Dưới đây là những chia sẻ của cô Phạm Thị Mai – giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) – về nội dung này.
Các hình thức lồng ghép
Có thể thống kê 6 cách thức lồng ghép kiến thức thực tế vào bài dạy Hóa học, cụ thể như sau:
Lồng ghép dưới dạng các bài tập trắc nghiệm và lồng ghép dưới dạng câu hỏi vấn - đáp: Ưu điểm của phương pháp này là có thể lồng ghép ở bất kì phần nào của bài học như: Kiểm tra bài cũ, sau khi hình thành kiền thức mới, củng cố, bài kiểm tra đánh giá…; dễ thực hiện, dễ vận dụng và học sinh dễ trả lời.
Tuy nhiên, cách này cũng có nhược điểm, đó là: Khó khắc sâu kiến thức cho học sinh vì không gây ấn tượng cho học sinh; học sinh dễ vận dụng để làm bài nhưng nhanh quên.
Lồng ghép dưới dạng tranh ảnh, biểu bảng và lồng ghép dưới dạng trò chơi. Ưu điểm của phương pháp này là dễ tạo hứng thú học tập cho học sinh và khắc sâu kiến thức cho học sinh vì thông qua tranh ảnh, biểu bảng sẽ tạo ấn tượng mạnh cho học sinh; dễ vận dụng, dễ thực hiện.
Nhược điểm: Không phải bất kì bài nào cũng có thể lồng ghép được, chỉ lồng ghép ở một số bài học cụ thể. Giáo viên phải dùng các phương tiện hỗ trợ như tranh ảnh, máy chiếu, máy tính…
Lồng ghép dưới dạng sưu tầm của học sinh và lồng ghép dưới dạng sơ đồ tư duy. Cách này có ưu điểm: Dễ khắc sâu kiến thức cho học sinh vì thông qua việc tự sưu tầm hoạ sinh có thể tự lĩnh hội kiến thức. Tạo hứng thú học tập cho học sinh vì các em được tự mình làm việc, được hoạt động nhóm.
Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là không phải bất kì bài nào cũng có thể lồng ghép được, chỉ lồng ghép ở một số bài học cụ thể. Khó vận dụng vì không phải bất kì phần nào của bài học cũng vận dụng được.
Ví dụ lồng ghép dưới dạng bài tập trắc nghiệm
Hình thức lồng ghép: Lồng ghép vào bài kiểm tra đánh giá hoặc phần củng cố sau mỗi bài học.
Ví dụ 1: Khí nào sau đây được dùng để bơm vào khinh khí cầu?
A. Khí oxi
B. Khí clo
C. Khí hiđrô
D. Khí cacbonic
Đáp án: C (vì khí hiđro nhẹ nhất trong các chất khí)
Vận dụng: Bài 20: Tỉ khối của chất khí
Ví dụ 2: Để dập tắt đám cháy do xăng, dầu ta không được dùng cách nào trong các cách sau?
A. Phun nước vào đám cháy
B. Phủ khăn ướt lên đám cháy
C. Phủ cát lên đám cháy
D. Dùng bình cứu hoả phun vào đám cháy.
Đáp án: A (Vì xăng, dầu nhẹ hơn nước sẽ mổi trên mặt nước, sế tiếp tục cháy to hơn vì tiếp xúc với không khí)
Vận dụng: Bài 28: Không khí, sự cháy
Ví dụ 3: Khí hiđro được dùng để hàn cắt kim loại vì:
A. Khí hđro ít tan trong nước
B. Khí hiđro khi cháy toả nhiều nhiệt
C. Khí hiđro nhẹ nhất trong các chất khí
D. Khí hiđro có thể khử một số oxit kim loại ở nhiệt độ cao
Đáp án: B
Vận dụng Bài 31: Tính chất, ứng dụng của hiđro
Ví dụ lồng ghép dưới dạng câu hỏi vấn - đáp
Hình thức lồng ghép: Sau khi hình thành kiến thức mới học sinh vận dụng để giải thích các hiện tượng thực tế.
Ví dụ 1: Tại sao oxi được dùng làm nhiên liệu, chất đốt? Tại sao khí oxi cần thiết cho sự sống của người và động vật ( sự hô hấp), với thực vật ( Sự hô hấp và quang hợp của cây xanh).
Trả lời: Giáo viên hướng dẫn học sinh giải thích các ứng dụng của oxi là do tính chất của oxi:
Oxi có phản ứng oxi hoá các chất khác, thường toả nhiều nhiệt.
Trong sự hô hấp của người, oxi kết hợp với hemoglobin trong máu đi đến các tế bào, tham gia quá trình oxi hoá chậm, giải phóng khí CO2.
Trong sự quang hợp của cây xanh, khí CO2 tác dụng với nước dưới tác dụng của chất diệp lục và ánh sáng mặt trời taọ thành tinh bột và giải phóng khí oxi. Do đó trồng nhiều cây xanh sẽ giúp cho việc giảm khí CO2 và tăng khí oxi cho khí quyển.
Vận dụng: Bài 25: Sư oxi hoá, phản ứng hoá hợp, ứng dụng của oxi
Ví dụ 2: Giải thích vì sao khi người thợ lặn xuống một độ sâu khá lớn thì sẽ cảm thấy bàng hoàng, cử động mất tự nhiên như say rượu?
Giải thích: Càng xuống sâu áp suất càng tăng do vậy khả năng hoà tan khí càng lớn. Trong không khí người thợ lặn hô hấp có chứa nitơ vì vậy sẽ có hiện tượng hoà tan nitơ và dẫn đến hiện tượng say nitơ.
Hiện tượng say nitơ rất nguy hiểm có thể gây chết người do khi nhô lên nhanh thì N2 thoát ra theo 2 con đường: qua mặt phổi hoặc tạo thành những bong bóng nhỏ trong máu làm tắc mao quản và gây chất người. để khắc phục người thợ lặn phải ngoi lên từ từ để N2 thoát ra qua mặt phổi hoặc thay không khí có chứa N2 bằng không khí có chứa heli
Vận dụng: Bài 28: Không khí, sự cháy
Ví dụ lồng ghép dưới dạng trò chơi
Hình thức lồng ghép: Phần mở bài hoặc củng cố bài học.
Ví dụ: Trò chơi ô chữ:
Có 6 chữ cái: Kim loại có nhiệt độ nóng chảy cao được dùng làm dây tóc bóng đèn
Có 8 chữ cái: Kim loại ở thể lỏng, được sử dụng trong các nhiệt kế
Có 5 chữ cai: Kim loại có nhiệt độ nóng chảy thấp được dùng để hàn kim loại.
Có 3 chữ cái: Kim loại được dùng là lá chắn bảo vệ người làm việc trong phòng X quang.
Có 4 chữ cái: Kim loại nhẹ và bền được dùng là vỏ máy bay.
Ví dụ lồng ghép dưới dạng bài sưu tầm của học sinh
Hình thức lồng ghép: Lồng ghép trong quá trình hình thành kiến thức.
Ví dụ: Khi dạy bài 36 phần III: Vai trò của nước trong đời sống và sản xuất, giáo viên có thể yêu cầu học sinh chuẩn bị bài sưu tầm theo nhóm vai trò của nước, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và biện pháp bảo vệ nguồn nước chống ô nhiễm. Sau đó các nhóm tự trình bày bài sưu tầm của mình trên lớp và cùng nhau thảo luận để rút ra kiến thức.
Ví dụ lồng ghép dưới dạng sơ đồ tư duy
Hình thức lồng ghép: Lồng ghép trong quá trình hình thành kiến thức.
Ví dụ: Khi dạy bài 36 phần III: Vai trò của nước trong đời sống và sản xuất, giáo viên có thể yêu cầu học sinh vẽ sơ đồ tư duy theo nhóm về các nội dung sau: vai trò của nước, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và biện pháp bảo vệ nguồn nước chống ô nhiễm. Sau đó các nhóm tự trình bày bài của nhóm trên lớp và cùng nhau thảo luận để rút ra kiến thức.
Ví dụ lồng ghép dưới dạng tranh ảnh, sơ đồ, biểu bảng
Hình thức lồng ghép: Lồng ghép vào bất kì phần nào của bài học có liên quan đến thực tế
Khi dạy bài 31: Tính chất, ứng dụng của hiđro giáo viên đưa ra sơ đồ ứng dụng như sau:
Cô Phạm Thị Mai cho rằng, việc lồng ghép hiện tượng thực tế vào giảng dạy hóa học 8,9 phát huy được tính tích cực cho học sinh, cải thiện tình trạng lớp học thụ động, nhàm chán. Đồng thời giúp các em thêm yêu thích môn học.
Thông qua việc lồng ghép hiện tượng thực tế vào bài giảng, học sinh hiểu bài một cách sâu sắc hơn vì các em phải vận dụng các kiến thức trong bài để giải thích các hiện tượng thực tế. Qua đó học sinh khắc sâu được kiến thức mỗi bài học và ghi nhớ bài lâu hơn.