Đằng sau mỗi thông tin qua ảnh trên mặt báo, là biết bao nhọc nhằn, những giọt mồ hôi, máu và cả nước mắt những phóng viên ảnh đang âm thầm cống hiến.
Đam mê và dấn thân
Chúng ta từng nghe câu nói: “Một tấm ảnh thay cho ngàn lời nói”. Điều đó cho thấy vai trò, trách nhiệm, ưu thế… của ảnh báo chí cũng như phóng viên ảnh. Tuy nhiên, với nền báo chí hiện nay vẫn còn những nhìn nhận chưa thỏa đáng với phóng viên ảnh và ảnh báo chí.
Nhiều người vẫn cho rằng, phóng viên ảnh chỉ được coi như một “thợ phụ” trong quá trình xuất bản ấn phẩm báo chí. Các tòa soạn vẫn còn tư duy ảnh chỉ là phụ họa, minh họa… để họa sỹ khỏi phải bận tâm vẽ minh họa cho một bài viết. Phóng viên ảnh chưa được nhìn nhận như một phần cốt yếu, một lực lượng mũi nhọn làm nên một tác phẩm báo chí hoàn hảo. Đây là sự thiệt thòi của phóng viên ảnh, nhưng cái thiệt lớn hơn khi nhiều cơ quan báo chí chưa biết sử dụng hình ảnh để truyền tải thông tin khiến độc giả cũng đồng thời chịu thiệt thòi khi cầm trên tay một sản phẩm báo chí.
Có thể nói, phóng viên ảnh báo chí và một nhà nhiếp ảnh thông thường rất khác nhau về tính chất công việc cũng như khả năng tư duy nghề nghiệp. Phóng viên ảnh báo chí đúng nghĩa vừa cần có cái nhìn góc độ của nhà báo, vừa có sự nhạy bén của nhiếp ảnh, vừa có lòng dũng cảm để xông pha tại điểm nóng của sự kiện. Phóng viên ảnh phải có mặt tại hiện trường để ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất, đắt giá nhất chuyển tải đến độc giả thông tin sự kiện. Với họ, áp lực công việc vô cùng lớn, họ luôn phải cạnh tranh về chất lượng thông tin của ảnh báo chí đồng thời phải chịu áp lực cao về thời gian tác nghiệp, độ nhanh chóng, chính xác… Với một nhà nhiếp ảnh thông thường thì nhiếp ảnh đơn thuần là sáng tác ảnh nghệ thuật, là chụp ảnh phong cảnh, ảnh thời trang… theo phong cách của từng người.
Nghề phóng viên được gọi là “nghề nguy hiểm” thì phóng viên ảnh xét trên nhiều phương diện ảnh còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Phóng viên ảnh phải tiếp cận hiện trường, hòa mình vào sự kiện để ghi lại hình ảnh cụ thể. Họ phải tác chiến độc lập không thể trông đợi vào đồng nghiệp hay tập thể. Chỉ có họ mới hiểu được hiện trường này thì phải chụp cái gì, chụp như thế nào. Thông điệp của phóng viên ảnh là những tấm ảnh nên việc bám sát hiện tượng sự việc vô cùng quan trọng.
Rất nhiều phóng viên ảnh đã không trả lời được lý do vì sao? họ chọn theo nghề phóng viên ảnh - nghề đối mặt với nhiều mối nan nguy rình rập, nghề tiếp cận với bao khó khăn mà không tìm kiếm một công việc bình yên hơn. Quả thực, đâu dễ để tìm được lý do thỏa đáng nhất cho câu trả lời tuy nhiên có thể nhận ra ở hầu hết phóng viên ảnh đó là tình yêu nghề vô tận.
Ở họ, không chỉ đơn giản là làm tốt công việc mà phóng viên ảnh luôn có sự đam mê, dấn thân và bản lĩnh đối mặt với hiểm nguy. Với họ, yêu thích nghề thôi chưa đủ, phóng viên ảnh luôn phải học hỏi, tích lũy trau dồi kiến thức về ảnh báo chí, kiến thức xã hội, sự nhạy cảm của một nhà báo... để đáp ứng tốt nhất công việc. Nghề phóng viên ảnh không dành cho người yếu ớt về sức khỏe thể lực, cũng không dành cho những người có lối sống hưởng lạc kiểu con nhà công tử, không dành cho những người sống trong nhung lụa quen có người hầu kẻ hạ, đi về xe đón xe đưa... Đó là nghề dành cho những người đã quen với sự trải nghiệm trong cuộc sống, quen với tự phục vụ mình, quen với những kỹ năng đơn giản để sống sót và tồn tại trước những nguy hiểm và đe dọa.
Đãi ngộ - Còn những bất cập
Khoảng 5 năm trở lại đây, việc sử dụng ảnh như một kênh thông tin cùng bài viết đã tốt hơn nhiều ở các tòa soạn. Nhiều tờ báo dùng hình ảnh mang tính báo chí mạnh hơn, có sức thuyết phục, ảnh không đơn thuần là mang tính minh họa như trước mà nó là một phần thông tin không nhỏ gánh vác thông tin muốn nói của bài viết. Ảnh báo chí đã thể hiện được tầm quan trọng của mình để chuyển tải thông điệp đến độc giả. Đội ngũ nhiếp ảnh báo chí hiện nay ở các tòa soạn cũng khá đông đảo, mỗi cơ quan đều có ít nhất một đến hai phóng viên ảnh chuyên nghiệp và họ làm việc khá nghiêm túc… Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ảnh báo chí và phóng viên ảnh báo chí không còn những bất cập.
Vấn đề bản quyền hiện nay chưa có sự thống nhất, chế tài xử phạt chưa nghiêm minh nên luôn diễn ra tình trạng ăn cắp ảnh, nhất là trong hệ thống báo mạng, việc dẫn nguồn cũng chỉ là cho có chứ chưa có chế độ trả thù lao cho tác giả, việc copy ảnh trên mạng rồi mang về đăng trong bài của mình vẫn diễn ra thường xuyên mà không xin phép tác giả, tác giả bị lấy ảnh cũng không biết kêu ai nên cũng chỉ đành cười trừ. Hiện nay các trang mạng xã hội như Facebook, các trang chuyên ảnh là nơi tiềm năng để các báo mạng ăn cắp ảnh sau đó chỉ ghi (theo ABC..) đây là hành động vi phạm bản quyền nghiêm trong nhưng mọi việc vẫn diễn ra bình thường, không có cơ quan nào đứng ra phân xử, nếu có cũng rất ít. Thiết nghĩ trong thời gian tới, các cơ quan có chức năng cũng cần phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bản quyền tác giả, nhằm giảm bớt tình trạng làm mà không có công, trồng cây mà không được hái quả của đội ngũ những phóng viên ảnh.
Mặt khác, chế độ đãi ngộ dành cho phóng viên ảnh vẫn chưa thỏa đáng. Mặt bằng trả nhuận ảnh tại các địa phương vẫn khác nhau, có tờ báo trả rất cao nhưng ngược lại có tờ trả rất thấp, việc đánh giá đúng giá trị của ảnh chưa được quan tâm đúng mức nhất là tại các báo tỉnh, việc chi trả nằm dưới sự bao cấp của Nhà nước. Có những đồng nghiệp làm phóng viên ảnh tâm sự, họ đi cả ngày đường mới đến được nơi tác nghiệp, quá trình làm việc rất gian khổ và nguy hiểm nhưng đến khi mang ảnh về toà soạn chỉ dùng 3 trong số 20 ảnh gửi về, nhân lên với chế độ hiện hành thì phóng viên đó nhận được chưa tới 200 ngàn đồng. Trong khi đó cũng là những người chụp ảnh quảng cáo, ảnh cưới… một ngày chụp ảnh có số tiền công tới vài triệu đồng mà không phải vất vả như phóng viên ảnh. Việc chi trả nhuận bút thấp sẽ gây tâm lí thiếu động lực trong những lần tác nghiệp sau, dễ sinh tâm lí làm cho xong, bởi có làm tốt hơn nữa thì cũng chỉ được bấy nhiêu…
Phóng viên ảnh sẽ không yên tâm khi tác nghiệp do quyền lợi không được ghi nhận đúng thực tế. Với thời giá như hiện nay thì thu nhập luôn là điều phóng viên ảnh trăn trở. Có được một chế độ đãi ngộ tốt, được đầu tư về trang thiết bị tác nghiệp hiện đại… sẽ là những động lực để phóng viên ảnh dốc sức làm việc và cho ra nhiều sản phẩm ảnh báo chí tốt nhất.