trước đây, người Mỹ cho rằng, báo chí phải tuyệt đối khách quan, không cần định hướng. Nhưng nay người Mỹ không nói như thế nữa; thậm chí có chuyên gia báo chí người Mỹ cho rằng, những tin tức không có định hướng không được xem là tin tức báo chí.
Minh chứng cho tính khách quan của báo chí đang bị giảm sút là những tin tức liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và việc ông Trump trúng cử. Trước khi có kết quả bầu cử, phần lớn báo chí của nước Mỹ và trên thế giới nghiêng về ứng cử viên Hillary Clinton. Cho đến nay, khi ông Trump đã làm Tổng thống Mỹ được 5 tháng, báo chí Mỹ vẫn chưa có cảm tình với ông; họ vẫn đưa tin và bình luận theo hướng không có lợi cho ông.
“Chiến tranh thông tin” đang diễn ra khốc liệt
“Chiến tranh thông tin” biểu hiện dưới nhiều dạng thức, trong đó có việc tung tin giả trộn lẫn với tin thật; bác bỏ tin tức của đối phương; xâm nhập cơ sở dữ liệu tin tức, ăn cắp những tin tức có giá trị, làm sai lệch thông tin,…
“Chiến tranh thông tin” là một bộ phận cấu thành của hoạt động báo chí hiện nay. Và đáng buồn thay, chính điều này gây ra không ít khó khăn cho các nhà báo. Song, các nhà báo buộc phải chấp nhận cuộc chơi này. Để tránh trở thành nạn nhân của “chiến tranh thông tin”, nhà báo phải hết sức cảnh giác.
Báo chí sử dụng rất nhiều sáng kiến trong hoạt động của mình và thay đổi hàng ngày. Thay đổi nào cũng có lý, mặc dù không phải thay đổi nào cũng mang lại kết quả tốt đẹp.