Những vị quan 80 tuổi mới về hưu

GD&TĐ - Thời xưa, tuổi thọ trung bình của người dân nước ta thấp. Theo thống kê, tuổi thọ trung bình của vua chúa nước ta cũng chỉ đến hơn 44.

Hoạt cảnh tái hiện Lễ Ban Sóc dưới thời Nguyễn tại Lễ công bố Festival Huế 2023.
Hoạt cảnh tái hiện Lễ Ban Sóc dưới thời Nguyễn tại Lễ công bố Festival Huế 2023.

Nhưng thời nào cũng có người sống thọ 90, thậm chí 100 tuổi. Thế nên dù nhiều đời vua quy định các quan 65 hay 70 tuổi thì về hưu, thì vẫn có những vị làm quan đến hơn 80 tuổi.

Từ thời Lê trung hưng (tính từ vua Lê Thế Tông), đã có lệ các quan văn võ đến 70 tuổi mới cho về hưu. Điều này cho thấy tuổi quan của quan lại thời Lê là rất cao. Theo quy định, viên quan nào đến 69 tuổi thì cuối năm làm tờ khải viện lệ bày xin, giao cho các quan bàn, trình lên Chúa Trịnh xem xét, để có thể thăng chức tước khi về hưu.

Thời Lý, Trần, các quan làm việc cho đến khi nhà vua cho nghỉ. Vậy nên mới có chuyện “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, vào năm Giáp Dần, niên hiệu Thái Ninh năm thứ 3 (1074), vua Lý Nhân Tông xuống chiếu cho các công thần tám mươi tuổi đều được chống gậy ngồi ghế khi vào chầu.

Thời Trần Anh Tông, có viên Hành khiển trí sĩ Nguyễn Kim Ngô về chầu, tự xưng là Liễu Nhiễu. Kiên Ngô tính thẳng thắn, vua ưu đãi, quý trọng, không gọi tên để khuyến khích những người tuổi già vẫn giữ quyền vị.

Thời Lê Dụ Tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), ra quy định là quan võ, thì nội giám từ đồng tri giám sự trở lên, 70 tuổi được cho về hưu, từ lục phẩm trở xuống thì cho cáo lão. Định lệ cho quan văn cũng tương tự.

Nhưng đến năm Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720) vẫn có sự kiện là nhóm Hàn quận công Trần Công Thực 9 người đều xin trí sĩ, chúa Trịnh ưng cho. Theo sách “Lê triều tạp kỷ” của Ngô Cao Lãng thì đến thời đó, thể lệ trí sĩ của các võ thần bị bỏ đã lâu, đến lúc này, bọn Công Thực tuổi gần 80 cả, được nghỉ việc về hưu. Buổi tiễn đưa, người kinh đô xúm xít đi xem, truyền nói là một cuộc vui.

Nhiều vị quan khác cũng làm quan đến trên 80 tuổi. Điển hình như ông Nguyễn Minh Triết, quê ở làng Dược Sơn, huyện Chí Linh, Hải Dương, là người thành đạt muộn. Theo truyền thuyết, thuở còn trẻ, có lần ông nằm mộng, thấy có thần hiện lên bảo: “Đến già cũng chưa thành thân”. Ông giận nói: “Ta thử cố sức, xem thần làm gì ta”.

Cụ Đoàn Tử Quang 82 tuổi mới đỗ cử nhân. Ảnh: INT.

Cụ Đoàn Tử Quang 82 tuổi mới đỗ cử nhân. Ảnh: INT.

Sách “Nhân vật chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú chép rằng, sau đó ông đi thi đỗ thám hoa khoa Tân Mùi, niên hiệu Đức Long (1631, đời vua Lê Thần Tông).

Đến khi thi Hội, thi Đình và ứng chế, ông đều đỗ đầu, khi ấy, ông đang làm chức huyện doãn ở An Lão (Hải Phòng ngày nay), tuổi đã 54. Đến những năm niên hiệu Vĩnh Thọ (lúc vua Lê Thần Tông làm vua lần thứ 2), có việc sách phong ở phủ chúa, các quan ở tướng phủ thấy ông là bậc già cả học rộng, được trọng vọng, nên cử ông bưng kim sách.

Năm ông hơn 80 tuổi, vẫn được cử làm Thượng thư bộ Binh, tước Cẩn quận công. Khi được cho nghỉ hưu, tinh thần ông vẫn còn khỏe mạnh, không suy kém. Mỗi khi có các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán và lễ Diên Thọ (sinh nhật vua), ông lại vào triều. Ông thọ đến 96 tuổi mới mất, được truy tặng chức Thượng thư bộ Hộ, lại được ban tên thụy là Văn Đẩu.

Phan Huy Chú nhận định: “Ông Nguyễn Minh Triết là người văn hay học rộng, được thời ấy suy tôn. Nhưng thi đỗ muộn, tiến lên cõi thọ gần trăm tuổi như ông, cũng là việc ít thấy ở đời”.

Cũng vào thời này, có một vị đại khoa làm quan đến khi trên 80 tuổi và cũng được ghi lại giai thoại về chuyện báo mộng. Đó là tiến sĩ Vũ Công Đạo. Ông người làng Mộ Trạch (huyện Bình Giang, Hải Dương), vùng đất khoa bảng nổi tiếng xứ Đông, lúc trẻ đã nổi tiếng anh tuấn, thông minh, học vấn rộng rãi.

Sách “Nhân vật chí” ghi chuyện, cũng vào niên hiệu Vĩnh Thọ, năm 1658, có khoa thi Hương, nhưng vì ông đang có tang cha mẹ nên không dự thi được. Đêm ông ngủ mộng thấy đến chùa Vô Ngại, nghe có tiếng gọi “Tiến sĩ đi đâu đấy?”. Ông gặp người giữ cửa hỏi rằng: “Có quan nào ở trong ấy?”. Người giữ cửa nói: “Mặc áo vàng ngồi giữa là Ngọc Hoàng Thượng đế, mặc áo đỏ và xanh ngồi hai bên tả hữu là Nam Tào và Bắc Đẩu”.

Ông vào sân yết kiến để hỏi, bỗng nghe nói “Năm nay thi đỗ”. Rồi khoa thi Hội mùa Xuân năm Kỷ Hợi (1659), vì triều đình có việc nên hoãn đến mùa Đông. Chúa Trịnh Căn có chỉ xuống nói rằng những người thiếu mặt và đi thi thay, nếu có văn học giỏi đều tha cho cả để thu dụng nhân tài. Vì thế, ông được miễn lệ, khoa ấy quả nhiên ông đỗ tiến sĩ.

Vũ Công Đạo làm Ngự sử ở triều đình, nổi tiếng là người cương nghị, đương thời đánh giá ông là ngự sử chân chính. Do nói lời thẳng thắn nên có lúc ông bị bãi về, nhưng không bao lâu chúa Trịnh lại triệu ra dùng, cho làm quan đến Thượng thư bộ Hộ, đến năm 86 tuổi ông mới qua đời.

Thời Nguyễn, đời vua Minh Mạng, năm 1832, có viên Hữu quân Phó tướng, Gia nô thống hàm Nguyễn Văn Xuân, cũng làm quan khi đã 80. Nhân gặp sinh nhật 80 tuổi của ông, vua thưởng cho sa đoạn các màu mỗi thứ 4 cuộn, lụa và sa ta mỗi thứ 4 tấm, đồ chơi bằng vàng ngọc 4 thứ, đồ bằng pha lê 4 thứ, đồ uống rượu và đồ uống trà mỗi thứ 1 bộ.

Nhà vua dụ rằng: “Nguyễn Văn Xuân năm nay đã 80 tuổi thọ, thế mà đi lại khỏe mạnh, ngày thường tới hầu, vả lại năm trước có hai lần làm việc ngoài biên đều thành công cả. Nay gặp ngày sinh của ngươi, ta được biết thật đáng vì ngươi mà vui mừng, bèn sai Thị lang Nội các là Hoàng Quýnh và Lãnh thị vệ là Nguyễn Trọng Tinh tới ban các đồ thưởng để tỏ lòng ta đoái thương, ưu đãi người bề tôi kỳ cựu có công lao”.

Cuối thời Nguyễn, có cụ Đoàn Tử Quang, người huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, năm 1900 (đời vua Thành Thái) thi đỗ cử nhân khi đã 82 tuổi, vẫn được đặc cách bổ dụng làm Huấn đạo huyện Hương Sơn, rồi Huấn đạo huyện Can Lộc. Đến năm 85 tuổi, cụ mới xin về hưu để phụng dưỡng mẹ già.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.