Những vị tướng nổi tiếng trên bục giảng

GD&TĐ - Trong các nhà trường quân đội, có nhiều vị tướng là Giáo sư, Tiến sĩ, là những nhà giáo uy tín, nhiều người được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý như Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân.

Trong số đó, có nhiều người xuất thân từ nghề giáo viên trước khi khoác áo nhà binh, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Cao Văn Khánh, Thiếu tướng Đào Huy Vũ.

Từ trái qua: Trung tướng Cao Văn Khánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn, Trung tướng Bằng Giang - Tư lệnh Liên khu 10.
Từ trái qua: Trung tướng Cao Văn Khánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn, Trung tướng Bằng Giang - Tư lệnh Liên khu 10. 

Trung tướng Cao Văn Khánh – Thầy giáo Toán trở thành Tổng tham mưu phó

Câu chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những năm dạy học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội trước khi lên đường hoạt động Cách mạng thì nhiều người đã biết. Một cộng sự thân tín của Đại tướng cũng có hành trình tương tự, đó là Trung tướng Cao Văn Khánh (1917 - 1980), nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cũng giống như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Cao Văn Khánh từng là sinh viên Đại học Luật Hà Nội và cũng gắn bó với nghề dạy học sau khi rời mái trường này. Khác với Đại tướng Võ Nguyên Giáp dạy môn Lịch sử, ông Khánh dạy Toán. Đó là vào đầu những năm 1940, khi Mỹ bắt đầu dùng không quân đánh quân Nhật ở Hà Nội, ông Khánh rời trường về quê ở Huế, chọn việc đi dạy học tư chứ không làm việc cho Nhà nước bảo hộ.

Trong cuốn “Tướng Cao Văn Khánh” do con gái của Trung tướng, PGS.TS Cao Bảo Vân biên soạn, cho biết, ông Khánh dạy môn Toán ở Trường tư thục Phú Xuân do anh trai ông là Cao Văn Chiểu làm Giám đốc. Ngoài ra, ông còn được mời dạy trình độ tú tài Toán ở các trường Providence Thuận Hóa, Lycéum Việt Anh… Sách trích lời kể của Thiếu tướng Mai Xuân Tần, nguyên Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, từng là học trò giỏi trong lớp “thầy Khánh”, kể lại: “Trong lớp, thầy Khánh dạy Toán rất quý tôi, tôi cũng rất thích phương pháp dạy học của thầy. Thầy luôn nhìn ra rất nhanh điểm mạnh, khơi gợi sáng tạo và tự tin của học trò. Mỗi lần giảng xong, thầy lần lượt ra một loạt bài vận dụng từ dễ đến khó. Ra đề bài xong, thầy để mấy phút rồi hỏi “Qui voit?” (Ai biết?). Thầy nhìn một lượt quanh hết lớp rồi mới đến chỗ tôi. Thầy biết nếu không có ai giơ tay thì cuối cùng tôi cũng giơ. Bằng cách đó, thầy đã động viên học sinh thi đua, ai được lên bảng giải toán cho cả lớp đều thấy vinh dự lại được điểm cao…”.

Theo PGS Cao Bảo Vân, dạy học đối với tướng Khánh không chỉ là nghề nghiệp, mà còn là đam mê và bổn phận, nên cả khi đã ở trong quân đội, ông vẫn không ngừng truyền đạt kiến thức, khuyến khích phát huy tiềm năng cá nhân. Đại tá Giang Hà, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, kể lại: “Trong chiến dịch Sông Thao tháng 5/1949, những lúc nghỉ giữa những đợt tác chiến, anh vẫn giúp tôi giải Toán – Lý và nói phải học suốt đời, để tự mình có điểm tựa bản năng”.

Nhà giáo Hữu Ngọc nhận xét: “Không ai đoán trước được một thầy giáo phong thái nho nhã như vậy lại trở thành một vị tướng chiến lược xuất sắc, cánh tay phải của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Tham gia phong trào hướng đạo, ông Khánh gia nhập Trường Thanh niên tiền tuyến ở Huế, sau Cách mạng tháng Tám chuyển thành lực lượng vũ trang cách mạng Thừa Thiên – Huế, rồi gắn bó với quân ngũ đến cuối đời.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt giữ các chức Khu trưởng khu V, Đại đoàn phó Đại đoàn 308, sau đó về Bộ Tổng tham mưu làm Cục trưởng Cục Quân huấn, Cục trưởng Cục Kế hoạch kiêm Cục trưởng Cục Nhà trường, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân... Trong kháng chiến chống Mỹ, ông nhiều lần làm tư lệnh các chiến trường miền Trung và Tây Nguyên, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tổng tham mưu trưởng, cho đến khi qua đời vì bạo bệnh năm 1980.

Thiếu tướng Đào Huy Vũ - Từ hương sư đến thầy giáo Học viện Quốc phòng

Thiếu tướng Đào Huy Vũ.
Thiếu tướng Đào Huy Vũ.

Thiếu tướng Đào Huy Vũ (1924 - 1986) sinh trưởng trong một gia đình nông dân thuộc xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội. Vốn thông minh, lại sinh trưởng trong một dòng họ nhiều đời làm thầy dạy học nên Đào Huy Vũ thi lấy bằng “Tiểu học yếu lược” (Certificat) không mấy khó khăn. Sau khi học thêm chứng chỉ về sư phạm, ông đã vượt qua kỳ tuyển trạch và trở thành hương sư tại quê nhà.

Sớm giác ngộ cách mạng, từ năm 1942, ông tham gia Thanh niên cứu quốc. Năm 1945, sau khi cùng đồng chí, đồng bào giành chính quyền về tay nhân dân tại huyện nhà, Đào Huy Vũ nhập ngũ, chính thức trở thành chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân (sau này là Quân đội Nhân dân Việt Nam). Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đào Huy Vũ đã chiến đấu trên nhiều mặt trận khác nhau, trải qua nhiều cương vị công tác, khi kháng chiến thắng lợi ông đã là cán bộ cấp trung đoàn.

Năm 1956, Đào Huy Vũ được cử đi học về chỉ huy xe tăng tại Trung Quốc. Năm 1959, khi thành lập Trung đoàn 202 - trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông được giao đảm nhiệm chức vụ Trung đoàn trưởng. Năm 1965, khi Binh chủng Tăng - Thiết giáp được thành lập, ông được giao chức vụ Phó Tư lệnh (chưa có Tư lệnh). Cuối năm 1974, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm 1975, Đào Huy Vũ được bổ nhiệm Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy binh chủng ông cùng các cộng sự xây dựng nên cách đánh riêng có của xe tăng Việt Nam, phù hợp với điều kiện địa hình, tình hình địch và truyền thống “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” của dân tộc. Cách đánh đó đã đưa xe tăng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và lập nên nhiều chiến tích huy hoàng. Ông cũng là người có nhiều đóng góp vào công tác xây dựng lực lượng và sử dụng tăng thiết giáp trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Tháng 9/1980, ông Đào Huy Vũ được giao nhiệm vụ về làm Chủ nhiệm Khoa Tăng - Thiết giáp của Học viện Quốc phòng - cơ sở đào tạo cán bộ cấp chiến lược của Nhà nước ta. Với kinh nghiệm được học tập tại Học viện Xe tăng Malinovski (Liên Xô), ông đã cùng các giáo viên nâng cao chất lượng các tài liệu huấn luyện về Tăng – Thiết giáp lên một bước, được Ban Giám đốc học viện cũng như học viên đánh giá cao. Ngoài ra, ông còn trực tiếp biên soạn một số tài liệu tham khảo để cho học viên tự đọc, tự nghiên cứu nâng cao hiểu biết của mình về xe tăng và lịch sử chiến đấu của Binh chủng Tăng – Thiết giáp như “Kinh nghiệm sử dụng xe tăng”, “Một số trận đánh tiêu biểu của xe tăng”...

Thật đáng tiếc, năm 1985 ông mang trọng bệnh và ngày 11/12/1986, ông đã qua đời khi mới 63 tuổi, để lại bao dự định còn dang dở cùng niềm thương tiếc khôn nguôi của gia đình và đồng chí, đồng đội.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo – Danh tướng lẫy lừng, nhà sư phạm quân sự uyên thâm

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo (1921 - 2008) là một vị tướng giỏi trận mạc, uyên thâm về lý luận quân sự và cũng là nhà sư phạm nổi tiếng. Quê tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay xã Bảo Khê thuộc TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), chàng trai có tên khai sinh là Tạ Thái An đã tham gia cách mạng từ sớm và được cử đi học trường quân sự của quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng tại Liễu Châu (Trung Quốc), sau đó được lãnh tụ Hồ Chí Minh phân công về vùng biên giới Việt – Trung hoạt động, tuyên truyền cách mạng từ cuối năm 1944.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, với kiến thức và kinh nghiệm quân sự, Hoàng Minh Thảo đã được tín nhiệm phân công làm lãnh đạo quân sự ở những cương vị quan trọng. Tháng 10/1945, khi mới 24 tuổi, Hoàng Minh Thảo đã được giao làm Khu trưởng Chiến khu 3, thay tướng Nguyễn Bình vào Nam làm Tư lệnh Nam Bộ. Năm 1948, ông đã được phong cấp bậc đại tá trẻ nhất toàn quân khi mới 27 tuổi. Từ Tư lệnh Chiến khu 3, ông được cử vào Chiến khu 4 thay tướng Nguyễn Sơn. Năm 1950, Đại tá Hoàng Minh Thảo được cử làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 - đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu vừa được thành lập. Đời binh nghiệp của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo gắn với nhiều chiến công vang dội. Năm 1975, ông là Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, đã giáng đòn điểm huyệt vào quân lực Việt Nam cộng hòa, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tiếp nối là Chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Bên cạnh 10 năm gắn bó với chiến trường Tây Nguyên thì cuộc đời của danh tướng Hoàng Minh Thảo cũng có thời gian rất dài gắn với các nhà trường quân đội. Từ sau khi tiếp quản Thủ đô (10/1954), ông giữ chức vụ Hiệu phó Trường Bổ túc quân sự trung cao cấp, mà chức Hiệu trưởng do Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng kiêm nhiệm. Sau khi trường chuyển về Bạch Mai, đổi tên thành Học viện Quân sự, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Hơn chục năm làm công tác quản lý giáo dục, đào tạo, vừa chỉ đạo vừa trực tiếp nghiên cứu khoa học quân sự, những bài học kinh nghiệm lớn từ thực tiễn được chuyển tải cho những thế hệ cán bộ cao cấp của quân đội.

Trong cuốn “Chiến đấu ở Tây Nguyên”, Thượng tướng kể lại: “Từ năm 1954 - 1965, trong khoảng 10 năm, đó là một cơ hội lớn cho tôi có được một thời gian dài để làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, nhất là được đọc sách và nghiên cứu nhiều tài liệu lý luận quý giá. Điều mà tôi đã hằng mong mỏi từ nhiều năm trước đó”.

Nội dung huấn luyện chủ yếu của Học viện là cấp trung đoàn, sư đoàn, cả về chính trị và quân sự. Về cơ cấu tổ chức của trường lúc này cũng khá hoàn chỉnh, gần như đã thành lập hầu hết các khoa như Học viện Quân sự cấp cao sau này. Lúc ấy ngoài các khoa cơ bản như chiến thuật và các khoa binh chủng, tổ quân chủng, lần đầu tiên có tổ chức thêm 3 khoa mới: Khoa đường lối quân sự, Khoa quân sự địa phương và Khoa lịch sử quân sự.

Sau chiến tranh chống Mỹ, từ năm 1977 - 1990, ông là người giữ cương vị người đứng đầu dài nhất trong lịch sử Học viện Quân sự cấp cao. Tại đây, ông đã vận dụng các quy luật của lịch sử và diễn biến thực tế trên chiến trường vào giảng dạy, kích thích sự khám phá, gợi mở, ham muốn, phát triển trong nghiên cứu khoa học của người học.

Với nỗ lực trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học không biết mệt mỏi, ngày 12/9/1986, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định đặc cách phong học hàm Giáo sư cho Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Cuối năm 1988, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Năm 1990, Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo là người đầu tiên được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự, nay là Viện Chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng).

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước - Từ chiến trường thẳng tới nhà trường

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước sinh ra trên mảnh đất Hưng Nguyên giữa những ngày rực lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh, mới 15 tuổi, ông đã tham gia giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và khi vừa đến tuổi trưởng thành, ông đã xung phong gia nhập Vệ Quốc Đoàn.

Từ đó, Nguyễn Văn Phước đã tham gia nhiều trận đánh oanh liệt trong các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm và những chiến công lập được, ông đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý và khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông đã trở thành cán bộ tiểu đoàn.

Hòa bình lập lại, ông được đưa đi đào tạo về xe tăng ở nước ngoài và khi Trung đoàn 202 - đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập ông được giao nhiệm vụ làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 - đơn vị chủ công của trung đoàn. Năm 1965, khi thành lập Binh chủng Thiết giáp, ông lại được giao nhiệm vụ Trưởng ban tác chiến của Bộ Tư lệnh Thiết giáp. Ông đã trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị cũng như tổ chức đưa Tiểu đoàn xe tăng 198 vào chiến trường tham gia chiến đấu tại Tà Mây - Làng Vây trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh - trận đánh đầu tiên của bộ đội Tăng - Thiết giáp Việt Nam, mở ra truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng” của binh chủng.

Tiếp đó, trên cương vị Chủ nhiệm Tăng – Thiết giáp của các mặt trận B70, B5, B4 ông đã có gần 7 năm trời gắn bó với mảnh đất Trị - Thiên đầy máu lửa, làm tham mưu về sử dụng tăng - thiết giáp cho người chỉ huy qua các Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, cuộc Tổng Tiến công chiến lược 1972. Khi Quân đoàn I được thành lập năm 1973, ông được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Tăng – Thiết giáp của quân đoàn. Năm 1975, ông đã cùng các đồng đội trẻ của mình ở Lữ đoàn Tăng – Thiết giáp 202 thực hiện cuộc hành quân “Thần tốc” vượt gần 2.000 km tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trưa ngày 30/4/1975, ông đã được chứng kiến niềm vui chiến thắng ngay tại thành phố mang tên Bác.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông được điều động về Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) làm Phó Chủ nhiệm Khoa Tăng – Thiết giáp, khi Học viện cũng vừa mới được thành lập và đang trong quá trình ổn định tổ chức biên chế. Bằng việc kết hợp giữa lý luận quân sự thế giới, đường lối quân sự Việt Nam và kinh nghiệm sử dụng Tăng – Thiết giáp trên chiến trường Việt Nam, Nguyễn Văn Phước đã cùng các đồng nghiệp từng bước hoàn chỉnh hệ thống tài liệu huấn luyện về sử dụng Tăng – Thiết giáp để truyền đạt cho các đối tượng học viên.

Ông đã trực tiếp tham gia biên soạn và hoàn chỉnh các tài liệu “Sử dụng tăng - thiết giáp trong chiến đấu”, “Sử dụng tăng - thiết giáp trong chiến dịch”... Có thể nói, Nguyễn Văn Phước và các đồng sự đã là những người “khai sơn phá thạch”, đi lên từ con số không để xây dựng Khoa Tăng – Thiết giáp của Học viện Quốc phòng.

Năm 1987, ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng. Sau đó, ông tiếp tục công tác tại Khoa Tăng – Thiết giáp của Học viện Quốc phòng cho tới khi về hưu năm 1992 và hiện đang sống tại Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.