Thưa ông, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện những giải pháp gì để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?
Đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp năm nay.
Trước đó, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, để chuẩn bị kỳ thi, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT, các TTGDTX đảm bảo dạy học đủ chương trình, kế hoạch thời gian năm học.
Năm nay, chúng tôi tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh như cách dạy học theo tín chỉ ở bậc Đại học. Theo đó, các trường THPT, TTGDTX tổ chức lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, dạy giỏi để ôn thi cho học sinh.
Đồng thời quán triệt tuyệt đối tinh thần ôn thi ở tất cả các môn học có trong quy chế; đảm bảo ôn tập ở tất cả các môn cho học sinh ngay cả ở môn có ít em đăng kí cũng phải dạy thật nghiêm túc.
Năm nay, Thái Nguyên có 12.952 thí sinh dự thi ở 32 Hội đồng coi thi. Chúng tôi đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho kỳ thi. Phối hợp, kết hợp với các lực lượng, sở, ban ngành trong tỉnh đảm bảo các phương án tối ưu về điện, nước, an ninh, y tế, giao thông... phục vụ cho kỳ thi.
Tỉnh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác coi thi để tăng cường kiểm tra, phòng ngừa những việc bất thường trong suốt kỳ thi; Sở huy động 1.995 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi tốt nghiệp năm nay. Đảm bảo có 2,5 giám thị/phòng thi; 7 phòng thi có một thanh tra theo đúng quy chế thi của Bộ.
Đối với những buổi thi có môn thi thứ 2, tại các HĐCT, Thái Nguyên đã tổ chức những “vùng đệm” tách biệt với khu vực thi để thí sinh chờ thi. Nếu trường nào không có đủ cơ sở vật chất cho việc này, chúng tôi tổ chức dựng nhà bạt dã chiến để tạo điều kiện tốt nhất cho các em đi thi.
Ông đánh giá như thế nào về trọng số 50/50, sử dụng kết quả học tập của học sinh năm lớp 12 để xếp loại tốt nghiệp năm nay?
Tôi cho rằng đây là chủ trương hết sức hợp lý được Bộ GD&ĐT đưa vào quy chế thi năm nay.
Trong trọng số này, 4 môn thi chính là 4 môn ở cấp quốc gia đánh giá, còn lại kết quả kiểm tra đánh giá học sinh là địa phương, các nhà trường đánh giá. Theo tôi, xếp loại, đánh giá tốt nghiệp học sinh theo cách này là khách quan, công bằng và sẽ phản ánh sát kết quả học tập của học sinh phổ thông.
Vấn đề đặt ra cho các địa phương trong công tác này là làm thế nào đó để quản lý, chỉ đạo các nhà trường đánh giá, cho điểm, xếp loại học sinh lớp 12 một cách chính xác, khách quan không bị tác động bên ngoài để đảm bảo phản ánh đúng chất lượng dạy và học;
Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc việc tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Các thầy, cô giáo cũng mong muốn đánh giá nghiêm túc, khách quan để đảm bảo công bằng trong xếp loại học tập giữa các em học sinh.
Bên cạnh đó là chúng tôi có các phần mềm quản lý điểm của học sinh được cập nhật hàng ngày đến các cấp quản lý giáo dục. Qua đây, Sở có thể quản lý được tiến độ, cách thức kiểm tra đánh giá của từng trường, từng học sinh.
Vừa qua, Sở kiểm tra hồ sơ, sổ sách thì thấy rằng mức độ chênh lệch của kết quả đánh giá, xếp loại học sinh giữa học kỳ II và học kỳ I là không đáng kể.
Chúng ta phải tin vào sự đánh giá của các nhà trường, tâm huyết của các giáo viên đối với việc chỉ đạo quản lý giảng dạy học sinh.
Đối với nhiều ý kiến cho rằng việc đánh giá, xếp loại học sinh năm này là áp lực đối với các nhà trường: Tôi cho rằng vấn đề không phải như vậy. Đây là chủ trường hợp lý, đúng đắn của Bộ GD&ĐT.
Việc các nhà quản lý giáo dục, các cấp quản lý giáo dục phải làm như thế nào để quản lý công tác này là trách nhiệm cán bộ của mỗi người. Theo tôi vấn đề này không áp lực đến mức các cán bộ không thể hoàn thành được. Hơn thế nữa ngành Giáo dục đã làm việc này một cách rất nền nếp từ nhiều năm nay;
Trong khi đó, các nhà trường cũng đang coi vấn đề kiểm tra, đánh giá học sinh là mục tiêu đúng đắn để đảm bảo công bằng trong học tập giữa các em. Quan trọng nhất là sự chỉ đạo sát sao, kịp thời từ các cấp.