Thiếu môi trường tự học
Julia Lee sinh ra ở Hàn Quốc, sống ở Kazakhstan và có người thân ở Nga nên cô biết nhiều về phương pháp giảng dạy. Julia nói rằng vấn đề lớn nhất của giáo dục Bulgaria là duy trì kỷ luật. Ở Kazakhstan, Hàn Quốc và Nga, trẻ em tôn trọng giáo viên ngay từ lớp Một, trong khi ở đây, các giáo viên không đủ nghiêm khắc và khó giữ cho cả lớp im lặng.
Theo Julia Lee, ở Hàn Quốc, mọi thứ đều xoay quanh vấn đề học tập. Trẻ em học hành chăm chỉ và quyết tâm thi vào một trường đại học danh tiếng, nếu không, chúng khó có thể sống sót trong thế giới đầy tham vọng. Phụ huynh trả số tiền rất lớn cho các giờ học thêm của con. Ngoài ra, học sinh Hàn Quốc bắt đầu tham dự các buổi học riêng và hoạt động ngoại khóa khác nhau mỗi ngày kể từ lớp 9. Một ngày, học bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 4 giờ chiều.
Ở Hàn Quốc, tham vọng, chăm chỉ và cạnh tranh hình thành sớm ở trẻ em. Đó cũng là lý do tại sao ở các nước châu Á, tỷ lệ tự tử cao hơn. Ngoài ra, sự sáng tạo không được coi trọng và phát triển. Họ ghi nhớ các sự kiện và đặt mục tiêu trở thành một trong số đông lao động được trả lương cao, nhưng rất ít người có tầm nhìn và phẩm chất độc đáo trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ.
Julia thừa nhận Bulgaria tốt hơn Hàn Quốc về mặt cực đoan trong học tập và áp lực nhồi nhét, nhưng ngược lại, Bulgaria cũng có những điều cần học hỏi từ hệ thống giáo dục châu Á. Ví dụ, Hàn Quốc có các lớp tự học, và học sinh có thể tự giải quyết bài tập về nhà ngay tại trường. Đó cũng là cách học sinh nơi đây hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ nếu họ về nhà muộn. Ở Bulgaria, các lớp học này chỉ được tổ chức ở trường tiểu học và không bắt buộc. Nếu mô hình tự học được thiết lập tại đây, có lẽ học sinh Bulgaria sẽ làm việc hiệu quả hơn và quản lý thời gian tốt hơn.
Julia cũng lấy ví dụ ở Nhật Bản, nơi học sinh tự dọn dẹp phòng học và phục vụ bữa trưa trong căng tin, đây cũng là cách họ tôn trọng thực phẩm và tài sản của trường. Có lẽ Bulgaria nên học hỏi từ các hệ thống trường học châu Á và cải thiện động lực học tập, tôn trọng trường học và giáo viên.
Tương tự, ở Kazakhstan, lớp học sẽ chọn ra một nhóm mỗi ngày để giữ phòng sạch sẽ và theo dõi kỷ luật. Ở Nga, giáo viên rất khắt khe và môi trường cạnh tranh cao vì họ luôn nỗ lực hết mình để đáp ứng mong đợi. Học sinh cũng cạnh tranh về điểm số để giành học bổng tại những trường đại học danh tiếng, nếu không, họ sẽ phải trả học phí rất cao.
Cần nâng cao kỷ luật
Leman Hanbalaeva đến từ Azerbaijan. Gia đình cô chuyển đến Bulgaria với mong muốn đất nước này sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn. Cô thích hệ thống giáo dục ở đây bởi ở Azerbaijan, mọi thứ - từ trường tiểu học đến đại học - được kiểm soát bởi tiền chứ không phải điểm số. Theo quan điểm của Leman, nên có một hội thảo cho các giáo viên Bulgaria về việc nâng cao mức độ kỷ luật và cách duy trì nó trong các lớp học.
Evelina Godemanova đến từ Bulgaria nhưng là một fan hâm mộ của hệ thống giáo dục ở Phần Lan. Đất nước này mang lại sự tự do hoàn toàn cho học sinh - không có bài tập về nhà, áp lực được giảm thiểu tối đa. Mọi trường đều bình đẳng - không có trường đại học danh tiếng hơn hoặc trường trung học tốt hơn, vì vậy không có bầu không khí cạnh tranh và những đứa trẻ được cho là học theo nhịp độ riêng của chúng. Evelina nói rằng, việc học ở Phần Lan là một thanh kiếm có hai cạnh - một mặt, sự tự do hoàn toàn của học sinh cho phép họ phát triển trong lĩnh vực họ muốn mà không lãng phí thời gian vào những môn học vô dụng, nó cũng khuyến khích sự sáng tạo và tầm nhìn của cá nhân. Mặt khác, nó không tạo ra tham vọng phấn đấu để đạt được kết quả tốt hay để bản thân hoàn thiện hơn, không dạy họ đối phó với những thách thức mà cuộc sống sẽ đưa ra.
Evelina hài lòng với hệ thống giáo dục Bulgaria, nhưng cô cũng thẳng thắn bày tỏ mong muốn, nếu có thể, số lượng các môn học nên giảm bớt. Ví dụ, học sinh có thể tự chọn chương trình theo sở thích và các lĩnh vực họ có thể làm tốt trong tương lai. Giống như những trường trung học và đại học ở Mỹ, học sinh được tự chọn chương trình và biết rằng mọi thứ họ học đều hữu ích, vì thế có động lực để chăm chỉ hơn.
Khi được hỏi, cả 3 cô gái đều bày tỏ mong muốn đi du học sau khi tốt nghiệp trung học. Julia cho rằng, điều này sẽ mang lại sự thú vị và nhiều thách thức hơn là ở lại Bulgaria. Học tập ở nước ngoài mang đến nhiều cơ hội hơn để cải thiện bản thân và phát triển năng lực cá nhân. Với Leman, sau khi tốt nghiệp, cô sẽ trở lại Azerbaijan vì phần lớn gia đình cô ở đó. Evelina lại muốn đi du học vì cô sẽ nhận được một nền giáo dục tốt hơn bên ngoài Bulgaria.
3 quan điểm khác nhau của 3 học sinh khi so sánh hệ thống trường học Bulgaria với Hàn Quốc, Kazakhstan, Nga, Azerbaijan, Phần Lan và Mỹ, cho thấy giáo dục Bulgaria đang ở giữa áp lực và quá nhiều tự do. Các chuyên gia giáo dục Bulgaria cho rằng, họ có thể học hỏi nhiều điều từ các quốc gia đó, nhưng cũng đánh giá cao một số phương pháp giảng dạy của mình.