Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 điều 18 Nghị định 14/2015/NĐ-CP ngày 13/2/2015 của Chính phủ quy định và hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Đường sắt thì các đối tượng chính sách xã hội sau đây được hưởng chế độ miễn, giảm giá vé đi tàu:
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945
c) Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
d)Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đ) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
e) Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng
g) Trẻ em dưới 6 tuổi.
Khoản 2 điều 18 Nghị định 14/2015/NĐ-CP quy định miễn vé áp dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi đi cùng người lớn. Trẻ em được miễn vé phải sử dụng chung chỗ của người lớn đi cùng. Mỗi người lớn được kèm không quá 2 đối tượng miễn vé đi cùng.
Khoản 3 điều 18 Nghị định 14/2015/NĐ-CP quy định các trường hợp được giảm giá vé và mức giảm như sau:
a) Mức giảm 90% giá vé áp dụng cho người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
b) Mức giảm 30% giá vé áp dụng cho các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc da cam; người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng. Việc giảm giá vé được áp dụng theo giá vé bán thực tế của loại chỗ, loại tàu mà hành khách sử dụng.
Căn cứ điều kiện và thời gian cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng đường sắt có thể mở rộng đối tượng được miễn, giảm giá vé và điều chỉnh mức giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội cho phù hợp nhưng bảo đảm không thấp hơn mức quy định tại khoản 3 điều này.
Trường hợp đối tượng chính sách xã hội đi tàu được hưởng từ 2 chế độ giảm giá vé trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ giảm giá vé cao nhất. Người được miễn, giảm giá vé tàu phải xuất trình giấy chứng nhận thuộc đối tượng quy định cùng giấy tờ tùy thân khi mua vé và khi đi tàu.