Những tình huống không có trong giáo án

Những tình huống không có trong giáo án

(GD&TĐ) - Làm thầy không đơn giản, đặc biệt trước những tình huống giáo dục buộc họ phải đưa ra cách xử lý nhanh. Chúng ta hãy cùng nhìn nhận vai trò của người thầy trong những tình huống giáo dục cụ thể.

1. Thầy Nguyễn Đức Phương ở Hải Dương kể, có lần khi chấm bài, thầy phát hiện có hai bài giải giống nhau từng chữ. Phải làm thế nào? Cho cả hai cùng điểm 0 thì quá dễ, nhưng tác động tiêu cực lâu dài của nó ra sao cũng khó mà lường được, vì một trong hai em là người làm bài thật. Thường thì các thầy cô áp dụng các biện pháp sau:

-  Nêu tên hai em đó, phê bình trước lớp và cho cả hai điểm 1 để làm gương cho các em khác.

-  Yêu cầu hai em đó tự giác đứng lên nhận lỗi, sau đó phê bình hai HS ấy và nói với cả lớp về tính trung thực.

-  Trả bài bình thường và nêu chung chung rằng có hiện tượng chép bài của nhau. Không nêu tên hai em, nhưng sau đó sẽ gặp riêng tìm hiểu nguyên nhân và nhắc nhở.

Cuối cùng, người thầy giáo nọ đã chọn cách thứ ba. Sau khi gặp hai HS có bài giống nhau, thầy đã đề nghị các em tự giác cho biết vì sao bài giống nhau, khuyên các em phải tự lực cánh sinh trong khi tiếp thu kiến thức, không nên dựa dẫm vào kết quả lao động của người khác. “Tôi đề nghị mỗi em tự làm lại bài của mình, sau đó tôi sẽ chấm lại, lấy lại điểm này là điểm chính thức, và cảnh cáo các em từ sau không bao giờ được tái diễn”, thầy giáo nọ kể. Kết quả là hai HS đó sau này vẫn là bạn thân của nhau, giúp nhau trong học tập, đồng thời tính tự giác, tự trọng được nâng lên rất nhiều” – thầy Thương cho biết.

Niềm vui ngày tốt nghiệp Ảnh: Ngọc Thạch
Niềm vui ngày tốt nghiệp  Ảnh: Ngọc Thạch

2. Khi bước vào lớp, người thầy thấy trên bảng một dòng chữ nghịch ngợm viết rất to, hoặc diễn ra cảnh tượng em đứng, em ngồi nhốn nháo, mất trật tự, coi như thầy cô không có. Lúc đó tính sao?

Đây là những tình huống thường gặp với thầy cô giáo dạy cấp THPT. Cô giáo Nguyễn Thị Quyên kể, khi học trò nhốn nháo, cô đề nghị các em trật tự, nhưng chỉ có các em phía trước yên lặng, còn phía sau vẫn ồn ào. Các em HS nam còn ném cặp sách vào nhau qua các bàn. “Nếu không thiết lập lại được trật tự lớp học thì các em sẽ coi thường. Nhưng nếu quát nạt, đuổi một vài em bướng nhất ra khỏi lớp thì liệu đó có phải là một giải pháp sư phạm?”, cô băn khoăn.

Cuối cùng cô chọn cách tự mình… ra khỏi lớp, với câu nói: “Khi nào các em ổn định được trật tự thì cô mới vào giảng bài!” Biện pháp hữu khuynh ấy thế mà lại đạt hiệu quả. Chỉ ít phút sau lớp trật tự hẳn, các em tự bảo nhau giữ yên lặng. “Tôi từng được một đồng nghiệp đi trước cho biết, nếu gặp tình huống ấy thì phải tỏ ra rất nghiêm khắc, nhìn thẳng về phía HS và chờ cho đến khi cả lớp ổn định xong trật tự mới chào HS và cho các em ngồi.

Sau đó gọi lớp trưởng nhắc lại nội quy cho cả lớp cùng nghe, rồi chỉ định một HS khác nêu lên những tác hại của việc không thực hiện nội quy giờ học, cuối cùng thì tự mình chốt lại vấn đề, đề nghị cả lớp thực hiện nghiêm túc nội quy và không tái diễn lại. Tôi biết đó là cách nhiều GV áp dụng, nhưng thú thực tôi chưa phải áp dụng thêm lần nào, trừ cái lần tôi tự ra khỏi lớp”, cô tâm sự.

3. Khi mà dân chủ hóa trường học được đẩy mạnh, thì cũng xuất hiện nhiều tình huống cụ thể buộc thầy giáo phải có thái độ ứng xử phù hợp. Một em là lớp trưởng vốn hiền lành, ngoan ngoãn, học giỏi, nhưng lại thay mặt lớp đề nghị với cô giáo chủ nhiệm báo cáo BGH đổi thầy giáo dạy bộ môn. Em đã đưa ra những lý do khá thuyết phục: Thầy dạy khó hiểu, lại hay quát mắng HS khi chưa tiếp thu được bài. 

Những lý do đó, tiếc thay lại không hoàn toàn sai sự thật. Là GV chủ nhiệm, kết quả học tập của lớp rất quan trọng. Vậy, phải làm thế nào để vừa giữ được mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, vừa đảm bảo quyền lợi của HS? Người ta đã đưa ra 3 cách xử lý:

-  Gạt phắt ngay đề nghị của HS, cho rằng như thế là các em đã thiếu tôn trọng thầy giáo, do lười học, lười suy nghĩ rồi đổ lỗi cho thầy. 

-  Tỏ ra thông cảm và hứa sẽ ngay lập tức đề nghị lên BGH đổi một GV khác dạy giỏi hơn.

-  Tổ chức họp lớp, tìm hiểu thêm ý kiến, nguyện vọng của các em, nhưng giữ vững nguyên tắc không đổi GV. 

Trong 3 cách xử lý nêu trên, thì cách thứ 3 là hiệu quả nhất, đúng mực nhất. Không thể phớt lờ ý kiến của HS, mà ý kiến đó là đúng, cũng không thể làm mất đoàn kết nội bộ GV trong trường, không nhân cơ hội làm mất uy tín, danh dự nghề nghiệp của  đồng nghiệp. Tốt nhất là thuyết phục các em một cách có tình, có lý, để các em hiểu vấn đề, đồng thời cũng tìm cách nói với GV đó để họ tự khắc phục, chiếm lại niềm tin với học trò.

Việc ứng xử với học trò, kinh nghiệm của người này khó có thể áp dụng trọn vẹn cho người khác, vì mỗi đối tượng HS lại khác nhau. Mỗi tình huống khi lên lớp thực sự là một thử thách để người GV tự trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Nhưng, việc kiềm chế cảm xúc, thái độ ân cần, lời nói dịu dàng, thẳng thắn xuất phát từ sự thương yêu học trò và mong muốn các em tiến bộ là điều các thầy cô giáo không bao giờ được quên. Từ đó, các tình huống éo le sẽ có cách xử lý mềm dẻo, hiệu quả, không làm tổn thương học trò để cả hai cùng thắng.

Thành công của người thầy không chỉ là truyền đạt kiến thức tốt, chuẩn bị tâm thế cho các em khôn lớn vào đời, mà còn trong những tình huống giáo dục cụ thể. Đó là câu chuyện cùng nhắc nhau nhân năm học mới với hy vọng công cuộc trồng người ngày một tốt hơn.

 “KHƠI DẬY YÊU THƯƠNG TRONG MỖI ĐỨA TRẺ HƯ HỎNG”

Anton Makarenko, sinh tại thành phố Belopolie, (Sumsky, Kharkov Nga). Ông đã dạy học ở nhiều nơi, nhưng khó khăn nhất và cũng là thành công nhất của ông khi ông làm Giám đốc Trại cải tạo Poltava, từ tháng 9/1920 (đến năm 1928).

Trại là nơi tập trung nhiều đứa trẻ lang thang, hư hỗn. Ông đã áp dụng biện pháp phối hợp giáo dục ở trường học với lao động sản xuất, sự kết hợp giữa lòng tin tưởng và sự đòi hỏi. Việc học chữ với lao động đã giúp những đứa trẻ lang thang hiểu sâu về giá trị của văn hóa cũng như lao động bản thân.

Ông không coi các em là lũ trộm cắp hư hỏng, mà luôn khơi dậy trong mỗi đứa trẻ hư tình yêu với cuộc sống, yêu thương bạn bè, có trách nhiệm với tập thể, với bản thân. Vì thế, những đứa trẻ từng bị hắt hủi, khinh rẻ, đánh đập đã ý thức được giá trị nhân phẩm của mình, vượt qua mặc cảm tội lỗi, sống trở thành người có ích.

Gia Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ